Nợ xấu nội bảng các tổ chức tín dụng còn 1,96%

Theo lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, đến cuối tháng 8 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức 1,96%, tăng so với cuối 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đây là thông tin được ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2020 về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu diễn ra sáng 30/9.

Cụ thể, ông Phi cho biết hoạt động cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được NHNN xác định là một quá trình thường xuyên và liên tục, trong đó, lấy ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, nợ xấu nội bảng các TCTD đã giảm liên tục qua từng năm. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2016 là 2,46% tổng dư nợ nền kinh tế; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 và 2019 là 1,89%. Tính đến cuối tháng 8 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%, tăng so với cuối năm 2019.

Theo ông Phi, nguyên nhân chính khiến nợ xấu nội bảng các TCTD tăng từ đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên xu hướng những năm gần đây của tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn là giảm liên tục.

Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cũng nhấn mạnh từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, số lượng nợ xấu được xử lý theo hướng khách hàng trả nợ đã tăng mạnh.

“Đây là điểm tích cực nhất từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Số lượng khách hàng tự trả nợ đã chiếm tới 40,8% tổng xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42, cao hơn nhiều so với mức 22,8% giai đoạn 2012-2017”, ông Phi chia sẻ.

Ông cũng cho biết các ngân hàng sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn để phân tích đánh giá, lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 01 theo hướng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân.

Tại diễn đàn, đại diện Công ty quản lý tài sản (VAMC) cho biết tổng số mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của đơn vị này từ khi thành lập đến cuối tháng 8 năm nay vào khoảng 329.007 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2017 đến 31/8/2020, VAMC đã thực hiện đấu giá nhiều khoản nợ và tài sản đảm bảo với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỷ đồng.

Tính từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến 31/8 năm nay, số thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó từ năm 2013 đến 14/8/2017 (trước khi Nghị quyết 42 được thông qua).

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định Nghị quyết 42 có giá trị pháp lý rất quan trọng khi lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm được giải quyết trong 1 Nghị quyết.

Theo Phó thống đốc, hoạt động của hệ thống các TCTD hiện nay cơ bản bảo đảm các tỷ lệ, giới hạn an toàn. Chất lượng tín dụng của các TCTD được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới mức 2%.

Cùng với đó, quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị của các TCTD cũng được nâng cao và tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát, xử lý.

Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ cho biết vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại các TCTD. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II của một số ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước còn khó khăn. Tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty Nhà nước còn chậm; việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp tài sản cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh…

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/no-xau-noi-bang-cac-to-chuc-tin-dung-con-1-96-post1136592.html