Nợ thuế không có khả năng thu làm mất cân đối bảng kế toán ngân sách

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nôi đã có những ý kiến xung quanh vấn đề này.

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Ông có nhận định như thế nào về tầm quan trọng của Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước?

Thực tế, nguyên nhân của thuế nợ không còn khả năng nộp ngân sách chủ yếu do: người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động…Trong khi đó, pháp luật về Quản lý thuế hiện hành có quy định tiền phạt chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy đây là chế tài xử lý cần thiết nhưng khi áp dụng chế tài này với các chủ thể không còn khả năng nộp thuế kể trên sẽ dẫn đến làm tăng số nợ thuế không còn khả năng thu hồi.

Luật Quản lý thuế hiện hành đã quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế. Tuy nhiên thực tế số nợ được xóa rất thấp. Trong khi đó, các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp, dẫn đến số nợ đọng thuế không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm. Vì thế, mặc dù những khoản nợ thuế này thuộc về ngân sách nhà nước nhưng đó lại là những con số ảo, không thu được. Quan trọng hơn là, những con số này làm mất cân đối bảng kế toán ngân sách.

Như vậy, đề xuất cho phép khoanh nợ gốc, xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp sẽ tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu. Đây là điều cần thiết để tạo minh bạch nguồn thu, cân đối ngân sách. Đồng thời, giảm gánh nặng cho quản lý cho cơ quan thuế vì các chủ thể kể trên đã không còn khả năng nộp và không còn đối tượng để thu các khoản nợ này.

Nguyên tắc xử lý tiền thuế nợ mà dự thảo Nghị quyết nêu ra đó là phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Việc phân cấp thẩm quyền bao gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế- Tổng cục Hải quan và Chủ tịch UBND tỉnh đã đảm bảo đúng nguyên tắc này chưa, thưa ông?

Việc phân cấp như vậy đã đảm bảo tính đúng nguyên tắc, đúng quy định tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nhưng cần phải đảm bảo tính ràng buộc hơn tránh tình trạng xóa nợ tràn lan. Theo tôi, cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm cá nhân người có thẩm quyền phải cao hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cũng cần thành lập Hội đồng tư vấn và kiểm toán xóa nợ thuế. Với các cục thuế địa phương thì cơ quan thuế là đơn vị đề xuất xóa nợ thuế, nhưng hội đồng xét duyệt xóa nợ thuế phải đầy đủ các thành phần bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể liên quan và người đứng đầu, có tiếng nói quyết định.

Sau khi có đề xuất của cục thuế địa phương, Hội đồng nhân dân địa phương sẽ xem xét phê duyệt và đưa ra danh sách doanh nghiệp được xóa nợ thuế. Hiệp hội doanh nghiệp phải tham gia vào tổ chức này bởi nắm rõ doanh nghiệp nào thật, giả, làm ăn tốt, không tốt sẽ kịp thời có ý kiến trong hội đồng xét duyệt xóa nợ thuế. Điều này tạo thuận lợi cho việc xét duyệt chính xác và hợp lý mức thuế cần xóa nợ.

Mặt khác, cần quy định về kiểm toán khi đã hoàn thành nhiệm vụ này để đảm bảo sự minh bạch, công khai.

Một trong những đối tượng được đề xuất xử lý tiền thuế nợ đó là người đã chết. Song, có ý kiến cho rằng, thực tế có trường hợp người chết nhưng doanh nghiệp vẫn có người thừa kế pháp lý, nghĩa là vẫn tồn tại. Trường hợp này doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm nộp thuế, chứ không phải chủ doanh nghiệp chết rồi thì được xóa nợ thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng ý với ý kiến này, bởi theo quy định pháp luật về thừa kế, các trường hợp người đã mất nhưng vẫn còn các nghĩa vụ tài sản chưa thực hiện như các khoản nợ, thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước, tiền phạt,... thì người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, điều 615 về Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Có thể thấy, trừ trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản thì các trường hợp còn lại đều phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay người để lại di sản. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế này chỉ nằm trong phạm vi do người chết để lại, không ảnh hưởng đến tài sản chung vợ chồng hay của hộ gia đình.

Để việc xử lý nợ thuế hiệu quả, ông có đề xuất, lưu ý gì thêm xung quanh các quy định tại dự thảo Nghị quyết?

Quốc hội vừa thông qua Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong các quy định của Luật mới có phần xử lý nợ đọng thuế, tồn kho thuế. Còn những luật thuế trước đây là không có. Hiện nay hàng năm số nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước, vào khoảng 81 nghìn tỷ. Cho nên việc thực thi cần sửa đổi về nợ đọng thuế thì Quốc hội cần phải ra nghị quyết xóa nợ, giãn nợ và khoanh nợ và chỉ xóa nợ đối với tiền chậm nộp, chậm phạt chứ không xóa nợ gốc.

Dự thảo Nghị quyết có nhiều đối tượng (759.319 đối tượng), với số tiền thuế được khoanh nợ, xóa nợ lớn (11.895 tỷ đồng), có thể được xử lý cho cả nhóm đối tượng, do vậy cần thiết phải có Hội đồng tư vấn khoanh nợ, xóa nợ để thực hiện việc tư vấn cho người có thẩm quyền quyết định khoanh nợ, xóa nợ, góp phần tăng cường cơ chế kiểm soát, bảo đảm công khai, minh bạch. Song cần quy định rõ trách nhiệm quyết định là cá nhân người được giao thẩm quyền xóa nợ thuế. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về cơ cấu, thành phần, chức năng và phương thức hoạt động của Hội đồng tư vấn về khoanh nợ, xóa nợ thuế trong dự thảo Nghị quyết này.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung vào Điều 7 quy định về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm thực hiện việc kiểm toán việc khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt theo Nghị quyết này.

Đồng thời cũng cần cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp; rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… trong dự thảo Nghị quyết này, theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai. Đặc biệt, cập nhật các số liệu liên quan đến tình hình nợ thuế tại các phụ lục kèm theo đến thời điểm gần nhất, đồng thời rà soát để đảm bảo chính xác về các số liệu kèm theo.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/no-thue-khong-co-kha-nang-thu-lam-mat-can-doi-bang-ke-toan-ngan-sach-113717.html