Nobel Hòa bình cho chiến dịch bãi bỏ vũ khí hạt nhân

Chiều ngày 6/10 (giờ HN), Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2017, một trong những giải thưởng thường gây chú ý và tranh cãi nhất trong hệ thống giải Nobel.

Chiến dịch quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân nhận giải Nobel Hòa bình Giải Nobel Hòa bình năm 2017 được trao cho Chiến dịch quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân (ICAN) nhờ những nỗ lực tuyệt vời để các nước ký kết hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thông báo của Ủy ban Nobel cho biết việc trao giải cho Chiến dịch Quốc tế nhằm Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) vì "nỗ lực của họ nhằm thu hút sự chú ý đối với các thảm họa do sử dụng vũ khí hạt nhân; và vì thành công đột phá để đạt được hiệp ước cấm phổ biến loại vũ khí hủy diệt này".

Theo ủy ban Nobel, một số nước đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Việc ngày càng nhiều nước sản xuất vũ khí hạt nhân, điển hình như Triều Tiên, là một mối nguy hiểm thực sự. Loại vũ khí này dấy lên mối đe dọa thường trực đối với nhân loại và toàn bộ sinh vật trên trái đất.

Theo ủy ban này, ICAN đã nỗ lực thúc đẩy một lệnh cấm ràng buộc pháp lý về vũ khí hạt nhân. Công việc vận động đạt nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 7/7/2017, 122 nước thành viên Liên Hợp Quốc đã tham gia Hiệp ước về Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và 50 nước đã chính thức phê chuẩn nó.

Tổ chức ICAN là một liên minh giữa gần 470 nhóm phi chính phủ hoạt động ở hơn 100 quốc gia. Nó được chính thức thành lập năm 2007, trụ sở chính hiện đặt ở Geneva, Thụy Sĩ. ICAN cho biết sứ mệnh của họ là chuyển hướng trọng tâm từ những cuộc tranh cãi về giải trừ quân bị sang thảm họa tàn khốc mà con người phải đối mặt nếu bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân, các hậu quả về y tế và môi trường...

Quang cảnh phòng họp báo công bố chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2017. Ảnh: AFP.

Trước đó, truyền thông phương Tây đã đăng tải một số nhân vật sáng giá cho giải Nobel Hòa bình như Mohammad Javad Zarif (ngoại trưởng Iran) Federica Mogherini (Cao ủy Đối ngoại của Liên minh châu Âu) vì nỗ lực thúc đẩy ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran. Sự lựa chọn này được coi là nhằm gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Tổng thống Mỹ Donald Trump vì ông muốn phá vỡ thỏa thuận.

Cao ủy Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề người tị nạn Filippo Grandi cũng là một nhân vật được nhắc đến do nỗ lực của ông trong giai đoạn khủng hoảng tị nạn quy mô chưa từng có tiền lệ những năm qua.

Từ năm 1901 đến 2016, giải Nobel Hòa bình được trao 97 lần cho các cá nhân và nhóm. Vào năm ngoái (2016), Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nhờ đàm phán thành công thỏa thuận hòa bình với lực lượng nổi dậy FARC, chấm dứt nhiều thập kỷ bất ổn ở nước này.

Từ bản cáo phó 'nhầm' tới giải Nobel danh giá Alfred Nobel có thể đã không suy nghĩ về di sản hay bất cứ giải thưởng nào dành cho đời sau, nếu ông không đọc được bản cáo phó của... chính mình.

Minh Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nobel-hoa-binh-cho-chien-dich-bai-bo-vu-khi-hat-nhan-post785345.html