Nở rộ các giải chạy bộ: Không thể để lỡ cơ hội

Cuối tuần này, những người yêu thích môn chạy bộ lại có dịp hội tụ tại Ninh Bình để tham gia giải Tràng An Marathon lần thứ I năm 2018. Thêm một sân chơi mới được mở ra, góp phần đáp ứng nhu cầu tham gia các sự kiện chạy bộ của đông đảo người Việt Nam cũng như du khách quốc tế. Nếu khéo tổ chức, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để có thể kết hợp giữa thể thao và du lịch, xu thế chung trên thế giới từ nhiều năm nay.

Tổ chức giải bắt nguồn từ nhu cầu

Ngay trước giải Tràng An Marathon lần thứ I này, một giải bán Marathon cũng lần đầu được tổ chức tại Huế, mảnh đất vốn chỉ được biết đến nhiều hơn ở khía cạnh du lịch. Giải đấu được tổ chức với những cự ly thi đấu được xem là vừa phải, phù hợp với đa số người yêu thích môn chạy bộ như 5km, 10km, 21km.

Hôm đó, các vận động viên vừa chạy vừa thưởng thức khung cảnh Đại Nội, phong cảnh hai bờ sông Hương, các địa điểm văn hóa, du lịch, lịch sử... trước khi về đích ở Quảng trường Ngọ Môn. Như nhiều vận động viên kể lại thì đây đúng là một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ tại một mảnh đất vốn nổi tiếng là mang dáng vẻ “trầm trầm”.

Cũng vì sự khác lạ của Huế cùng mong muốn được trải nghiệm mà có đến gần 1.500 vận động viên, trong đó có không ít khách du lịch tham dự giải Marathon lần này. Không ngẫu nhiên khi sau thành công của giải đấu, Ban tổ chức giải đã lên kế hoạch tổ chức khoảng 2 giải đấu tương tự trong một năm tại Huế để phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao, trong đó có môn chạy bộ, và quảng bá, kích cầu ngành du lịch, vốn đang chựng lại về lượng du khách.

Các sự kiện chạy góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương.

Còn giải Tràng An Marathon vốn đã được nhà tài trợ và đồng tổ chức giải là Công ty Big Prize Việt Nam ấp ủ từ gần 1 năm nay. Giải đấu này được ra đời bắt nguồn từ chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, từ chính nguồn tài nguyên thiên nhiên hiếm gặp của đất Tràng An và cũng từ nhu cầu của những người yêu thích môn chạy bộ. Năm ngoái, giải việt dã báo Tiền Phong được tổ chức tại Ninh Bình đã “mở cửa” với vận động viên nghiệp dư theo dạng “nộp lệ phí và dự giải”.

Cũng chính giải đấu đó đã tạo cảm hứng để Phạm Duy Cường – ông chủ của Big Prize Việt Nam và cũng là người Việt Nam đầu tiên tham gia giải Marathon trên dãy Everest nổi tiếng khắc nghiệt, quyết định tạo ra một sân chơi ở Ninh Bình cho những người yêu thích chạy bộ.

Tất nhiên, tuyến đường chạy của giải Tràng An Marathon khác nhiều so với tuyến đường chạy của giải việt dã báo Tiền Phong. Theo Phạm Duy Cường, tuyến đường chạy của Tràng An Marathon sẽ đầy lãng mạn, gần gũi thiên nhiên và đương nhiên đem đến cảm giác mới lạ về Ninh Bình.

3 ngày trước khi giải đấu diễn ra, Phạm Duy Cường cho hay là có gần 1.000 vận động viên trong đó có hơn 100 vận động viên nước ngoài đến từ gần 20 quốc gia tham dự giải. Trong số các vận động viên nước ngoài, có nhiều người tìm đến Việt Nam chỉ vì muốn dự giải đấu ở Ninh Bình này rồi sau đó kết hợp du lịch khám phá. Chính số vận động viên này cũng khiến Liên đoàn Điền kinh Việt Nam bất ngờ trước sức hấp dẫn của giải dù rằng đây là giải đấu thu phí với người chạy.

