Ưu tiên vaccine COVID-19 để Bình Dương tiêm ngừa cho công nhân lao động

Ngày 23/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bình Dương trong bối cảnh số lượng ca mắc Covid-19 ở tỉnh này tăng cao, đặc biệt là trong khu, cụm công nghiệp.

Sau khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 ở khu nhà trọ, khu cách ly tập trung tại thành phố Thuận An- địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 ở tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng UBND tỉnh Bình Dương họp trực tuyến với Chính phủ về các giải pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt là với công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương có 164 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó nhiều nhất là ổ dịch phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên với 140 ca. Từ ổ dịch này đã lây ra các chuỗi lây nhiễm khác, như: Công ty Việt Nam House Wares (khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An); Công ty gốm Hiền Hòa Anh (phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên); Công ty Vision (phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên); Chi nhánh Xử lý chất thải thuộc Công ty cổ phần Nước- môi trường Bình Dương.

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra khu cách ly tập trung ở thành phố Thuận An.

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra khu cách ly tập trung ở thành phố Thuận An.

Trong số 164 ca mắc Covid-19, ngành y tế Bình Dương đã truy vết được hơn 3.000 trường hợp F1, gần 8.000 F2. Tất cả đang được cách ly tập trung theo quy định; đồng thời khoanh vùng phun khử khuẩn các địa điểm có liên quan đến các ca mắc Covid-19.

Phân tích nguyên nhân số ca mắc Covid-19 trong doanh nghiệp tăng nhanh, ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương cho rằng, đặc thù của tỉnh là doanh nghiệp nằm đan xen với khu nhà trọ của công nhân nên khó kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, có nhiều nguồn lây nhiễm khác vào trong khu, cụm công nghiệp.

“Một doanh nghiệp thì công nhân ở nhiều nơi, nơi ở trọ thì lại có nhiều người đi làm ở các nơi khác nên nguy cơ lây lan từ nhà trọ đến nhà máy và nhà máy đến nhà trọ rất cao. Bên cạnh đó, gần đây, chúng ta thấy có nguồn lây đối với các đối tượng di chuyển nhiều đó là shipper, tài xế, nhân viên thu gom rác, gây lây lan rất nhiều. Tôi đề nghị xét nghiệm các trường hợp này để tăng cường chủ động về phát hiện nguồn lây”- ông Trí cho biết.

Đoàn công tác hỏi thăm công nhân lao động ở các khu trọ đang bị phong tỏa.

Ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Bình Dương đã xây dựng, bổ sung các phương án "đánh chặn", bảo vệ an toàn các khu, cụm công nghiệp. Địa phương đã cho khoanh vùng các điểm nóng về dịch bệnh, đầu tư máy móc thiết bị và tăng cường lực lượng truy vết nhanh. Lãnh đạo các địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định phòng dịch nếu vi phạm buộc ngưng hoạt động để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Ngành y tế Bình Dương đã chuẩn bị 8 máy xét nghiệm PCR, năng lực xét nghiệm khoảng 5.000-8.000 mẫu đơn và 30.000-50.000 mẫu gộp trong 10 ngày.

Ông Nguyễn Hoàng Thao- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, từ ngày đầu có dịch đến nay, lãnh đạo tỉnh luôn trong tâm thế chủ động. Ở đợt dịch lần thứ 4 này diễn biến quá phức tạp, Bình Dương đã áp dụng biện pháp mạnh và áp dụng các chỉ thị của Trung ương tại các địa bàn phát sinh ổ dịch. Lo lắng nhất của Bình Dương hiện nay là tình trạng lây lan Covid-19 trong các khu, cụm công nghiệp. Để dập dịch nhanh chóng, địa phương cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế.

Bộ Y tế tặng Bình Dương 10.000 test xét nghiệm PCR và 300.000 khẩu trang y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong thời gian tới nếu không có biện pháp ngăn chặn thì số lượng ca mắc Covid-19 ở Bình Dương sẽ tăng cao. Hiện nay, vấn đề ngăn chặn lây nhiễm trong các khu, cụm công nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Bình Dương cần phải siết chặt hơn Chỉ thị 16 ở các địa phương, tăng cường năng lực xét nghiệm nhanh, chuẩn bị khu cách ly mới đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn an toàn. Bên cạnh đó, tỉnh cần tổ chức các đoàn kiểm tra các đơn vị cơ sở kinh doanh sản xuất và thành lập đội Covid-19 trong cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Riêng vấn đề vaccine, Bộ Y tế sẽ đề xuất tăng cường cho Bình Dương.

“Tôi nghĩ, cũng như TP.HCM, việc chúng ta chuẩn bị cơ số vaccine để đảm bảo an toàn cho công nhân tham gia vào sản xuất, đảm bảo giữ gìn sức khỏe để phục vụ cho công tác sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội là hết sức cần thiết. Khi làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị tập trung tăng cường vaccine cho tỉnh Bình Dương. Cũng phải tổ chức chiến dịch giống như TP.HCM hiện giờ đang tổ chức chiến dịch tiêm khoảng hơn 800.000 các trường hợp, trong đó có 500.000 là công nhân ở các khu công nghiệp”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao công tác phòng chống dịch ở Bình Dương. Từ bài học kinh nghiệm ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương khoanh vùng chặt các khu có ca mắc Covid-19, đặc biệt là những ổ dịch chưa xác định được nguồn lây như ở phường Tân Phước Khánh. Song song đó, Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương yêu cầu doanh nghiệp lập danh sách, số điện thoại, địa chỉ của công nhân để dễ dàng kiểm soát; nhắc nhở họ hạn chế tiếp xúc, giao lưu trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính phủ sẽ tạo điều kiện ưu tiên vaccine cho Bình Dương. Cố gắng trong tháng 8/2021, tất cả công nhân lao động ở Bình Dương sẽ được tiêm phòng Covid-19./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/uu-tien-vaccine-covid-19-de-binh-duong-tiem-ngua-cho-cong-nhan-lao-dong-868330.vov