Nợ lương vì... cơ chế

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GTVT theo ngành dọc, nhưng lại chịu sự điều phối về dòng vốn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (viết tắt là QLV). 2 tháng qua, 11.000 người lao động của VNR bị nợ lương vì cả Bộ GTVT và Ủy ban QLV đều không thể giao dự toán ngân sách cho đơn vị này.

Theo quy định của pháp luật, Bộ GTVT thì không thể giao dự toán ngân sách cho đơn vị ngoài ngành, còn Ủy ban QLV thì lại “vướng” Luật Đường sắt và các nghị định có liên quan. Vậy là người lao động bị nợ lương vì... cơ chế.

Nhân viên đường sắt vẫn tận tình phục vụ hành khách cho dù rất có thể sẽ bị chậm lương.

Nhân viên đường sắt vẫn tận tình phục vụ hành khách cho dù rất có thể sẽ bị chậm lương.

Được biết, VNR đã phải gửi văn bản “kêu cứu” tới Bộ GTVT, Ủy ban QLV, thậm chí vượt cấp tới cả Thủ tướng Chính phủ, đề nghị gỡ khó cho doanh nghiệp để các đơn vị thành viên có tiền trả lương cho người lao động. Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh cũng đưa ra cảnh báo rằng, nếu tình trạng nợ lương nhân viên không sớm được giải quyết thì đơn vị sẽ dừng chạy tàu trên toàn tuyến từ tháng 3 để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thì khẳng định: Dù khó khăn cũng không cho phép VNR dừng chạy tàu phục vụ người dân.

Cái lý của Thứ trưởng Đông cũng đúng, mà lý của Chủ tịch HĐTV VNR cũng không sai. Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT, việc chạy tàu hay không phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đường sắt quốc gia không phải muốn chạy thì chạy, thích dừng là dừng. Vướng thì bàn cách giải quyết chứ không thể vì vướng mà dừng chạy tàu. Về phía VNR thì cho rằng, người lao động không có lương không thể đảm bảo công việc tuần đường, gác chắn. Đó là chưa kể hệ thống đường sắt xuống cấp, hư hỏng cũng không có tiền để bảo trì sẽ không đảm bảo an toàn chạy tàu.

Vậy phải làm sao để tàu vẫn chạy mà người lao động vẫn có lương? Câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng lại đang là bài toán khó với các cơ quan chức năng lúc này. Trên thực tế, VNR hoàn toàn có thể ứng tiền, hoặc bảo lãnh cho các đơn vị thành viên vay ngân hàng để chi trả lương cho người lao động. Song, quy định của pháp luật lại không cho phép điều đó diễn ra. Lãnh đạo VNR sợ nếu “linh động” giải quyết theo cách đó thì khi bị thanh tra, kiểm toán sẽ không tránh khỏi vi phạm. Chẳng phải đã có khá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị kỷ luật vì giải quyết “linh động” để rồi xảy ra hậu quả nghiêm trọng đó sao?

Bộ GTVT cũng hoàn toàn có khả năng “rót” vốn cho VNR, nhưng lại không dám vì trái luật. Luật Ngân sách nhà nước không cho phép Bộ GTVT giao dự toán ngân sách cho VNR thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 49, Luật Ngân sách nhà nước và Khoản 1, Điều 31, Nghị định 163/2016/NĐ- CP quy định: Bộ GTVT chỉ được giao dự toán cho đơn vị trực thuộc. Trong khi đó, từ tháng 11/2018, chịu trách nhiệm quản lý vốn của VNR - doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia- lại là Ủy ban QLV.

Dù là đơn vị quản lý VNR về vốn, nhưng Ủy ban QLV cũng không thể giao dự toán ngân sách cho doanh nghiệp này bởi trái với quy định của Luật Đường sắt. Tại Luật Đường sắt và các nghị định liên quan quy định: Bộ GTVT có thẩm quyền giao dự toán ngân sách cho đơn vị được giao quản lý tài sản. Còn Ủy ban QLV chỉ quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp... Đó chính là lý do mà dù muốn giao dự toán ngân sách cho VNR, Ủy ban QLV cũng đành bất lực nhìn các đơn vị thành viên của doanh nghiệp này không có tiền trả lương cho người lao động.

Với các phân tích ở trên cho thấy, để có thể vừa không dừng chạy tàu, đồng thời 11.000 lao động của VNR vẫn được trả lương, chỉ có hai phương án để giải quyết. Phương án 1 là đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đường sắt và các nghị định có liên quan để Ủy Ban QLV có thể giao dự toán ngân sách về cho VNR. Phương án 2 là trả VNR về cho Bộ GTVT để cơ quan này có thể giao dự toán ngân sách kịp thời cho doanh nghiệp. Phương án 2 có thể thực hiện được ngay và luôn, còn phương án 1 thì phải cần có thời gian, bởi chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa luật.

Và tất nhiên, người lao động của VNR cũng không thể chờ vài tháng “uống nước lã và hít khí trời” để sống nếu theo phương án 1. Kết cấu hạ tầng đường sắt bị xuống cấp, hư hỏng cũng không có tiền để thay thế, không đảm bảo an toàn chạy tàu. Với lý do trên, Bộ GTVT đã có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để cho phép chuyển VNR trở về trực thuộc sự quản lý toàn diện của Bộ này. Trước tình hình cấp bách đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT, Ủy ban QLV và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất theo hướng giao VNR trở lại trực thuộc Bộ GTVT.

Hy vọng tình trạng thiếu lương người lao động của VNR sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa và không còn doanh nghiệp nào phải rơi vào hoàn cảnh tương tự vì... cơ chế.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/no-luong-vi-co-che-tintuc460170