Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh quân sự

An Giang là địa phương được đánh giá thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự hàng năm. Tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng với sự chủ động, tích cực, nỗ lực phấn đấu của từng địa phương, cơ quan có liên quan, tỉnh đã thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, công tác tuyển sinh quân sự tại tỉnh An Giang được duy trì thường xuyên, nền nếp. Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh triển khai đầy đủ các văn bản, hướng dẫn của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng đến Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện và các đơn vị liên quan trên địa bàn. Ban Tuyển sinh quân sự các cấp thường xuyên được kiện toàn. Thực hiện nghiêm túc quy trình, thời gian đăng ký sơ tuyển và xét tuyển cho thí sinh, bảo đảm đủ hồ sơ và tổ chức hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký sơ tuyển, xét tuyển chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ, tư vấn để thí sinh lựa chọn được trường xét tuyển phù hợp với nguyện vọng. Các bước sơ tuyển, thẩm tra xác minh lý lịch tiến hành chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn; phân công cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, được bồi dưỡng nghiệp vụ khi đi xác minh lý lịch các thí sinh.

Công tác tuyên truyền hướng nghiệp được xác định là khâu đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh quân sự, có tác dụng định hướng cho thí sinh tham gia đăng ký dự thi phù hợp với nguyện vọng và khả năng của từng thí sinh. Theo đại tá Thạch Thanh Tú, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, tháng 12 hàng năm, Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện phối hợp với nhà trường, cơ quan chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp làm tốt công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho thanh niên trong độ tuổi tại các địa phương, học sinh trong các nhà trường.

Đoàn công tác tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa

Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh soạn thảo hướng dẫn công tác tuyên truyền, vận động trong tuyển sinh quân sự với nội dung ngắn gọn dễ hiểu, nêu rõ các đối tượng, tiêu chuẩn trong tuyển sinh, quyền lợi của thí sinh, gia đình khi có con em trúng tuyển vào các trường quân đội và quyền lợi sau khi ra trường… Hình thức tuyên truyền khá phong phú, đa dạng, tùy thuộc vào khả năng và điều kiện thực tiễn từng nơi, như: tọa đàm, tư vấn tuyển sinh trên truyền thông đại chúng với sự tham gia của Ban Tuyển sinh quân sự địa phương, đoàn thể, ban giám hiệu trường THPT; thành lập đoàn cán bộ xuống trường THPT tổ chức tuyên truyền trực tiếp vào buổi sinh hoạt chủ nhiệm của từng lớp; phát tờ rơi “Thông báo tuyển sinh"...

Chính sách tuyển sinh quân sự là nội dung được An Giang chú trọng thực hiện. Tất cả thí sinh đăng ký sơ tuyển được bảo đảm đầy đủ hồ sơ đăng ký dự thi, khám sức khỏe. Nếu trúng tuyển, mỗi thí sinh được địa phương thưởng từ 3-5 triệu đồng (riêng huyện Chợ Mới thưởng 10 triệu đồng). Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi học viên được UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh áp dụng chính sách giống như cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, mức kinh phí từ 1-1,2 triệu đồng. Do đó, dần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của thanh niên, học sinh trong việc định hướng nghề nghiệp; ngày càng nhiều thí sinh học lực khá giỏi đăng ký sơ tuyển, xét tuyển.

Bên cạnh thuận lợi, công tác tuyển sinh quân sự của tỉnh gặp một số khó khăn nhất định. Yêu cầu tiêu chuẩn sức khỏe, điểm chuẩn đầu vào của các trường trong quân đội ngày càng cao, ảnh hưởng phần nào đến số lượng thí sinh đăng ký dự thi, chất lượng thí sinh đủ điều kiện sau khi sơ tuyển. Tỷ lệ thải loại do không đủ sức khỏe trên 60% so với tổng số đăng ký ban đầu, cũng có nguyên nhân từ đời sống nhân dân còn khó khăn nên chăm lo sức khỏe thanh, thiếu niên gặp hạn chế. Vì vậy, tỉnh An Giang đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét mở rộng, nới rộng một số quy định trong tuyển sinh quân sự, phù hợp đặc thù của tỉnh nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Trong đợt kiểm tra công tác tuyển sinh quân sự của An Giang, trung tướng Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường, Phó Trưởng ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng đánh giá cao những kết quả công tác tuyển sinh quân sự của tỉnh đạt được; sự phối hợp giữa Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh với các ngành tại địa phương làm tốt công tác hướng nghiệp và sơ tuyển. “Số lượng thí sinh trúng tuyển vào các học viện, nhà trường trong quân đội những năm gần đây đều tăng là những kết quả đáng mừng. Thời gian tới, tỉnh An Giang cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền hướng nghiệp, tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành tại địa phương. Đồng thời, các Ban Tuyển sinh quân sự thành phố, huyện cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyển sinh quân sự, tăng tính chuyên nghiệp hóa trong công tác, góp phần tuyển chọn những thí sinh có thành tích học tập tốt, có sức khỏe, có phẩm chất chính trị tốt tham gia xét tuyển vào quân đội, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự tại địa phương” - trung tướng Trần Hữu Phúc nhấn mạnh.

Trong 3 năm (2018-2020), tỉnh An Giang có 1.806 thí sinh đăng ký sơ tuyển, trong đó có 764 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào các học viện, nhà trường trong quân đội, có 158 thí sinh trúng tuyển, đạt tỷ lệ 20,68%. Nhiều thí sinh trúng tuyển vào các trường có điểm chuẩn cao, như: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 2019-2020, tỉnh có 161 hồ sơ tuyển sinh ngành quân sự cơ sở, có 132 thí sinh trúng tuyển, đạt 81,99%. Năm 2019, tỉnh An Giang cử tuyển 1 thí sinh là hạ sĩ quan- binh sĩ nhập học tại Đại học Hoàng gia Campuchia.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/no-luc-thuc-hien-nhiem-vu-tuyen-sinh-quan-su-a300709.html