Nở rộ vở diễn thực cảnh trăm tỉ đồng

Dồn dập xuất hiện những vở diễn rất hoành tráng ở Việt Nam, đầu tư hàng trăm tỉ đồng được dàn dựng công phu nhưng không phải cứ làm là thành công

"Tinh hoa Bắc Bộ" vừa ra mắt đã đến "Ấn tượng Hội An" công bố lịch sản xuất. Những vở diễn "ngốn" của nhà đầu tư vài trăm tỉ đồng. Công chúng đã có thể hy vọng đây là "món ngon" trên bàn tiệc nghệ thuật chưa?

Ấn tượng sân khấu thực cảnh

"Tinh hoa Bắc Bộ" - vở diễn thực cảnh vừa ra mắt vào ngày 28-10 tại Hà Nội - dẫn dắt khán giả trở về với những không gian văn hóa của vùng nông thôn Bắc Bộ, qua những miền thi ca, cõi Phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui và ngày hội.

Cảnh trong vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" Ảnh: NA SƠN

Mở đầu vở diễn là hoạt cảnh huyên náo của dân chài trong tiếng sóng vỗ mạn thuyền và âm thanh mộc mạc phát ra từ các ngư cụ. Sau khúc hát ru, hình ảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh bước ra trong màn sương khói mờ ảo, cầu an cho đời sống người dân. Từng bước chân thiền sư, hoa sen nở rộ.

Vở diễn có sự hài hòa của yếu tố thiên nhiên và ngũ hành, đan xen cảnh thực và ảo trên nền nhạc dân ca. Không gian trên mặt nước tạo cảm giác mềm mại, thanh thoát. Những rặng tre bao quanh sân khấu thấm đẫm tinh thần làng quê Việt Nam. Bên cạnh nghệ thuật rối nước, những di sản văn hóa lần lượt được trình diễn trên sân khấu mặt nước như chèo, quan họ, ca trù...

Những nếp sinh hoạt truyền thống của làng quê Bắc Bộ được tái hiện trong khung cảnh dân chài nhộn nhịp trên sông nước, cảnh đồng áng của dân quê, cảnh đô hội chốn thị thành, cảnh trường thi ồn ào tấp nập của sĩ tử, cảnh rước kiệu nhộn nhịp trong hội làng. Cả các trò chơi dân gian như cà kheo, nhảy sạp hay tích truyện người đẹp trong tranh gắn với các nàng tố nữ trong tranh Đông Hồ... cũng được truyền tải tới khán giả trong 60 phút trình diễn.

Sân khấu biểu diễn là thực cảnh, cách trung tâm Hà Nội 25 km, nằm ngay dưới chân núi Thầy. Đây cũng chính là ý tưởng tạo nguồn cảm hứng của vở diễn, với cốt truyện tập trung vào ông tổ nghề múa rối nước Việt Nam, thiền sư Từ Đạo Hạnh và đời sống phong phú của vùng Bắc Bộ.

Sân khấu mặt nước rộng tới 4.300 m2 có sự hùng vĩ của sơn thủy hữu tình, dựa lưng vào ngọn núi Thầy, mặt nước với nghệ thuật ánh sáng mang lại sự lung linh, huyền ảo. Vở diễn được xây dựng bởi ê-kíp lên tới 300 người này có sự tham gia tương tác của 180 diễn viên, họ chính những nông dân của vùng đất Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), sinh viên nghệ thuật đến từ Trường Cao đẳng Múa Hà Nội.

Sau "Tinh hoa Bắc Bộ", đạo diễn Mai Soái Nguyên (người Trung Quốc) đã tới Việt Nam và sẽ tổng đạo diễn chương trình biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" tại dự án công viên chủ đề "Ấn tượng Hội An" nằm trọn vẹn trên một cù lao của sông Thu Bồn. Dự kiến vở diễn sẽ ra mắt vào ngày 30-12 tới.

Ông Mai Soái Nguyên cho biết tham gia trình diễn có khoảng hơn 500 diễn viên, chủ yếu là người địa phương, trên sân khấu thực cảnh có chiều dài khoảng 1 km bao gồm cả dòng sông và các cù lao xung quanh, kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ vở diễn nhằm tái hiện lịch sử, làm sống lại sự sầm uất của thương cảng Hội An năm xưa. Đạo diễn tin tưởng "Ký ức Hội An" sẽ là một điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến và dừng chân tại thành phố di sản nổi tiếng thế giới.

"Món ngon" của bàn tiệc nghệ thuật?

"Tinh hoa Bắc Bộ" với những văn hóa, đời sống và nghệ thuật của vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng đạo diễn lại là người miền Trung, đang sinh sống tại miền Nam. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ đây là lần đầu tiên anh làm sân khấu thực cảnh.

"Ký ức Hội An" là dự án hợp tác giữa Công ty GHA và Công ty Tập đoàn Nghệ thuật Sơn Thủy Thịnh Điền (Hồng Kông) do ông Mai Soái Nguyên làm chủ tịch. "Tinh hoa Bắc Bộ" là tâm huyết ấp ủ suốt 6 năm của ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu - đơn vị đầu tư. "Tinh hoa Bắc Bộ" dự kiến sẽ được trình diễn mỗi tối từ 19 giờ 30 phút (trừ thứ ba hằng tuần) bắt đầu từ tháng 11-2017. Giá vé có 2 mức là 800.000 đồng/người và 1,2 triệu đồng/người.

Ngay khi "Tinh hoa Bắc Bộ" ra mắt, đạo diễn Việt Tú đã lên tiếng về bản quyền vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" có nhiều điểm trùng với "Thuở ấy xứ Đoài" trước đó do anh làm đạo diễn và cũng kết hợp với Tập đoàn Tuần Châu, biểu diễn trên chính vùng đất Sài Sơn - Chùa Thầy, dự án công bố hồi tháng 6-2017, lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, diễn viên là 140 nông dân Sài Sơn. Vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" đã đóng lại sau chưa đầy 10 buổi công diễn.

Trả lời về việc tại sao lại "đốt tiền" đập đi xây lại 2 sản phẩm tương tự, nhà đầu tư của cả 2 vở diễn, đại diện Tập đoàn Tuần Châu, ông Nguyễn Cao Sơn, Giám đốc Công ty Tuần Châu Hà Nội, cho biết: "Thuở ấy xứ Đoài" chưa đáp ứng được nhu cầu kỳ vọng của nhiều khán giả nên dù đã đầu tư rất nhiều chi phí, chúng tôi cũng phải buộc lòng ngưng hoàn toàn để mở ra sô diễn "Tinh hoa Bắc Bộ".

Khi xảy ra tranh chấp, cần thời gian thẩm định và cơ quan chức năng phân xử, đây là bài học lớn cho các nhà sản xuất vì mỗi vở diễn thực cảnh "ngốn" vài trăm tỉ đồng nhưng không phải cứ làm là thành công.

Hòa Bình

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/no-ro-vo-dien-thuc-canh-tram-ti-dong-20171114213247017.htm