Nỗ lực vì sự phát triển bền vững

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân -Chuyến thăm chính thức lần đầu của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đến Vương quốc Hà Lan đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hướng tới nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nghị viện và trên nhiều lĩnh vực trong nhiều năm tới.

Từ nhân duyên lịch sử 400 năm

Ngay hôm đầu tới thăm “xứ sở muôn hoa”, đất nước của danh họa nổi tiếng Van Gốc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên trong Đoàn dự lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí trang trọng, ấm áp, với sự tham dự, chứng kiến của đông đảo các nhà ngoại giao, các tổ chức quốc tế và nhiều nước, đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Hà Lan... Mở đầu buổi lễ, tất cả đại biểu trong khán phòng đứng dậy chào cờ, hát vang quốc ca hai nước Việt Nam và Hà Lan.

Có mặt tại sự kiện quan trọng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến, nhấn mạnh: Những thành tựu trong quan hệ hợp tác của hai nước có được không phải chỉ trong 45 năm, mà chính là sự tiếp nối của những mối liên hệ đã có từ cách đây hơn 400 năm, khi những đội thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An của Việt Nam tiến hành giao thương về lúa, gạo, hồ tiêu, bắt đầu cho sự kết nối giao thương giữa hai nước, góp phần thúc đẩy giao thương giữa hai châu lục Á - Âu. Trong lịch sử hiện đại, từ tháng 4-1973, Hà Lan là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam...

Tại các cuộc gặp, làm việc trong ba ngày qua, Chủ tịch QH nước ta và hai nữ lãnh đạo đứng đầu nghị viện Vương quốc Hà Lan, các đối tác gồm nhiều tổ chức, công ty đang hợp tác với Việt Nam đều khẳng định, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các mặt, củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai bên. Hai nước hiện là đối tác kinh tế thương mại và đầu tư quan trọng của nhau. Qua số liệu báo cáo gần đây của bộ, ngành chức năng, Hà Lan trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại EU. Đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam đứng đầu trong số các nước EU đầu tư vào nước ta, với 305 dự án, nâng trị giá lên gần 8,2 tỷ USD...

Qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc làm việc giữa Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các bạn Hà Lan, hai bên đều nhìn nhận và khẳng định còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Những kế hoạch, dự án trong tương lai đều xuất phát từ nền tảng của quan hệ bạn bè tin cậy, tiềm năng và nhu cầu hợp tác, có lợi ích tương hợp và kinh tế tương hỗ, từ đó mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái. Các bạn Hà Lan ghi nhận và đánh giá cao, đồng thời quyết định hợp tác, đầu tư những dự án mới tại Việt Nam, đất nước đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Chủ tịch QH Việt Nam bày tỏ mong muốn Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án tăng cường năng lực trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước, xây dựng mô hình thí điểm cấp nước với các vùng khó khăn về nguồn nước, lập quy hoạch tài nguyên nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Những vấn đề nêu trên đều được các bạn Hà Lan ghi nhận, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật, chuyển giao quy trình, mô hình thành công với người dân Việt Nam. Bà Cô-ra Niu-den-iu-den, Bộ trưởng Hạ tầng cơ sở và quản lý nước của Hà Lan nhấn mạnh: Hai nước hiện nay đều có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, hàng hải. Hà Lan và Việt Nam là hai quốc gia ven biển, có vị trí chiến lược trong đồng bằng của các con sông. Việt Nam chủ yếu ở đồng bằng Mê Công và sông Hồng, còn Hà Lan ở vùng đồng bằng sông Ranh và Ma-át. Hai nước đang cùng khai thác những cơ hội mới về phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển cảng biển và phát triển kinh tế... Bà Cô-ra Niu-den-iu-den khẳng định, Hà Lan sẽ duy trì sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hướng tới phát triển đồng bằng sông Cửu Long bền vững và thịnh vượng.

“Thành phố xe đạp” năng động

Trên chặng đường cao tốc, đoàn ta đi ô-tô từ Sân bay quốc tế thủ đô Am-xtéc-đam Si-phôn đến TP Ðên Hác - thủ đô hành chính (còn có tên gọi thông dụng khác là Dơ Ha-gơ theo tiếng Anh; La Hay theo tiếng Pháp). Trời cuối tháng 3 sương mù giăng giăng trong giá lạnh khoảng vài độ âm. Thấp thoáng xa xa là những chiếc cối xay gió đứng gần những nếp nhà dân, giữa mênh mông cánh đồng qua vụ thu hoạch. Đên Hác là nơi Chính phủ, tòa án hoạt động và nơi ở của gia đình hoàng gia. Kể từ năm 1920, thành phố ngày càng có nhiều tòa án quốc tế đặt trụ sở. Tòa án lâu đời nhất được biết đến là “Tòa án thế giới”, hay Tòa án Công lý quốc tế - cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc. Thành phố còn nổi tiếng vì có hơn 150 tổ chức quốc tế với hàng chục nghìn nhân viên từ rất nhiều nước đến làm việc...

