Nợ xấu ngân hàng ABBank tăng nhanh nhất từ đầu năm

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ABBank tăng mạnh nhất từ 1,89% hồi đầu năm lên 3,39% tính đến ngày 30/9/2019.

Thống kê trên 25 ngân hàng thương mại cổ phần có thuyết minh về nợ xấu cho vay cho thấy, trong 9 tháng vừa qua, tổng giá trị nợ từ nhóm 3-5 của 25 ngân hàng trên tính đến thời điểm đang ở mức 96.290 tỷ đồng, tương đương tăng gần 13.000 tỷ so với hồi cuối năm 2018, tức tăng 15,5%.

Xét về giá trị, 4 ngân hàng có nợ xấu tăng lớn nhất bao gồm BIDV (3.634 tỷ), SHB (2.028 tỷ), VCBank (1.402 tỷ) và VPBank (1.135 tỷ), tuy nhiên so với mức tăng trưởng dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu ở những ngân hàng này lại không tăng quá mạnh, cá biệt với VPBank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cuối quý III vẫn duy trì ở mức 3,5%, tương đương hồi đầu năm.

 Tỷ lệ nợ xấu ABBank tăng mạnh.

Tỷ lệ nợ xấu ABBank tăng mạnh.

Về mức tăng tỷ lệ nợ xấu, ABBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất từ 1,89% hồi đầu năm lên 3,39% tính đến ngày 30/9/2019. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn và nợ dưới tiêu chuẩn, lần lượt tăng 56% và 257%.

Ở ABBank tỉ lệ nợ xấu tăng cao là do có một sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu nợ của ngân hàng so với đầu năm. Trong khi tổng cho vay khách hàng giảm nhẹ thì số dư nợ các nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 đều tăng mạnh lần lượt 258%, 26% và 56%.

ABBank cũng là ngân hàng duy nhất ở thời điểm này công bố tăng trưởng tín dụng âm trong 9 tháng đầu năm (-0,1%). Dư nợ cho vay không tăng trong khi giá trị nợ xấu tăng mạnh đã khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của ngân hàng này cho thấy, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều giảm. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 20%, lên mức 409 tỷ đồng. Sau cùng, ABBank đạt mức lợi nhuận sau thuế 9 tháng khiêm tốn với 773 tỷ đồng.

Trước đó, tại báo cáo tài chính quý II, đơn vị này cũng ghi nhận những kết quả không mấy khả quan.

Tại báo cáo tài chính quý II/2019 đã soát xét, ABBank "đuối" sức với lợi nhuận trước và sau thuế nửa đầu năm lần lượt đạt 550,97 tỷ đồng và 436,5 tỷ đồng, giảm tương ứng 7,0% và 7,6% so với cùng kỳ 2018.

Nguyên nhân giảm lãi ròng từ hơn 525,6 tỷ đồng xuống gần 436,5 tỷ đồng do ghi nhận thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mảng kinh doanh dịch vụ, ngoại hối và vàng sụt giảm 15,9% và 32,4% so cùng kỳ, ghi nhận lần lượt gần 68,4 tỷ đồng và hơn 67,3 tỷ đồng. Giảm mạnh nhất là hoạt động chứng khoán đầu tư với 51% khi chỉ đạt 177,3 tỷ đồng.

Thu Hà (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/no-xau-ngan-hang-abbank-tang-nhanh-nhat-tu-dau-nam-d166399.html