Nỗ lực tìm chỗ đứng cho phim lịch sử Việt Nam

Phim lịch sử luôn có một vị trí quan trọng trong nền điện ảnh của mỗi quốc gia. Và từ thực tế có thể nói, so với các nền điện ảnh phát triển trên thế giới và trong khu vực, phim lịch sử của Việt Nam không chỉ ít về số lượng, mà đôi khi kém cả về chất lượng. Gần đây, dường như vì thiếu tìm tòi sáng tạo và tầm cao tư tưởng, một số bộ phim rơi vào tình trạng mô phỏng, minh họa lịch sử một cách cứng nhắc, gây thất vọng cho công chúng.

Dư luận đang chờ đợi dự án phim Phượng Khấu được bấm máy vào tháng 9-2019 này, và sẽ phát trên sóng truyền hình cuối năm nay. Phượng Khấu là phim về đề tài lịch sử với nội dung khai thác những bí ẩn trong hậu cung của triều Nguyễn. Ðạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho biết, bộ phim đề cập cuộc đời của Từ Dụ Thái Hậu, giai đoạn bà làm phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị thời gian từ năm 1840 đến năm 1847. Ðề tài về hậu cung của triều đình phong kiến là hướng đi được điện ảnh ở Hàn Quốc, Trung Quốc khai thác khá thành công với một số tác phẩm có sức lan tỏa lớn đến công chúng ngoài nước.

Suốt hàng chục năm qua, khi khai thác đề tài lịch sử, các nhà làm phim Việt Nam thường chọn đề tài liên quan lịch sử chính trị, quân sự, hay tái hiện các vương triều. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng nhân vật và sự kiện lịch sử,
nhà làm phim hầu như chỉ dựa trên các chi tiết, dữ liệu lịch sử một cách cứng nhắc, hoặc mang tính mô phỏng giản đơn, thậm chí sống sượng, thiếu sáng tạo, khiến tác phẩm kém hấp dẫn. Hậu quả là không ít bộ phim lịch sử bị công chúng thờ ơ. Khi ra rạp, nhiều bộ phim vẫn không thể cạnh tranh nổi với các phim thương mại khác, và rốt cuộc rất ít khán giả đến xem. Cá biệt đã có phim chỉ chiếu một lần vào dịp kỷ niệm rồi "đắp chiếu" để đấy. Bộ phim Anh chàng vượt thời gian của các đạo diễn Ngọc Ngân - Nguyễn Duy sản xuất 2011 với nội dung về một người vượt qua lỗ hổng thời gian tìm về thế giới xa xưa, ngay sau khi ra mắt đã bị khán giả phản ứng, gắn mác "thảm họa phim Việt", nên đã ngừng phát sóng trên truyền hình. Tương tự, phim Lý Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long sản xuất nhân kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), nhưng tác phẩm này đã phải sửa chữa nhiều lần mới có thể xem xét để được phát sóng. Một số phim khác tuy suôn sẻ hơn nhưng cũng không đủ sức giữ chân khán giả, doanh thu bị lỗ. Tiêu biểu như Huyền sử thiên đô (sản xuất năm 2010, đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, Ðặng Tất Bình) kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng cho mỗi tập nhưng khi lên sóng, nhà đầu tư bị lỗ tới 30 tỷ đồng. Nhiều phim dù được giới chuyên môn ghi nhận nhưng vẫn không thể vượt lên để thành phim ăn khách, sánh ngang với phim bán vé khác trên thị trường. Ngay cả phim được giải thưởng, ghi được dấu ấn về chuyên môn vẫn khá khó khăn trên con đường đi tìm khán giả.

Không thể phủ nhận rằng, do các yêu cầu đặc thù mà kinh phí đầu tư làm một phim về đề tài lịch sử thường cao hơn nhiều lần so với kinh phí làm một phim về đề tài khác. Cho nên, đầu tư lớn nhưng phim không đến được với khán giả thì đó không chỉ là thất bại, mà còn là sự lãng phí. Thực tế, điện ảnh Việt Nam không thiếu đạo diễn, biên kịch tài năng, tuy nhiên phải chăng tâm lý kể chuyện phim phải y chang như thật khiến khả năng hư cấu, sáng tạo trong tác phẩm bị hạn chế, kém hấp dẫn? Thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử cũng là một lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, mê phim về đề tài lịch sử (thậm chí phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.

Làm phim liên quan lịch sử luôn đòi hỏi đạo diễn phải có tư duy chặt chẽ, sáng tạo, nhất là có khả năng xử lý hài hòa, hiệu quả giữa sự thật lịch sử với hư cấu, tưởng tượng, và đó là nguyên tắc cần tuân thủ để bộ phim không rơi vào tình huống quá phụ thuộc vào lịch sử nhưng lại thực hiện, tái hiện không tới hoặc bóp méo, xuyên tạc lịch sử. Nguyên tắc đó giúp các tác giả làm phim không theo lối "chép lại lịch sử", đồng thời giúp tác giả làm phim linh hoạt trong tư duy nghệ thuật để xây dựng nên cơ sở kết hợp giữa việc tôn trọng tính chân thực lịch sử, tính xác thực của sử liệu với khả năng sáng tạo của biên kịch, đạo diễn, diễn viên... Sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa khả năng khai thác sự thật lịch sử với tài năng sáng tạo của nghệ sĩ sẽ tạo nên giá trị cho tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm. Vì thế, các ý kiến cho rằng phim lịch sử ở Việt Nam chưa hấp dẫn vì chưa có nhiều tiền để đầu tư, chưa có trường quay, kỹ xảo kém, cổ phục thì chắp vá... tuy không sai, nhưng dư luận phần đông vẫn cho rằng vấn đề cốt lõi vẫn phải bắt đầu từ tư duy sáng tạo của chính các tác giả điện ảnh. Chỉ khi nào vượt qua được sự trì trệ trong tư duy sáng tạo thì điện ảnh Việt Nam mới có được những tác phẩm vừa có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, vừa có sức hấp dẫn người xem.

