Nợ xấu,VAMC và DATC

DoanhNhanOnline – Thị trường đang có sự nghi ngại về con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại và vệ sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tiến trình xử lý nợ xấu. Bóng ma...

DoanhNhanOnline – Thị trường đang có sự nghi ngại về con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại và vệ sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tiến trình xử lý nợ xấu.

Phải chăng nợ xấu quá lớn, và đang tiếp tục tăng, nên vượt ngoài khả năng kiểm soát và xử lý?

Bóng ma chưa hiện hình?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận: “Nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay ở mức lớn, có nguyên nhân chủ quan của hệ thống ngân hàng và nguyên nhân khách quan của những khó khăn, yếu kém kinh tế trong nước”. NHNN chỉ trích dẫn những số liệu nợ xấu của các nước đang phát triển (do Việt Nam cũng là nước đang phát triển?) ở khu vực châu Âu năm 2012 là 11,2%. Lý do mà cơ quan này đưa ra về việc không công bố con số vì số liệu nợ xấu không phải là một con số bất biến mà thay đổi theo thời điểm thống kê số liệu, nguồn số liệu và phương pháp xác định…

Thông tin như vậy là chưa đầy đủ. Con số về nợ xấu là không bất biến, nhưng lại là vấn đề nóng của 2 năm nay. Vì vậy việc đưa ra một con số, cho dù ở chỉ ở một thời điểm nhất định thì vẫn nên, để người dân có hình dung cụ thể hơn về “con ma” nợ xấu. Thực tế không phải NHNN chưa từng công bố về nợ xấu. Trung tuần tháng 7/2012, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của NHNN từng cho biết: đến 31/5/2012, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng qua hệ thống thống kê, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,47%.

Còn theo hệ thống giám sát của NHNN ghi nhận nợ xấu hệ thống khoảng 8 – 10%, cụ thể tới ngày 31/3/2012 là 8,6%. Và trong số nợ xấu đó có đến 40% là nợ có khả năng mất vốn. Đây là những con số chính thức, xin nhắc lại để bạn đọc phần nào hình dung được. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay đã hơn một năm – thời gian đủ để hình dáng của con ma nợ xấu thay đổi. Không phải NHNN không có, mà họ chưa, hoặc có lẽ là không muốn công bố. Nhưng nếu chỉ nghe nói tới con ma đó mà chưa từng được nhìn thấy, thì rõ ràng nỗi sợ hãi sẽ càng tăng. Chính sự tù mù, chỉ có thể tưởng tượng, suy đoán về con ma này đã dẫn đến nghi ngại trong dư luận: Phải chăng nợ xấu quá lớn, và đang tiếp tục tăng, nên vượt ngoài khả năng kiểm soát và xử lý?

Ngay khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, Ngân hàng Á Châu (ACB) lập tức tỏ ý muốn bán nợ xấu và nói rất rõ họ sẽ bán khoảng 1.500 tỷ đồng trong số 3.090 tỷ đồng nợ xấu. Điều đáng nói ở đây là với tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,9%, tức dưới 3% thì không phải là mức cao để phải cậy nhờ đến chuyên gia VAMC. Vậy tại sao ACB lại sốt sắng như vậy? Vì họ muốn cho công chúng biết rằng nợ xấu của tôi chỉ dưới 3%? Vì họ muốn mở hàng để VAMC “đắt khách”? Điều này e là khó, vì gần đây một số ngân hàng thương mại công bố nợ, hết quý II/2013 nợ xấu của họ dưới 3%: Vietcombank 2,7%, Sacombank 2,46%; Ngân hàng Quân đội dưới 2,5%…

Những con số này đều giảm hoặc được giữ nguyên so với quý I/2013. Điều này hơi đặc biệt. Vì rõ ràng hoạt động của các tổ chức tín dụng những tháng qua rất khó khăn. Vốn cho vay mới khó, thu hồi vốn cũ cũng chẳng dễ dàng gì. Vậy mà nợ xấu không tăng như dự báo, mà còn giảm?! Trong khi đó, cuối tháng 6 vừa qua, ông Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, có khoảng 30 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%. Và theo kết quả cuộc điều tra do Vụ Dự báo Thống kê của NHNN tiến hành cho thấy: trên 50% tổ chức tín dụng dự kiến tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Bắt tay hay dẫm chân nhau?

Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy khẳng định, sau ngày khai trương công ty sẽ bắt tay ngay vào việc xem xét các món nợ vì họ đã có danh sách cụ thể, chỉ là xem món nào “lọt lưới” VAMC. Như vậy có thể hiểu không phải món nợ xấu nào VAMC cũng nhận xử lý, cho dù NHNN yêu cầu bất cứ tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ cho VAMC. Ở đây có hai cách hiểu: được bán hay phải bán?

Được bán có lẽ là những ngân hàng như ACB – khi nợ xấu của họ ở mức dưới 3%. Phải bán sẽ áp dụng cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Nhưng rõ ràng nhiều ngân hàng sẽ không muốn mình phải bán nợ xấu. Thế khác nào thừa nhận mình yếu kém. Việc có tên trong danh sách bán nợ cho VAMC sẽ ảnh hưởng nhất định đến uy tín, tên tuổi của ngân hàng trên thị trường – điều mà ngân hàng rất kị khi ngày nay thương hiệu chính là thứ tài sản vô hình rất quan trọng. Đó là về phía người bán.

Về người mua – công ty VAMC thì sao? Hoài nghi, đó là cái nhìn đối với VAMC ngay từ khi còn trong trứng nước. Hiện hoài nghi này chưa hết. Vì, cho dù được sinh ra sau hơn 1 năm “thai nghén” và khai trương muộn 1 tháng so với dự kiến, VAMC vẫn chưa chuẩn bị được những cơ sở cả về vật chất và pháp lý đủ để tạo lòng tin cho mọi người. Nếu ví Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC là “xương sống”, thì hiện cơ thể này vẫn chưa có “tay chân” khi hai văn bản quan trọng khác để VAMC hoạt động là Thông tư hướng dẫn Nghị định của NHNN, và quy định cụ thể về nội quy hoạt động của Hội đồng thành viên VAMC… vẫn chưa được ban hành.

Trong khi đó, về lý thuyết, VAMC có không ít quyền: được thực hiện các hoạt động thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm, hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại khoản nợ, chuyển nợ thành vốn góp… Ngoài ra, VAMC còn thực hiện hoạt động tư vấn, môi giới, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng”. Có thể nói, phạm vi hoạt động của VAMC là khá rộng mà chưa có định chế tài chính nào ở Việt Nam hiện nay thực hiện nhiều mảng nghiệp vụ như vậy, ông Nguyễn Hữu Thủy cho biết. Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi khả năng đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, NHNN trong vấn đề xử lý nợ xấu, ông Thủy cho rằng, VAMC là công cụ đặc biệt của NHNN để góp phần xử lý các khoản nợ xấu chứ không phải là công cụ vạn năng. Và điều mà ông Thủy lo ngại nhất chính là thiếu sự đồng thuận của các ngành, các cấp.

Lo ngại này là thực tế, vì hiện đã có Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính: DATC – doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt. Nay lại có một VAMC – Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, công cụ đặc biệt của NHNN. Hai công ty này sẽ bắt tay, hay dẫm chân lên nhau trong vấn đề xử lý nợ? Hiện VAMC bị hoài nghi là chỉ vì lợi ích của ngành ngân hàng. Nhưng cho dù VAMC có gỡ nợ xấu chỉ cho ngân hàng, thì công bằng mà nói chính doanh nghiệp cũng được lợi. Vì chẳng phải nợ xấu đa phần chính là những khoản cho doanh nghiệp vay đó thôi. Sự nghi kị giữa DATC và VAMC sẽ là rào cản lớn cho tiến trình xử lý nợ xấu.

Thái Thanh

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/no-xauvamc-va-datc/