Nợ thuế vài trăm ngàn đồng, giám đốc doanh nghiệp không được xuất cảnh

Theo các chuyên gia, nếu người nộp thuế chây ỳ nợ thuế thì dù mức thuế với số tiền ít hay nhiều đều bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV (Cục Hải quan TP.HCM) có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế từ vài trăm triệu đồng, thậm chí số tiền nợ thuế chỉ vài triệu, vài trăm ngàn đồng.

Nợ thuế vài trăm ngàn đồng cũng tạm hoãn xuất cảnh

Cụ thể, trường hợp đáng chú ý trong 5 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, có trường hợp của cá nhân là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18-5-2024 với lý do doanh nghiệp mà đang đại diện pháp luật nợ số tiền thuế chỉ… 997.222 đồng.

Trước những trường hợp nợ thuế số tiền rất ít, có trường chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, có ý kiến cho rằng số tiền nợ thuế đó quá ít không đáng để ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Trong khi, giám đốc doanh nghiệp đó đang đi nước ngoài ký kết hợp đồng, đối tác, hay đã lên kế hoạch đi du lịch có chi phí nhiều gấp số tiền nợ thuế.

Trao đổi rõ hơn về quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

Theo đó, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế.

 Cá nhân là người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế vẫn nợ thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Cá nhân là người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế vẫn nợ thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Như vậy, theo quy định thì cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

“Do đó, trước khi có thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh để tạm hoãn xuất cảnh thì cơ quan thuế đã có thông báo đến tận nơi và có hồi báo, tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Và theo quy định thì chỉ cần nợ thuế cho dù nợ số thuế ít hay nhiều nếu vi phạm không chấp hành thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh”- ông Dũng nói.

Cho nên với những trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế có thông báo tạm hoãn xuất cảnh thì theo ông Dũng trước đó cơ quan thuế đã có thông báo, gửi mail, gửi thư qua bưu điện có hồi báo để họ chấp hành nộp thuế. Thế nhưng họ không chấp hành nên cơ quan thuế gửi thông báo cho Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An) và cũng gửi cho cả người nộp thuế.

Người nộp thuế cần nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh

Đồng quan điểm của Cục Thuế TP.HCM, Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế cũng cho biết người nộp thuế đã nợ thuế vài trăm ngàn đồng, hay hàng tỉ đồng đều là nợ thuế. Với thu thuế nội địa thì Cục Thuế và chi cục thuế sẽ quản lý. Còn với hoạt động xuất nhập khẩu như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… thì chi cục hải quan khu vực đó quản lý.

Và theo quyết định số 1129/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình quản lý nợ, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ.

Một là đối với người nộp thuế chỉ có khoản nợ từ 1 ngày đến 30 ngày, thì công chức thuộc bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận tham gia thực hiện quy trình thực hiện đôn đốc bằng điện thoại hoặc gửi tin nhắn hoặc gửi thư điện tử cho người nộp thuế (chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế..) để thông báo về số tiền thuế nợ.

 Trước khi thông báo tạm hoãn xuất cảnh gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An) và người nộp thuế thì cơ quan thuế, hải quan đã tiến hành các biện pháp cưỡng chế, thông báo nợ thuế nhưng không chấp hành. Ảnh: QH

Trước khi thông báo tạm hoãn xuất cảnh gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An) và người nộp thuế thì cơ quan thuế, hải quan đã tiến hành các biện pháp cưỡng chế, thông báo nợ thuế nhưng không chấp hành. Ảnh: QH

Hai là người nộp thuế có khoản nợ từ ngày thứ 31 trở lên, công chức thuế sẽ ban hành Thông báo tiền thuế nợ. Các khoản nợ của người nộp thuế tại Thông báo tiền thuế nợ bao gồm các khoản nợ mới phát sinh từ 1 (một) ngày trở lên. Sau đó, trình lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử thì cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua đường bưu chính hoặc gửi trực tiếp.

Ba là đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày, công chức thuộc bộ phận quản lý nợ thực hiện cưỡng chế theo quy trình cưỡng chế nợ thuế, công chức thuộc bộ phận tham gia thực hiện quy trình phối hợp thực hiện đôn đốc nợ.

 Trong một số trường hợp, các chuyên gia cho rằng cơ quan thuế cần đảm bảo thông báo thu nợ thuế hay tạm hoãn xuất cảnh phải đến được người nộp thuế. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Trong một số trường hợp, các chuyên gia cho rằng cơ quan thuế cần đảm bảo thông báo thu nợ thuế hay tạm hoãn xuất cảnh phải đến được người nộp thuế. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

“Sau khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế như thông báo ngưng sử dụng hóa đơn, tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, phong tỏa tài khoản… Nhưng người nộp thuế vẫn không chấp hành, chây ỳ nợ thuế thì cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp đó sẽ gửi Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh”- Luật sư Xoa cho hay.

Tuy nhiên, có một số trường hợp như người đại diện pháp luật doanh nghiệp vì nhiều lý do không nhận được các thông báo về số tiền thuế nợ và cả thông báo tạm hoãn xuất cảnh thì Luật sư Xoa cho rằng cơ quan thuế cần phải có phương án xác nhận người nộp thuế nhận được các thông báo nợ thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

4 trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh

Theo Nghị định số 126/2020 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, hằng tháng, sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người, cơ quan thuế, cơ quan hải quan sẽ lựa chọn các trường hợp thực hiện tạm hoãn xuất cảnh thuộc trong 4 trường hợp sau:

- Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

- Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

- Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/no-thue-vai-tram-ngan-dong-giam-doc-doanh-nghiep-khong-duoc-xuat-canh-post791759.html