Nỗ lực tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị nạn do mưa lũ

Ngày 6/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại bởi mưa lũ tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh tới trường nhất là các khu vực bị ngập nước, đề phòng tai nạn do điện.

Các chiến sỹ công an huyện Hương Khê chung tay vệ sinh môi trương sau lũ tại xã Hương Đô. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Các chiến sỹ công an huyện Hương Khê chung tay vệ sinh môi trương sau lũ tại xã Hương Đô. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Bên cạnh đó, các địa phương kiểm tra, tổ chức cứu trợ nước uống, lương thực, thực phẩm kịp thời khi có yêu cầu, không để người dân bị đói, rét; tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại; vận hành hệ thống công trình tiêu úng, chống ngập lụt; khẩn trương tổ chức xử lý các sự cố sạt lở đất, thông tuyến giao thông. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục nhà cửa, vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, đê điều, công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến mưa, lũ, kịp thời tham mưu chỉ đạo ứng phó.

Tại các địa phương, lãnh đạo, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã trực tiếp xuống hiện trường, tiếp cận các khu vực bị ngập, chia cắt, chỉ đạo công tác ứng phó với tình hình mưa lũ, tổ chức cứu trợ nước, lương thực, thực phẩm; huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ; di dời dân khỏi khu vực ngập, nguy hiểm; hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các khu vực nguy hiểm.

Tính đến 17 giờ 30 ngày 6/9, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn 56 xã bị ngập tại các huyện Hương Khê, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Vũ Quang, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, thị xã Kỳ Anh. Cùng ngày, mưa lũ kèm theo triều cường đã làm hơn 200m kè biển ở xã Thịnh Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân đánh bắt, khai thác hải sản trên biển và uy hiếp hàng ngàn hộ dân sinh sống phía trong kè.Tình trạng sạt lở kè biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. UBND xã đã đề xuất với cấp trên cho phép thực hiện phương án kè rọ đá dưới chân kè để tránh bị xói lở thêm. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thống kê thiệt hại, từ đó có phương án phù hợp khắc phục sửa chữa, ổn định đời sống người dân, đảm bảo nhu cầu đi lại, đánh bắt, khai thác hải sản.

Tại tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng phối hợp với nhân dân kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh, tiêu độc khử trùng ngay khi nước rút. Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - nơi bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Bình, nước đã rút được 1,5 m, dự kiến khoảng 2-3 ngày nữa nước mới rút hết. Công tác khắc phục được chính quyền địa tích cực triển khai.

Huyện Minh Hóa đã huy động các đoàn thể cùng với lực lượng thuộc Ban Chỉ huy Quân sự các huyện tham gia dọn dẹp nhà, giúp trường học, cơ quan, trạm y tế... vệ sinh môi trường. Huyện phấn đấu đến ngày 9/9, tất cả các trường sẽ tổ chức khai giảng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã cấp phát thuốc khử khuẩn nguồn nước cho các hộ dân, tránh phát sinh các bệnh dịch có thể xảy ra.

Trước tình hình sạt lở trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ động huy động máy móc, phương tiện khắc phục, đảm bảo thông tuyến. Tại những vị trí có nguy cơ sạt cao, ngành chức năng đặt biển cảnh báo; nếu cần sẽ bố trí người trực gác, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã động viên các trường tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ với tinh thần nước rút đến đâu làm vệ sinh trường lớp đến đó để sớm trở lại dạy và học bình thường,

Ngành Y tế Quảng Bình tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hỗ trợ nhân dân vệ sinh môi trường phòng bệnh, đảm bảo nguồn nước sạch; tích cực phòng chống các bệnh dịch có thể xảy ra như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ...

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, khoảng 9 giờ ngày 6/9, bốn trong số sáu thuyền viên Nghệ An mất tích do chìm tàu ở Quảng Bình đã được tàu đánh cá của tỉnh Quảng Trị cứu hộ an toàn ở vị trí cách Cửa Việt 35 hải lý (hơn 60km). Các lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm hai ngư dân còn lại.

Trước đó, vào sáng 5/9, sau khi trú bão số 4, tàu cá mang số hiệu NA 93010 TS do anh Cao Văn Ý (sinh năm 1981, trú tại xóm 8, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) làm thuyền trưởng, trên tàu có bảy thuyền viên, sau khi rời Cửa Gianh (Quảng Bình) được khoảng 10 hải lý về phía Đông đã bị sóng lớn đánh chìm. Một tàu cá ở gần hiện trường đã đến cứu nạn nhưng do sóng lớn nên chỉ cứu được anh Nguyễn Văn Thắng, sáu người khác rơi xuống biển. Đến sáng 6/9, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy bốn ngư dân, hai người còn lại vẫn đang mất tích.

Các tàu Hải quân vùng 3, tàu CN 09 của Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Quảng Trị), tàu Hải Vân (Công ty Cổ phần tàu lai cảng Đà Nẵng), bốn tàu thương mại và các tàu cá của ngư dân Nghệ AnTrong đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích.

Theo Tổng hợp từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và phóng viên TTTXVN tại các địa phương, mưa lũ từ ngày 1- 6/9 (tính đến 17 giờ 30 phút ngày 6/9) đã làm 4 người chết tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Yên Bái; một người bị mất tích tại Quảng Bình, 63 nhà bị hư hại, 15.411 nhà bị ngập nước, 16.147ha lúa, hoa màu bị ngập; 127ha cây trồng hàng năm bị ngập; 1.330ha cây ăn quả tập trung bị ngập, 1.344 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 50m kênh mương và một đập bị sạt lở, hư hỏng; 494 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 430m dây điện bị đứt; 360 điểm đường quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/no-luctim-kiem-nguoi-mat-tich-ho-tro-gia-dinh-co-nguoi-bi-nan-do-mua-lu-20190906205210060.htm