Cũng như nhiều đô thị khác ở Hà Lan, điều ngạc nhiên với những du khách lần đầu đến thành phố này như chúng tôi, trên các tuyến phố chính chạy theo trục Nhà ga trung tâm, trung tâm thương mại dẫn đến khu hành chính, nơi tọa lạc hai cơ quan Thượng viện, Hạ viện, công viên lớn, đâu đâu cũng có thể thấy từng tốp, từng nhóm “công chức xe đạp”, “học sinh xe đạp”, “sinh viên xe đạp”, “phụ huynh đón con xe đạp”... Khác với hầu hết các nước phát triển, Hà Lan là một trong những quốc gia thân thiện với xe đạp nhất thế giới - đứng đầu châu Âu cùng với Đan Mạch. Xứ sở hoa tuy-líp tự hào có hơn 35.400 km đường dành riêng cho xe đạp. Tính trung bình 2,5/10 km chặng đường cho tất cả các chuyến đi người dân đều dùng xe đạp. Điều này giải thích tại sao Hà Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới có làn đường xe đạp chạy bằng năng lượng mặt trời. Dự án này là kết quả của sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà nghiên cứu khoa học, ứng dụng công trình kỹ thuật tiên tiến phục vụ nhu cầu thường ngày của người dân.

Cảm nhận những ngày qua ở Đên Hác, đi qua Am-xtéc-đam hai vùng đô thị sôi động và nhộn nhịp, chúng tôi thấy rằng, dù nhịp độ công việc bận rộn, cường độ làm việc căng thẳng không kém các nền kinh tế châu Âu khác, hình ảnh những con phố xe đạp, bãi đỗ xe đạp trên từng góc phố làm nên khung cảnh thanh bình, cộng đồng xã hội hài hòa, con người Hà Lan thêm gần gũi thiên nhiên...

Điều ấn tượng nữa khi đến thăm Hà Lan là đất nước này đã và đang thành công trong phát triển du lịch “xanh”. Hà Lan đã và đang tiếp tục đưa thương hiệu đặc sắc “xứ sở hoa tuy-líp” ra với thế giới. Tại khuôn viên làng du lịch Xiu-ken-hốp ở vùng ngoại ô La Hay - nơi tổ chức lễ hội hoa lớn thứ hai tại Hà Lan, luôn nườm nượp du khách từ khắp nơi về đây tham quan, thưởng thức sắc hương quý phái của hàng trăm loài hoa quý hiếm trên diện tích 32 ha. Chị Li-xa, người địa phương dẫn khách tham quan cho biết, làng hoa có khu vườn lịch sử các loài hoa thu hút nhiều bạn trẻ, các em học sinh đến khám phá, tìm hiểu quá trình hình thành nên ngành trồng hoa của đất nước Hà Lan suốt 400 năm qua. Có ngày, hơn 1.000 du khách thập phương đến đây...

Trên đường ra sân bay, những chiếc cối xay gió sừng sững xa xa như thể in tạc vào khoảng trời mênh mông. Không chỉ có đặc sản hoa tuy-líp, tại nhiều địa phương người dân vẫn trân trọng duy tu, giữ gìn những chiếc cối xay gió đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của đất nước Hà Lan để thu hút khách du lịch. Mạng lưới cối xay gió ở Kin-đơ-dích Ên-xao-tơ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bởi thế, Chính phủ Hà Lan đã quyết định chọn ngày thứ bảy và chủ nhật thứ hai của tháng 5 hằng năm làm Ngày Cối xay quốc gia.

Không chỉ là công trình văn hóa, điểm đến du lịch, những chiếc cối xay gió là minh chứng sinh động cho bao thế hệ gợi nhớ những công trình “trị thủy”, lấn biển vĩ đại, sự kiên cường của người Hà Lan. Bài học về cách ứng xử với thiên nhiên và các giải pháp lớn xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển của Hà Lan rất đáng để chúng ta học tập. Đó là sức mạnh quốc gia từ sự chủ động, năng động liên kết, hợp tác rất hiệu quả của từng cá nhân, cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xã hội cùng chung tay chủ động ứng phó với những vấn đề cấp bách của quốc gia và toàn cầu.

VĂN NGHIỆP CHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35935202-no-luc-vi-su-phat-trien-ben-vung.html