Nổ mìn lấy đá cạnh kho xăng dầu, liệu có an toàn?

Việc sử dụng phương pháp nổ mìn để lấy đá ngay cạnh kho xăng dầu ở Thừa Thiên-Huế khiến nhiều người dân lo lắng về sự an toàn cho kho xăng này.

Những ngày gần đây, ANTT nhận được phản ánh về việc hàng loạt xe tải chở đất, đá vật liệu không che phủ ngênh ngang ra vào khu vực cảng Chân Mây, ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế gây mất an toàn giao thông cho lượng xe ra vào khu vực cảng.

Xe không che chắn, phủ bạt ngang nhiên ra vào khu vực cảng.

Có mặt tại đây, theo ghi nhận, rất nhiều lượng xe tải thường xuyên ra vào chở theo đất phong hóa và đá vào khu vực đang thi công cầu cảng. Ngoài việc dùng máy móc múc đi lượng đất khá lớn, đơn vị khai thác còn tiến hành khoan sâu vị trí, tiến hành hoạt động nổ mìn và chở ra khu vực các khối lượng đá.

Nguy hiểm hơn, cách đó không xa là kho xăng dầu của Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Thừa Thiên - Huế, địa chỉ đóng tại thôn Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh. Nhiều người tỏ ra lo lắng về việc quá trình tiến hành nổ mìn để lấy đá sẽ gây ảnh hưởng đến sự an toàn cho kho xăng dầu này.

Hoạt động khai thác đất đá tại khu vực đường vào cảng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Hùng, Cán bộ Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Thừa Thiên - Huế cho biết, khu vực khai thác đá này sát ngay cạnh kho xăng dầu của công ty, trước đây do hoạt động nổ mìn ảnh hưởng không chỉ đến kho mà còn gây rung chấn đến trụ sở nên phía công ty đã ý kiến với cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

"Sau đó, hoạt động khai thác đá ở đây thấy dừng lại. Mấy ngày gần đây, việc khai thác lại trở lại. Nếu tiếp tục ảnh hưởng đến kho xăng dầu, gây rung chấn phía công ty sẽ có ý kiến", ông Hùng cho hay.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng phòng TNMT - Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tại khu vực dưới Cảng đang triển khai nhiều công trình, trong đó có một số công trình theo dự án đầu tư xây dựng thì họ cũng có xin được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ để xử lý các khối đá trong quá trình thi công xây dựng, còn vấn đề có phép hay không là một vấn đề khác.

Cũng theo ông Dũng, tại khu vực Cảng Chân Mây thì không có mỏ khai đá nào được cấp phép cả. "Còn mỏ đá mà đang khai thác đó thì tôi cũng chưa rõ vì chưa xác định được đang nằm chỗ nào", ông Dũng nói.

Tìm hiểu của PV, đơn vị khai thác đá tại khu vực nêu trên thuộc Công ty cổ phần quản lý đường bộ và xây dựng công trình tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Bùi Văn Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý đường bộ và xây dựng công trình tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận việc xe tải chạy ra từ khu vực khai thác đá không che chắn, phủ bạt gây mất an toàn giao thông là có và cho biết, những chiếc xe tải này là của đơn vị thi công đang xây dựng công trình nâng cấp cầu cảng, còn đơn vị ông chỉ có cung cấp nguyên vật liệu đất đá.

Vị này cũng thông tin, khu vực mà đơn vị lấy đá nằm trong Dự án Mở rộng tầm nhìn đường ra Cảng Chân Mây và kết hợp việc thu hồi vật liệu xây dựng được Ban Quản lý Chân Mây – Lăng Cô cho phép thực hiện từ năm 2013 đến hết quý IV năm 2018. Mục tiêu của dự án là nhằm mở rộng tầm nhìn cho các xe ra vào trên tuyến đường nối QL1A ra cảng Chân Mây, đảm bảo an toàn giao thông, cải tạo cảnh quan của khu vực và kết hợp thu hồi một phần vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình trên địa bàn Khu kinh tế và vùng lân cận.

Trước câu hỏi tại sao mục tiêu của dự án là mở rộng tầm nhìn, đơn vị lại tiến hành khoan sâu, lấy đất đá âm so với mặt đường, ông Chiến nói, sau khi hạ độ cao của khu vực núi, nhằm để san lấp mặt bằng khớp với mặt đường, đơn vị phải hạ thêm độ sâu.

Liên quan đến việc sử dụng vật liệu nổ, ông Chiến thừa nhận, việc trước đây sử dụng phương pháp nổ mìn bằng vật liệu truyền thông nên có gây rung chấn. Tuy nhiên, sau đó, công ty đã sử dụng phương pháp nổ vi sai điện, không gây ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.

Lê Kông

Nguồn ANTT: http://antt.vn/hue-no-min-lay-da-canh-kho-xang-dau-lieu-co-an-toan-258532.htm