Nỗ lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Căn cứ vào những yêu cầu thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Quảng Ninh đã và đang triển khai với quyết tâm đạt kết quả cao.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm học trọng tâm triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Trong đó có dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ngoại ngữ, tin học trở thành môn học bắt buộc ở lớp 3, thay vì là môn học tự chọn như trước đây. Đối với khối lớp 10, thay vì 13 môn học cố định như trước, chương trình giáo dục phổ thông mới có 7 môn học bắt buộc và cho phép học sinh quyết định 4/9 môn học tự chọn, tùy theo năng khiếu, sở thích của mình. Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn, toán học, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương. Môn học tự chọn do học sinh lựa chọn 5 môn từ 3 nhóm môn: Khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật (mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn).

Kế hoạch và lộ trình đổi mới đã có, nhưng thực tế khi triển khai các trường đều phải rất nỗ lực trong bối cảnh thiếu giáo viên các môn học mới, đang là khó khăn chung. Tại Ba Chẽ, trên cơ sở biên chế hiện có Phòng GD&ĐT huyện đã linh hoạt, phân công, luân chuyển giáo viên hợp lý để tổ chức giảng dạy cho các trường. Đồng thời, các nhà trường cũng triển khai theo cách riêng của mình để chương trình không bị gián đoạn.

Tiết học toán tại lớp 3D Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ).

Cô giáo Nguyễn Thu Hoài, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ), cho biết: Nhà trường hiện đang thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã tự tìm giải pháp bằng cách hợp đồng thêm 1 giáo viên ngoại ngữ. Còn đối với môn tin học hiện nay không có giáo viên cũng như cơ sở vật chất máy móc, nên tạm thời nhà trường đẩy tiết học môn công nghệ lên học trước, chờ đến khi có máy móc và giáo viên để dạy thì sẽ học bù sau. Rất mong Phòng GD&ĐT huyện và Sở GD&ĐT có phương án sớm cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, cũng như giáo viên để nhà trường có thể thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Tại trường THCS Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc thay đổi SGK lớp 7 với những chương trình mới được áp dụng khiến nhiều học sinh khá khó khăn trong cách tiếp cận. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của Ban Giám hiệu và các thầy, cô giáo, nhà trường đang dần đưa những kiến thức mới vào bài giảng sao cho học sinh dễ hiểu nhất. Em Chíu Nhì Múi, học sinh lớp 7A Trường THCS Quảng Lâm, cho biết: Năm nay học sách mới, kiến thức mới, trường em còn rất nhiều khó khăn do các thiết bị dạy học cho từng bộ môn theo chương trình mới chưa đầy đủ. Hiện tại các thầy cô đang tận dụng lại cơ sở vật chất của những năm trước để đưa vào sử dụng, giảng dạy cho chúng em.

Năm học này là năm đầu tiên, lớp 10 học SGK và chương trình mới. Đây cũng là lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Học sinh được lựa chọn 4 môn học khác nhau, ngoài các môn chính.

Để đáp ứng nhu cầu rất đa dạng, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy theo nguyện vọng của học sinh, điều này khá vất vả, nhưng sẽ phát huy được điểm mạnh của học sinh, là tiền đề tốt cho các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm học 2022-2023, trường THPT Hoành Bồ đón hơn 300 học sinh vào lớp 10.

Cô giáo Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng Trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long) cho biết: "Chương trình đã được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được tập huấn các mô-đun do Bộ GDĐT, Sở GDĐT tổ chức nên đều đã nắm chắc nội dung và phương pháp dạy học. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới cũng gặp những khó khăn, trong đó có việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa phải căn cứ vào đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, bởi nếu để lựa chọn tự do thì các tổ hợp rất đa dạng, không thể đáp ứng được. Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của ngành, Nhà trường đã chủ động xây dựng 5 tổ hợp môn học lựa chọn trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có và đã thông báo công khai trong phương án tuyển sinh năm học 2022-2023; đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh để các em học sinh lớp 10 hiểu rõ và đăng ký tổ hợp môn học cho phù hợp với năng lực, sở trường, mong muốn của bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.

Hoài Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/no-luc-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-3206137.html