'Nở rộ' hình thức lừa đảo giả danh công an

Một hình thức lừa đảo đang 'nở rộ' ở Gia Lai, đó là giả danh công an 'đang điều tra chuyên án tội phạm', 'đề nghị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng phục vụ công tác phá án, bị oan sẽ trả lại'.

Đã có hàng chục đơn trình báo bị lừa đảo, gửi đến Công an tỉnh Gia Lai trình bày bị lừa đảo từ 50 triệu đồng đến 2 tỉ đồng.

Thủ đoạn không mới

Ngày 14.10, Công an (CA) Gia Lai cho biết, đang đẩy mạnh tiến độ điều tra nạn lừa đảo qua mạng viễn thông và Facebook.

Khoảng tháng 4 - 5.2018, chị Nguyễn Thị Huyền (trú phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, Gia Lai) nhận được cuộc gọi bằng điện thoại của người xưng là “cán bộ của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Bộ Công an). Đáng nói, vị “cán bộ” này biết chính xác họ tên, tuổi và địa chỉ của chị đang sinh sống.

Người này nói qua điện thoại: “Chị đang bị điều tra về tội buôn bán trái phép chất ma túy”. Nghe đến đây, chị bủn rủn tay chân, lo lắng. Biết nạn nhân hoang mang, “cán bộ Cục PC45” yêu cầu chị Huyền gửi tiền vào một tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.

Hoảng sợ, chị Huyền đến ngân hàng chuyển 161 triệu đồng vào số tài khoản: 19032062259091, có tên Bùi Văn Long - mở tại Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Hà Nội. Họ nói: “Chị phải khai báo để chúng tôi minh oan cho chị”. Đồng thời hù rằng: “Buôn ma túy chắc chắn chịu mức án chung thân, hoặc tử hình”.

“Tôi nghĩ, mình không có tội, mình cứ chuyển vào để họ minh oan, rồi họ chuyển lại cho mình. Ai ngờ, mất tiền, nhờ ngân hàng kiểm tra, mới biết đã bị người khác (kẻ lừa đảo) rút tiền”, chị Huyền bần thần.

Là chủ doanh nghiệp tư nhân ở Gia Lai, anh Phan Văn Nguyên (trú phường Yên Đỗ, TP. Pleiku), thường xuyên giao dịch bằng ngân hàng trực tuyến. Đầu tháng 6.2018, anh đăng thông tin bán lô đất trên mạng Facebook, nhận được tin nhắn hỏi mua của một người. Vị khách hàng giới thiệu tên Tâm, sinh sống tại Mỹ.

Người này đề nghị anh gửi ảnh bìa đỏ, chứng minh thư, giấy nhận tiền đặt cọc qua Facebook “làm tin”. Ngược lại, người này trả trước 200 triệu đồng qua “dịch vụ chuyển tiền quốc tế”.

Theo chỉ dẫn, anh Nguyên đăng nhập vào đường link có địa chỉ gần giống trang web chuyển tiền quốc tế westernunion.com. Sau khi điền thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP (mật khẩu xác nhận giao dịch dùng một lần từ ngân hàng - PV), tài khoản của anh bị trừ gần 50 triệu đồng.

“Khi điền mã OTP, tôi nghĩ mình điền thông tin để nhận tiền, chứ không nghĩ là đang cho kẻ lừa đảo thông tin để đăng nhập tài khoản ngân hàng của tôi”, anh Nguyên kể lại.

Đã cảnh báo... nhưng vẫn bị lừa

Hai năm 2017 - 2018, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA Gia Lai đã tiếp nhận đơn của khoảng 20 bị hại tại địa bàn tố bị lừa đảo qua Facebook và mạng Viễn thông.

Đại tá Trần Trọng Sơn -Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CA Gia Lai) khuyến cáo: Người dân không nên cung cấp hình ảnh tài khoản, tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú lên mạng xã hội. Khi sử dụng tài khoản ngân hàng (đặc biệt các ngân hàng có giao dịch chuyển tiền quốc tế), cần cẩn trọng bảo mật dữ liệu. Trường hợp, nhận thông tin từ các đối tượng giả danh điều tra viên, kiểm sát viên gửi đến thông tin quá trình bắt giữ, khởi tố, thì phải báo ngay cho cơ quan công an địa phương.

“Người dân phải cảnh giác với những thủ đoạn trên, để bảo vệ tài sản chính mình”, thượng tá Sơn nhấn mạnh. CA Gia Lai cho biết, có rất nhiều kiểu lừa đảo thông dụng trên Facebook và viễn thông. Đó là, giả danh nhà mạng trúng thưởng; giả danh điều tra viên, công an, kiểm sát viên; giả là người nước ngoài muốn lấy vợ Việt Nam hoặc chuyển quà tặng qua hải quan, hoặc đường hàng không để chiếm đoạt tài sản. Hình thức lừa đảo không mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

ĐÌNH VĂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/no-ro-hinh-thuc-lua-dao-gia-danh-cong-an-636013.ldo