Nguồn kích cầu du lịch quan trọng

Hiện tại, ở Việt Nam không thiếu các giải đấu tương tự 2 giải trên. Ở Hà Nội có ít nhất 4 giải đấu trong năm nay trong khi các tỉnh, thành khác ở phía Bắc, miền Trung cũng duy trì ít nhất 1 giải/ năm. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2018 cũng còn một số giải đấu tương tự lần đầu được tổ chức trong đó có giải Mai Châu Marathon (Hòa Bình).

Theo thống kê sơ bộ của Biz Price Việt Nam, ít nhất trong năm 2018, ở Việt Nam có khoảng 20 giải Marathon hoặc bán Marathon được chính thức tổ chức. Ngoài ra, còn vô số giải đấu bán Marathon hoặc giải 10km được các nhóm chạy, cá nhân tự tổ chức. Cứ theo đà này, số giải đấu còn tăng lên. Tất cả đã cho thấy nhu cầu tham dự các sự kiện chạy trong cộng đồng người yêu thích môn chạy bộ là cực lớn dù mức phí tham dự nhiều giải đấu cũng lên đến gần triệu đồng hoặc hơn ở nội dung Marathon (42,195km).

Ông Dương Đức Thủy, Trưởng Bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) từng kể rằng, tiềm năng kinh tế từ việc tổ chức các giải chạy hoặc các hoạt động chạy phục vụ du lịch là cực lớn. Cách đây gần 20 năm, đã có doanh nghiệp lữ hành của Nhật Bản đến Việt Nam đề nghị Liên đoàn Điền kinh Việt Nam phối hợp tổ chức các hoạt động chạy đường trường cho du khách Nhật Bản.

Theo đó, mọi chi phí sẽ do phía công ty của Nhật Bản lo liệu, trong khi phía Việt Nam chỉ cần tìm cung đường chạy để giúp du khách vừa chạy vừa ngắm một số di tích văn hóa cũng như cảnh đồng quê, thậm chí có thể dừng lại chụp ảnh với người nông dân Việt Nam đang cấy lúa, trồng rau.

Lúc ấy, do cách làm này còn quá lạ lẫm ở Việt Nam nên việc không thành. Nhưng câu chuyện ấy đã chỉ ra rằng có nhiều cách để phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương trong đó tổ chức các sự kiện thể thao, cụ thể là môn chạy bộ, có thể là một giải pháp.

Còn như tính toán của một số nhà tổ chức thể thao thì khi tổ chức các giải chạy lớn, địa phương cũng không phải quá lo về chuyện lỗ lãi. Đơn giản vì có rất nhiều đơn vị tổ chức sự kiện muốn tham gia đồng hành thậm chí chỉ cần địa phương đồng ý về chủ trương tổ chức giải. Phần kinh phí tổ chức giải sẽ đến từ đơn vị tổ chức thông qua phí tham dự của vận động viên, nguồn tài trợ...

Trong khi đó, địa phương sẽ được hưởng lợi không chỉ từ chỉ số du khách tăng lên mà còn từ nguồn thu ăn ở, đi lại, tham quan... của người tham dự, từ sự quảng bá cho chính du lịch địa phương của người tham dự tới những người khác. Sau các sự kiện chạy, nguồn thu từ việc này chưa có thống kê cụ thể nhưng chắc chắn là không nhỏ. Thế nên hoàn toàn có thể trông vào việc cùng phát triển của cả phía thể thao cũng như du lịch.

Thực tế, cái bắt tay giữa thể thao và du lịch hoàn toàn có thể chặt chẽ hơn nếu các bên liên quan cùng nhận thấy lợi ích của các sự kiện thể thao trong đó có chạy bộ, môn thể thao đang ngày càng phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam với ít nhất hàng chục nghìn người tập luyện thường xuyên.

Hà Nội dự kiến tổ chức trở lại giải Marathon quốc tế

Hà Nội sẽ tổ chức trở lại giải Marathon quốc tế Hà Nội vào tháng 4-2019 sau khi gián đoạn kể từ lần gần nhất là vào năm 1993. Đây là giải đấu đã được đưa vào kế hoạch thi đấu năm 2019 của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và dự kiến thu hút hàng nghìn người tham dự trong đó có không ít khách du lịch. Theo nhiều chuyên gia, việc đến lúc này Hà Nội mới tổ chức trở lại giải Marathon là muộn nhưng thà muộn còn hơn không. (Minh Hà)

Minh Khuê

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/khong-the-de-lo-co-hoi-509300/