Về phía công chúng, trong việc tiếp nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử nói chung và tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử nói riêng, cũng cần có sự cởi mở. Theo dõi thực tế phản biện, đánh giá phim về đề tài lịch sử ở Việt Nam, không khó để nhận thấy nhiều ý kiến còn tương đối khắt khe. Không ít khán giả và cả một số nhà sử học, chuyên gia về lịch sử vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng đã là phim lịch sử thì phải tôn trọng 100% sự thật lịch sử, và để không làm "phật ý" những người có quan niệm này, biên kịch và đạo diễn buộc phải chọn cách "an toàn" khi làm bộ phim nào đó. Hệ quả là một bộ phim "an toàn" nhìn từ góc độ lịch sử luôn có thể đứng trước nguy cơ trở thành một bộ phim thất bại về nhiều mặt. Nhìn sang các nước có nền điện ảnh phát triển có thể thấy, đôi khi nhà làm phim chỉ dựa một phần lịch sử để tạo nên một câu chuyện mới vừa quen thuộc, vừa xa lạ, bất ngờ. Họ không "ép" tác phẩm vào cái khung của dữ liệu lịch sử, mà luôn dành đất cho trí tưởng tượng, để các sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa. Chẳng hạn, như phim về cuộc đời Nữ hoàng Cleopatra (Clê-ô-pát) của đạo diễn J.L.Mankiewicz (J.L.Man-ki-e-vic), khi xuất hiện từng bị chê là bối cảnh không đúng với Ai Cập cổ đại, hình ảnh nữ hoàng quá gợi cảm,... nhưng đến nay bộ phim được khẳng định là một trong các tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới. Một số bộ phim lịch sử về các triều đại ở Trung Quốc như Hoàng đế cuối cùng, Ngọa hổ tàng long, Thủy Hử,... cũng từng phải đối mặt với dư luận khi bị các nhà phê bình và khán giả cùng thời chê không bám sát chính sử hay trang phục của nhân vật đẹp đẽ hơn, hoành tráng hơn so với sử liệu. Dù vậy, đến hôm nay, các bộ phim lịch sử đó vẫn chiếm một chỗ đứng vững chắc trong công chúng. Gần đây, tác phẩm Hoàng đế giả mạo của điện ảnh Hàn Quốc ra mắt năm 2012 cũng nhanh chóng trở thành phim "bom tấn" ở quốc gia này. Ðiều đặc biệt của bộ phim là chỉ dựa trên một vài chi tiết lịch sử khá sơ lược ghi chép về các sự kiện xảy ra trong 15 ngày bị che giấu dưới triều đại vua Gwang-hae (Giang-hi), đạo diễn Choo Chang-min (Chu Chang-min) đã sáng tác một câu chuyện về vị hoàng đế giả mạo, tạo nên một bộ phim khá hấp dẫn, lọt vào danh sách các phim ăn khách nhất trong lịch sử phòng vé của điện ảnh xứ kim chi.

Như vậy phần nào có thể nói, đổi mới và phát triển tư duy nghệ thuật khi làm phim về đề tài lịch sử là điều cần được chú trọng và lưu ý nhằm góp phần để điện ảnh Việt Nam có thể cho ra đời các tác phẩm có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật cao, gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Sự đổi mới và phát triển này phải được tiến hành đồng bộ từ nhiều phía, mà trước hết là từ biên kịch, đạo diễn, khán giả cũng như nhà quản lý. Trên tinh thần tôn trọng lịch sử, tôn vinh những giá trị truyền thống, tốt đẹp của lịch sử, người làm phim cần có sự đầu tư đúng mức mang lại những sáng tạo tươi mới, có giá trị thẩm mỹ, tư tưởng cao với cuộc sống hôm nay chứ không chỉ đơn thuần kể lại một câu chuyện, sự kiện đã diễn ra trong lịch sử. Ðồng thời nhà làm phim lịch sử cần xác định cụ thể hơn về vai trò của mình trong quá trình sáng tạo, cần coi khán giả là trung tâm, là thước đo sự sáng tạo. Vì xét cho cùng, khán giả mới chính là yếu tố quyết định sự thành bại của một bộ phim, bất kể về đề tài gì. Mong rằng thời gian tới, điện ảnh nước nhà sẽ có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài lịch sử, góp phần xác lập vị thế của điện ảnh Việt Nam, đồng thời củng cố, phát triển niềm tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

VŨ QUỲNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/41624702-no-luc-tim-cho-dung-cho-phim-lich-su-viet-nam.html