Nở rộ các kỳ thi riêng: Cách nào giữ chất lượng?

Ngày càng có thêm nhiều trường đại học (ĐH) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng 'trăm hoa đua nở', gây lãng phí và tăng áp lực thi cử cho học sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.

Đến hiện tại, cả nước đã có gần 100 trường ĐH công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, điểm đáng chú ý là bên cạnh kỳ thi riêng của Bộ Công an, nước ta có 10 cơ sở giáo dục đã tổ chức hoặc chuẩn bị tổ chức các kỳ thi riêng, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Quốc gia TPHCM; ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm TPHCM; Trường ĐH Ngân hàng TPHCM; Trường ĐH Việt Đức; Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội…

So với năm 2022, năm nay có thêm 3 trường tổ chức kỳ thi riêng. Dự kiến sẽ có hàng trăm trường ĐH, CĐ trên cả nước sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh. Trong đó, riêng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM đã có khoảng 140 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển.

Trần Nguyễn Thu Hằng (học sinh lớp 12, trường THPT Phủ Lý A, Hà Nam) cho biết em mong muốn thi vào ngành sư phạm Lịch sử nên đã đăng ký cả kỳ thi riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hiện em vẫn ôn tập theo bộ đề tham khảo nhà trường cung cấp.

“Thông tin về lớp ôn thi cấp tốc của hai kỳ thi này quảng cáo đầy rẫy trên mạng, lớp em cũng đã có bạn tham gia. Tuy nhiên, thầy cô đều khuyên là cứ tập trung học tốt kiến thức trên lớp, luyện các đề đã có, không nên quá dồn lực cho các kỳ thi riêng mà bỏ lỡ cơ hội vào ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT” – Hằng chia sẻ và cho biết thêm hiện lịch học chính khóa, học thêm của em đã kín, nên nếu muốn tham gia lớp luyện thi cấp tốc cũng vướng.

Từ góc độ chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được sử dụng để xét tuyển ở hầu hết các trường, các ngành nên thí sinh không thể lơ là. Để tăng thêm cơ hội trúng tuyển, thí sinh đăng ký thêm các kỳ thi riêng là điều có thể hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc các em phải phân chia thời gian ôn tập cho kỳ thi này. Dù hầu hết các trường đều khẳng định không cần học thêm, cứ học theo chương trình đã được Bộ GDĐT công bố nhưng nếu để đạt điểm tốt, các thí sinh không thể cứ thế đi thi, phải có sự tìm hiểu, chuẩn bị, tập dượt trước… trong khi quỹ thời gian của học sinh cuối cấp rất chật hẹp, bài vở trên lớp nhiều.

“Khi kết quả của các kỳ thi riêng chỉ được công nhận ở một số lượng trường nhất định thì thí sinh đăng ký thêm các kỳ thi riêng nên cẩn trọng để tránh áp lực nhân đôi trong khi hiệu quả có thể lại chia đôi”- TS Lê Viết Khuyến đưa ra lời khuyên.

Từ phía nhà trường, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng hiện nhiều trường ĐH trên thế giới cũng có các hình thức khác nhau để đánh giá năng lực học sinh nên có thể xem đây là xu thế chung. Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xác định một học sinh trở thành công dân, còn xét tuyển ĐH giúp các trường và thí sinh lựa chọn ngành nghề cụ thể. Và các kỳ thi riêng ra đời để đáp ứng điều này.

Quy chế riêng cho các kỳ thi riêng?

Với việc trăm hoa đua nở các kỳ thi riêng, liệu chất lượng có đảm bảo là câu hỏi đang đặt ra. Bởi như phân tích của TS Lê Viết Khuyến, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong giáo dục ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng cần thiết phải ban hành một quy chế cho kì thi riêng, theo đó các cơ sở đào tạo muốn tổ chức thi riêng phải đạt yêu cầu theo quy chế đó. Thậm chí, đại biểu Nguyễn Thị Sửu còn kiến nghị Bộ GDĐT cần xem xét yêu cầu các trường tạm dừng tổ chức kỳ thi riêng để bổ sung các cơ chế, quy chế tuyển sinh chặt chẽ, “vì để tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay thì khi sự đã rồi việc xử lý sẽ rất khó khăn do không có nền tảng để xử lý.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết Nghị quyết 29 đã nêu rõ chủ trương “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH”. Các cơ sở giáo dục ĐH được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng; theo đó có thể cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Thực tế hiện nay cho thấy, một cơ sở đào tạo tổ chức thi nhưng có nhiều cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả kỳ thi của đơn vị đó để xét tuyển. Chính vì vậy, các kỳ thi này cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/no-ro-cac-ky-thi-rieng-cach-nao-giu-chat-luong-5710607.html