Nợ nước ngoài của quốc gia dưới ngưỡng trần và trong tầm kiểm soát

Ngày 9-8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia nhằm đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong sáu tháng đầu năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi họp (Ảnh: Chính phủ).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi họp (Ảnh: Chính phủ).

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng tăng nhanh, bình quân tăng 16,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP (13%/năm) cùng giai đoạn, do các khoản tự vay, tự trả của DN và tổ chức tín dụng. Cuối năm 2017, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP ở mức 48,9%, sát ngưỡng 50% được Quốc hội cho phép. Cuối năm 2018, nợ nước ngoài của quốc gia giảm xuống còn khoảng 46%, bảo đảm các quy định và thông lệ quốc tế. Cũng trong sáu tháng đầu năm nay, tổng mức phát hành TPDN là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ, trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỷ đồng (36%), DN bất động sản 22.122 tỷ đồng (19%),... Quy mô thị trường TPDN đến hết tháng 6 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so cùng kỳ, vượt mục tiêu 7% GDP đặt ra năm 2020.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ yêu cầu các bộ, ngành tăng cường điều hành, quản lý nợ theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của DN, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các DN nói chung. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện pháp luật quản lý nợ tự vay tự trả của DN, tập trung giám sát tổng nợ, cơ cấu nợ của các khu vực và có tính tới rủi ro đối với từng DN, phù hợp thông lệ quốc tế. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư rà soát, đánh giá tổng thể đầu tư nước ngoài, tác động của điều kiện vay nước ngoài tới mục tiêu tăng trưởng và thu hút FDI, đề xuất khắc phục những hạn chế.

Phó Thủ tướng đánh giá, thị trường TPDN có sự phát triển nhanh vì các DN có nhu cầu vốn lớn để sản xuất, kinh doanh trong khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng siết chặt, nhất là các lĩnh vực còn nhiều rủi ro như bất động sản. Thị trường TPDN từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho DN, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại,... Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, phát hành TPDN với lãi suất huy động quá cao sẽ tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/41164002-no-nuoc-ngoai-cua-quoc-gia-duoi-nguong-tran-va-trong-tam-kiem-soat.html