Nổ mìn khai thác đá ở Chi Lăng (Lạng Sơn): Cuộc sống người dân đảo lộn

Từ khi mỏ khai thác đá của Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành tại thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) bước vào hoạt động, cũng là lúc cuộc sống người dân xung quanh bị đảo lộn, nơm nớp lo sợ.

Mỏ khai thác đá của công ty cổ phần xi măng Đồng Bành tại huyện Chi Lăng.

Mìn nổ - đá lăn

Hàng ngày, mỗi khi đến giờ các mỏ nổ mìn phá đá, người dân lại nơm nớp lo sợ. Bởi sau tiếng nổ rung trời là cả khu vực rộng lớn rung lên bần bật như động đất. Kéo theo đó là đất đá, khói bụi bay khắp nơi, phủ xuống nhà cửa, vườn tược của nhân dân. “Mỏ đá thường dùng lượng thuốc nổ lớn nên khi phát nổ khu vực xung quanh cứ rung lên bần bật và bụi mù mịt. Có lần chúng tôi đang chăm sóc vườn na, sau tiếng nổ mìn thì những tảng đá lớn to như cái mâm lăn ào ào xuống, chỉ cách chúng tôi có nửa mét. Nếu lúc đó, đá lăn trúng người thì chỉ có chết chắc...”, một người dân thôn Cây Hồng bày tỏ sự lo lắng.

Về vấn đề trên, theo UBND huyện Chi Lăng cho biết: Ngày 30/5/2018, UBND huyện Chi Lăng nhận được phản ánh của nhân dân Chi Lăng về việc nổ mìn khai thác đá làm vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất xi măng của công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành gây sạt lở đá, thiệt hại về tài sản của nhân dân tại khu vực vườn của hộ dân thuộc thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng. UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường. Tại vườn na của bà Lương Thị Khang có 8 điểm đá lăn, 19 viên đá mới có kích thước trung bình 10x10cm đến 40x120cm và có 15 cây na đang cho quả bị bong bật gốc, gãy cành. Theo ý kiến của các hộ dân thì việc đá lở, đá văng xảy ra tại thời điểm nổ mìn của công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành. Bên cạnh đó, tại khu vực này thời điểm ngày 6-3-2018 người dân cũng phản ánh và ghi nhận có đá lở, văng xuống vườn na của các hộ dân do hoạt động nổ mìn của công ty xi măng.

“UBND huyện Chi Lăng đã có công văn gửi Sở Công thương, Sở TN&MT xem xét quan trắc môi trường, mức độ dư chấn của hoạt động nổ mìn của công ty. Các ngành chức năng liên quan đã tiến hành kiểm tra giám sát về hoạt động nổ mìn và dư chấn trong hoạt động nổ mìn của công ty. Tuy nhiên, đến ngày 30-5-2018 việc nổ mìn của Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành tiếp tục để xảy ra tình trạng đá lở, đá lăn gây thiệt hại về cây cối, hoa màu của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp của người dân,…”, ông Đinh Hữu Học- Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết.

Sở Công thương chưa thực hiện đầy đủ chức trách…?

Được biết, để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực trên, UBND huyện Chi Lăng đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở ngành liên quan xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc nổ mìn của công ty xi măng đến việc canh tác sản xuất của người dân khu vực lân cận và chỉ đạo thực hiện việc thu hồi, bồi thường hỗ trợ về đất và tài sản trên đất tại khu vực sản xuất nông nghiệp mà hiện nay bị ảnh hưởng bởi hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty xi măng Đồng Bành, dẫn đến đá lở, đá văng gây mất an toàn khi người dân tham gia canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Ngày 12/6/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, UBND huyện Chi Lăng và các cơ quan liên quan kiểm tra mức độ ảnh hưởng do hoạt động nổ mìn khai thác đá của Nhà máy xi măng Đồng Bành đến hoạt động sản xuất của người dân khu vực xung quanh và báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra và phương án xử lý.

Tại Báo cáo số 130/BC-SCT ngày 28/6/2018 của Sở Công thương Lạng Sơn nhận định: “Các rung chấn tích lũy sẽ góp phần làm yếu liên kết, là một trong những yếu tố tác động gây nên hiện tượng đá lăn, đá lở”. Đồng thời, Sở Công thương nhận xét: “Việc khai thác mỏ của công ty có ít nhiều ảnh hưởng rung chấn khi nổ mìn, mặc dù đã có kết quả đo giám sát, nhưng trong quá trình thường xuyên nổ mìn, rung chấn lâu ngày sẽ làm các liên kết tự nhiên của đá tại khu vực xung quanh trở nên yếu đi dẫn đến một thời điểm nào đó sẽ xảy ra đá lăn…”.

Sau khi thẩm tra báo cáo số 130/BC-SCT, UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Sở Công thương chưa đề xuất được giải pháp khắc phục, phòng ngừa và trách nhiệm của Nhà máy xi măng Đồng Bành đối với trường hợp nêu trên. “Tại Khoản 1, Điều 25 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp (QCVN 02:2008/BCT) có quy định giới hạn cho phép về chấn động đối với công trình có khoảng cách từ vị trí nổ mìn đến công trình gần nhất từ 92 m đến 1524 m thì vận tốc dao động cực trị cho phép là 25,4 mm/s. Tuy nhiên, tại Báo cáo số130/BC-SCT, Sở Công thương chỉ dựa vào kết quả quan trắc tại vị trí cự ly 600 m tính từ điểm nổ mìn mà chưa có số liệu quan trắc tại cự ly 92 m và cự ly 450 m để kết luận rung chấn cơ bản bị triệt tiêu là chưa đủ cơ sở…”, UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định.

Theo ông Dương Văn Chiều- Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn, tại Công văn số 2132/VP-KTN ngày 12/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra mức độ ảnh hưởng do hoạt động nổ mìn khai thác đá vôi của Nhà máy xi măng Đồng Bành. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 130/BC-SCT, Sở Công thương lại đề xuất giao Sở TN&MT chủ trì đánh giá nguyên nhân gây đá lăn, đá lở là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dieu-tra/no-min-khai-thac-da-o-chi-lang-lang-son-cuoc-song-nguoi-dan-dao-lon-tintuc410720