Nỗ lực tung 'mưa' trừng phạt lên Nga, EU không khỏi ướt

Các nhà phân tích dự đoán, những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc thay thế nhập khẩu khí đốt của Nga trong năm nay có thể gây thêm áp lực lên các nền kinh tế khu vực.

Một giàn khoan tại cơ sở xử lý khí đốt, do tập đoàn Gazprom điều hành. (Nguồn: Reuters)

Một giàn khoan tại cơ sở xử lý khí đốt, do tập đoàn Gazprom điều hành. (Nguồn: Reuters)

EU nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt

Khi Nga tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU có kế hoạch thay thế 90% lượng khí đốt nhập khẩu của Moscow vào cuối năm nay.

Việc chuyển hướng khỏi nguồn cung cấp khí đốt Nga càng trở nên cấp thiết hơn sau khi “gã khổng lồ” năng lượng của Moscow - Gazprom giảm 60% dòng chảy năng lượng sang châu Âu, với lý do đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đang sửa chữa.

Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng châu Âu Kadri Simson đã gặp các Bộ trưởng Năng lượng EU vào ngày 27/6 để thảo luận về các biện pháp phối hợp tiềm năng, bao gồm giảm nhu cầu và các kế hoạch dự phòng nếu tình hình xấu đi.

Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga.

Theo kế hoạch REPowerEU (đề xuất của Ủy ban châu Âu - EC nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030), các đề xuất thay thế khí đốt của khối vào cuối năm 2022, bao gồm đa dạng hóa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng tái tạo, hiệu quả sưởi ấm, đa dạng hóa đường ống, biomethane (giải pháp thay thế tái tạo cho nhiên liệu hóa thạch), mái nhà năng lượng mặt trời và máy bơm nhiệt.

Ông Christopher Granville, Giám đốc điều hành khu vực EMEA (châu Âu, Trung đông và châu Phi) và Nhà nghiên cứu chính trị toàn cầu tại công ty tư vấn dự báo kinh tế TS. Lombard cho biết, ngoài thời gian vận hành các thiết bị đầu cuối tiếp nhận LNG của Đức, Nga cũng là một nhà cung cấp LNG quan trọng. Vì vậy, đây là thách thức đối với châu Âu trong việc tìm nguồn cung cấp LNG phù hợp.

Tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Nga sang EU đã giảm từ 45% vào tháng 4/2021 xuống 31% vào tháng 4/2022.

Tổng lượng LNG nhập khẩu đã đạt mức kỷ lục. Châu Âu nhập 12,6 tỷ m3 LNG trong tháng 4/2022, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ trọng đến từ Nga đang có dấu hiệu giảm. Điều này cho thấy, nỗ lực đa dạng hóa của châu Âu đang bắt đầu cho thấy kết quả.

Một phát ngôn viên năng lượng của EC cho rằng: “Quyết định đơn phương của Gazprom về việc ngừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia EU đã củng cố quyết tâm của chúng tôi để đạt được các mục tiêu trong kế hoạch REPowerEU.

Các lệnh trừng phạt đối với than, dầu của Nga sẽ có hiệu lực trong năm nay và với kế hoạch REPowerEU, chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng và chuyển sang các nhà cung cấp thay thế đáng tin cậy hơn Nga”.

Ngày 15/6, EU, Israel và Ai Cập đã ký một bản ghi nhớ về việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Phát ngôn viên năng lượng của EC nói thêm: “Chúng tôi đã đồng ý một tuyên bố chung với Na Uy để thúc đẩy hợp tác năng lượng lâu dài và hướng tới việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt bổ sung trong ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, EC cũng đang làm việc cùng với các nhà cung cấp năng lượng khác để thay thế Nga như Mỹ, Qatar và Azerbaijan”.

Châu Âu dính đòn ngược

Tuy nhiên, ông Christopher Granville dự đoán, khi châu Âu tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt ở những nơi khác, khu vực này sẽ phải chịu những tác động đáng kể về chi phí.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: ″EU sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho dầu và khí đốt không phải của Nga. Trong khi đó, các nước châu Á sẽ mua nhiều dầu hơn của Nga với giá chiết khấu. Ngoài ra, giá LNG mà châu Âu nhập khẩu từ Mỹ cũng sẽ đắt hơn giá mà người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới phải trả bởi EU phải chịu thêm chi phí vận chuyển”.

Điều này có thể ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế châu Âu, nhất là trong thời điểm mà các quốc gia trong khu vực đang gặp khó khăn bởi Covid-19 và khủng hoảng năng lượng.

Một trở ngại khác đối với nền kinh tế khu vực là khả năng bị "cách ly" hoàn toàn đối với nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Đây cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang lo lắng.

Theo nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura, với việc nhóm Các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, nhiều khả năng Moscow sẽ mở rộng phạm vi cắt khí tự nhiên sang các quốc gia EU khác như một biện pháp “trả đũa”.

Nhà kinh tế Takahide Kiuchi nhấn mạnh: “Trong trường hợp đó, EU sẽ cố gắng thực hiện động thái đầu tiên và đi trước Nga, bằng cách tuyên bố cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của quốc gia này. Nếu châu Âu đưa khí đốt tự nhiên vào phạm vi trừng phạt, nền kinh tế khu vực đồng Euro (Eurozone) có thể suy giảm mạnh, trong đó tốc độ tăng trưởng của Đức có thể chuyển sang mức tiêu cực”.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ ra rằng, việc EU tăng cường các lệnh trừng phạt với Nga có thể dẫn đến việc tăng giá năng lượng tăng cao hơn, làm xấu đi tâm lý doanh nghiệp, hộ gia đình và gián đoạn thị trường tài chính.

IMF dự đoán, một chuỗi các sự kiện như vậy có thể làm giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tới 2%.

(theo CNBC)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/no-luc-tung-mua-trung-phat-len-nga-eu-khong-khoi-uot-188900.html