Nỗ lực vì những trái tim khỏe ở tỉnh Quảng Nam

Bằng sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và đầy tình thương của các bác sĩ, y tá thuộc Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, khoảng 2.300 trẻ em đã được thăm khám sau 2 ngày.

Quảng Nam những ngày cuối tháng 8/2018, tiết trời vẫn còn nóng nắng, oi bức đặc trưng. Người lớn bình thường còn thấy nghẹt thở huống gì người có bệnh, mà lại là trẻ em.Thế nhưng khi nghe tin có đợt khám miễn phí sàng lọc sớm bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em dưới 16 tuổi của chương trình “Trái tim cho em” lần đầu cập bến tỉnh nhà, họ lặn lội hàng trăm cây số chỉ mong muốn nhận được kết quả hoàn toàn bình thường kèm nụ cười hài lòng của nhân viên y tế.

Ngay từ sáng sớm, rất nhiều gia đình đã đưa con em tới bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để thăm khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh (Ảnh: Anh Tuấn)

Tại đây, có hơn 100 trường hợp phát hiện bệnh tim bẩm sinh cần tái khám và theo dõi định kỳ, 19 trường hợp có chỉ định phẫu thuật/can thiệp. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bệnh trạng chuyển nặng, cơ hội chữa trị là vô cùng ít do gia đình thiếu quan tâm, đưa trẻ đi khám quá muộn dẫn đến qua giai đoạn “vàng” để can thiệp.

Nhói lòng khi tim thơ “lỗi nhịp”

Chị Hồ Thị Tiệp (dân tộc Ka dong) cho phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam biết, hai vợ chồng đều là người dân tộc thiểu số (chồng là dân tộc Co), không ruộng, không nghề nghiệp ổn định nên ai thuê gì làm nấy. Gia đình đã vượt 50km về bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để khám cho cậu con trai mới 9 tháng tuổi. Từ lúc 3 tháng trở ra, con chị tím môi, khóc không ra tiếng và toàn thân tím tái. Ăn còn không đủ nên trước đó chị chưa có ý định đưa con đi khám bệnh.

“Con bị viêm phổi nằm viện cả tháng nhưng cũng không biết bị tim bẩm sinh. Hôm nay tại chương trình khám, rất may con có tên trong danh sách được tài trợ tiền mổ. Tôi mừng rớt nước mắt”, người phụ nữ với nước da ngăm ngăm hồ hởi nói.

Chị Hồ Thị Tiệp (dân tộc Ka dong) địu con trai xuống khám (Ảnh: Anh Tuấn)

Theo sự chỉ dẫn của Ban Tổ chức, đoàn di chuyển từ Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tới thăm gia đình cháu Ngô Hữu Bình (4 tuổi) tại thôn Hòa An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành - một trường hợp đã được chương trình tài trợ can thiệp từ năm 2015.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Tố Trinh (42 tuổi) cho biết, đến giờ cả nhà vẫn thấy buồn khi năm 2001 đứa con trai đầu lòng sinh được 25 ngày thì mất tại Bệnh viện đa khoa Tam Kỳ cũng do bệnh lý liên quan tới tim. Nay lại tới lượt Bình, từ khi mới sinh đã thường xuyên bị ho, sốt, sổ mũi….Chúng tôi đưa cháu đi khám thì phát hiện bị thông liên thất. Nhờ chương trình “Trái tim cho em” giúp đỡ, tháng 10/2015, trái tim “yếu ớt” khi đó mới 14 tháng tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Thăng Bình xử lý, can thiệp kịp thời. Tới nay sức khỏe Bình khá ổn định.

Chồng chị là con trai cả, năm ngoái bị mổ cột sống nhưng hiện vẫn đang phải cố gắng làm thuê trên tàu đánh bắt cá xa bờ của người trong xóm. Khoảng 2-3 tháng mới về thăm nhà, gửi vợ đôi chục triệu đồng tiền công. Anh chị không có đất riêng, phải ở nhờ nhà ông bà nội. Điều kiện kinh tế gia đình hiện còn tương đối khó khăn, nên nhiều năm nay anh của Bình (sinh năm 2004) phải ở nhà bà ngoại cách đây vài cây số cho tiện việc đi học và chăm sóc.

Bản thân chị, hồi tháng 11/2017 đi khám cũng được chẩn đoán hở van 2 lá, rất may ở mức độ nhẹ nên hàng ngày vẫn có thể đi làm công việc may tại địa phương từ 07h00-18h00 với lương tháng 3 triệu/tháng.

Rời Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đóng tại Khu 5, Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, chúng tôi tới thôn Phái Nam, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước khi anh Phạm Ngọc Thành (sinh năm 1983) vừa đưa cháu Phạm Ngọc An khám bệnh trở về trước đó hơn 1 giờ đồng hồ. Trường hợp này bác sỹ đề nghị gia đình sớm đưa ra khám lại tại Bệnh viện Trung ương Huế để có phương án can thiệp kịp thời.

