'Nỗ lực' tìm... vaccine chống dịch của Việt Nam

Bộ NN&PTNT cho biết, dù rất khó, nhưng Việt Nam sẽ không 'ngồi im', và chỉ đạo hệ thống, phối hợp với các bộ ngành, đơn vị khoa học để nghiên cứu, tiến tới sản xuất vaccine, giúp ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững.

Việt Nam đang nỗ lực triển khai nghiên cứu, tìm giải pháp sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi ảnh: Bình Phương

Vì sao vẫn chưa có vaccine?

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dù bệnh ASF được công bố lần đầu tiên từ năm 1921, có nhiều nghiên cứu về vaccine bệnh ASF nhưng đến nay chưa có bất kỳ loại vaccine nào được thương mại hóa bán ra ngoài.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS TS Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, virus ASF có dạng hình khối, với khoảng gần 200 loại protein khác nhau, với 23 kiểu gen (genotype) khác nhau. Đến nay, các cơ quan nghiên cứu vẫn chưa xác định chắc chắn, trong gần 200 loại protein đó, loại protein nào khi kích thích vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể phòng hộ. Cùng đó, loại protein nào độc với lợn cũng chưa xác định hết được .

Theo PGS TS Thành, để chế tạo vacine phải nuôi được virus với số lượng lớn. Hiện chưa có tế bào dòng thích ứng, trong khi hầu hết các nghiên cứu đang chỉ tập trung ở quy mô phòng thí nghiệm nhỏ để thử.

Hé mở tín hiệu tích cực

Tuy nhiên, Cục Thú y cho biết, dù chưa có vaccine hiệu quả phòng bệnh ASF được thương mại hóa, nhưng một số nghiên cứu của quốc tế gần đây đang hé mở những hy vọng.

Đáng lưu ý, năm 2017, các nhà khoa học của phòng thí nghiệm tham chiếu ASF của châu Âu, đặt tại Tây Ban Nha đã phân lập được một chủng virus ASF có độc lực thấp từ lợn rừng tại Latvia.

Chủng virus độc lực thấp này thuộc nhóm genotype 2, không có đoạn gene HAD gây xuất huyết ở lợn nhiễm bệnh. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chủng virus này tiêm truyền cho 2 con lợn nuôi trong phòng thí nghiệm. Kết quả sau đó có đáp ứng miễn dịch cao, được bảo hộ và chống lại được với virus ASF độc lực cao.

Ngoài ra, hiện một số Cty và viện cũng nghiên cứu sản xuất vaccine ASF để đưa ra thương mại như Cty Zoetis, Boeghringer, CEVA và một số viện như IRSA, USDA-ARS.

Trong đó, Cty CEVA đã và đang sản xuất vaccine véc-tơ được cấy đoạn gene của virus ASF, kỳ vọng một năm nữa sẽ có vaccine ASF trên thực địa.

Theo Cục Thú y, thông tin từ các chuyên gia của Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) lúc sang Việt Nam hỗ trợ phòng chống khẩn cấp bệnh ASF cho biết, khoảng 4 năm nữa, thế giới có thể sẽ có vaccine bệnh ASF được phép lưu hành và sử dụng.

Ngoài ra, hiện các nước châu Âu như, như Vương quốc Anh đã và đang đầu tư hàng trăm triệu Bảng; Mỹ cũng có chính sách ưu tiên đặc biệt, sẵn sàng cấp kinh phí và có cơ chế đặc biệt cho phép lưu hành vaccine ASF nếu sản xuất thành công.

Ngay tại Trung Quốc, nước đã tiêu hủy trên 1,1 triệu con lợn vì bệnh ASF cũng phê duyệt khẩn cấp chương trình nghiên cứu, sản xuất vaccine ASF sử dụng chủng virus đã phân lập tại nước này.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo Cục Thú y, việc nghiên cứu, sản xuất vacccine ba hướng. Một là sản xuất vaccine nhược độc tự nhiên (phân lập, lựa chọn chủng virus độc lực thấp từ các đàn lợn nhiễm virus nhưng không chết để sản xuất vaccine).

Hai là nghiên cứu sản xuất vaccine nhược độc nhân tạo bằng cách sử dụng công nghệ sinh học để xác định, loại bỏ các đoạn gene gây độc của virus, hoặc nuôi cấy virus qua nhiều đời. Hướng thứ ba, là sẽ vaccin véc-tơ, vacine tái tổ hợp AND…

Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng VI - đơn vị đã phân lập được virus ASF tại Việt Nam cho biết, hiện Chi cục đã nghiên cứu và sở hữu một số tế bào dòng, có khả năng phục vụ cho công tác nhân virus.

Cùng đó, sẽ tiến hành nhân virus đã phân lập được trên các tế bào dòng này để đánh giá sự biến đổi của virus qua các đời cấy truyền, tiến tới nghiên cứu vaccine theo hướng vaccine nhược độc nhân tạo.

Theo ông Lữu, Chi cục cũng có chương trình phối hợp về nghiên cứu vaccine, trong đó có vaccine ASF với với phòng thí nghiệm Quốc gia Úc và họ cũng sẵn sàng chia sẻ các kết quả nghiên cứu. “Nếu 2 chủng virus của Việt Nam và Úc là đồng chủng, sẽ rất thuận lợi cho công tác hợp tác nghiên cứu”, ông Lữu cho biết.

“Dù thế giới vẫn chưa có vaccine nào được thương mại hóa, nhưng Việt Nam sẽ không “ngồi im”, mà sẽ chủ động, tổ chức nghiên cứu, tiến tới sản xuất vaccin ASF của Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết, để đảm bảo chăn nuôi bền vững”.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Còn GS TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, Học viện vừa phối hợp với các nhà khoa học của Hàn Quốc đã biểu hiện thành công 11 loại protein khác nhau của virus ASF….Học viện cũng tiếp tục cho nghiên cứu đặc tính sinh học của những protein tái tổ hợp trên, phục vụ cho nghiên cứu vaccine tái tổ hợp, cũng như sản xuất các kít chẩn đoán nhanh.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/no-luc-tim-vaccine-chong-dich-cua-viet-nam-1396997.tpo