Gian nhà nóng ngột ngạt, mái tôn lợp nghiêng với cột kèo còn khá mới. Nhìn cảnh cô bé gần 13 tháng tuổi, nặng hơn 11kg, ánh mắt sáng đẹp nằm tự chơi trong cũi, chân tay gầy còm, ai cũng thấy thương cảm.

Gia đình kinh tế khó khăn. Sau khi học nghề ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng về quê không tìm được việc, anh Thành đi làm thuê, rồi nên duyên với chị Võ Thị Xuân Tuyền (kém 2 tuổi) là công nhân tại công ty may ở địa phương. Thu nhập hai vợ chồng bấp bênh, trong khi bà nội cũng chỉ đi làm keo (bóc vỏ), cần cù lắm thu nhập chỉ 150.000 đồng/ngày. Nhà thì chưa có sổ đỏ, họ hàng cũng nghèo cả, mà không vay mượn được mãi do hàng xóm cũng hoàn cảnh.

Mặc dù sinh đủ tháng nặng 2,4kg nhưng bé Ngọc An thường xuyên ho, viêm phổi, sốt nhẹ do siêu âm thai kỳ không phát hiện bị tim bẩm sinh thông liên nhĩ. Cháu được chuyển lên khoa Nhi bệnh viện Tam Kỳ nằm lồng kính hơn 1 tháng. Mẹ mất sữa luôn từ đó, sau đó chuyển ra Bệnh viện 600 giường Đà Nẵng. Gần như toàn bộ thời gian và tiền bạc dành cho đứa con bé bỏng.

Anh Thành bày tỏ lòng cảm ơn tới chương trình, các bác sĩ, y tá đã cho con gái mình cơ hội được phẫu thuật, các thủ tục cần thiết sẽ được chương trình tư vấn, hướng dẫn sớm nhất. “Vợ tôi mới sinh cháu trai thứ hai được vài ngày. Rất may là sức khỏe anh của An hoàn toàn bình thường”, anh tâm sự.

Năng lượng yêu thương từ những trái tim khỏe

Nhiều năm gắn bó với chương trình, theo PGS. TS Lê Quang Thứu, Phó Trưởng Khoa Ngoại tim mạch lồng ngực (Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế), qua thăm khám tại tỉnh Quảng Nam, vấn đề đáng lưu tâm nhất đặt ra hiện nay là bản thân bố mẹ các em chưa quan tâm, chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của khám sàng lọc sớm bệnh tim.

PGS. TS Lê Quang Thứu, Phó Trưởng Khoa Ngoại tim mạch lồng ngực (Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện TW Huế) khám và tư vấn cho phụ huynh tại chương trình. (Ảnh: Anh Tuấn)

“Cùng với đó là công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức cơ bản nhận biết trẻ có thể bị bệnh chưa được tuyến y tế cơ sở làm tốt. Thật xót xa khi chứng kiến bệnh nhi bị phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, thậm chí cha mẹ trì hoãn hàng năm trời. Bởi vậy, điều quan trọng nhất đối với những bệnh nhân này là làm sao phát hiện sớm bệnh”, vị bác sĩ ngoài 50 tuổi có không ít năm tu nghiệp tại Pháp tâm sự.

Theo anh Trần Oai Phong, sinh năm 1986, Phó Phòng Khách hàng doanh nghiệp công tác tại Viettel Quảng Nam, đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao cả. Ngay từ 2008, trực tiếp thẩm định nhiều hồ sơ tài trợ anh cảm thấy vui vì hỗ trợ được phần nào đó vào thành công của chương trình, đưa vị thế của Viettel Quảng Nam lan rộng. Cũng từ đây, anh muốn mang sức mạnh, tính quyết liệt trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh vào công tác thiện nguyện vì cộng đồng, thể hiện thông qua nụ cười niềm nở. Bên cạnh tổ chức đoàn cơ sở tại Chi nhánh, anh còn vận động đồng nghiệp từ các đơn vị như xuất nhập khẩu, bưu chính, công trình… tham gia.

“Mặc dù chương trình trùng ngày nghỉ nhưng anh chị em đều thấy vui vì được học hỏi trong quá trình phối hợp làm việc, tính khoa học, hiệu quả, thể hiện tình thương đối với con trẻ, nhất là trẻ em ở địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn”, anh Phong nói.

Rời đất Quảng Đà anh hùng, ánh đèn thành thị dần bé lại qua ô cửa sổ tàu bay, chúng tôi về thủ đô với tâm trạng vừa vui vừa buồn. Vui vì đợt khám sàng lọc đã thành công ngoài mong đợi, ai nấy đều thấy hạnh phúc khi làm được việc tốt; buồn vì nơi đây, mảnh đất này còn quá nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, nhận thức của chính những bậc làm cha làm mẹ về sự cần thiết trong khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, vẫn còn nhiều trái tim bệnh nhi đang gặp sự cố cần phải xử lý càng sớm càng tốt./.

Anh Tuấn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/no-luc-vi-nhung-trai-tim-khoe-o-tinh-quang-nam-495272.html