​Nobel Hòa bình trao cho các nhà hoạt động chống bạo lực và nô lệ tình dục

​(CAO) Chiều 5-10 (giờ VN), Reuters đưa tin giải Nobel Hòa bình 2018 được trao cho bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege, người đã giúp các nạn nhân của nạn bạo lực tình dục ở Congo và Nadia Murad, một nhà hoạt động của tộc người Yazidi.

Murad là nhân chứng sống, từng là nạn nhân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi bị chúng bắt làm nô lệ tình dục. Sau khi thoát khỏi những chuỗi ngày địa ngục, cô đã không ngừng dấn thân vào các hoạt động xã hội nhằm thức tỉnh cộng đồng về vấn nạn này, nhất là ở những vùng chiến sự.

Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh họ vinh danh 2 nhân vật trên vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ để chấm dứt vấn nạn sử dụng bạo lực tình dục như là một loại vũ khí chiến tranh đàn áp các nạn nhân thấp cổ bé họng.

Mukwege hiện đang là người đứng đầu bệnh viện Panzi tọa lạc ở phía đông thành phố Bukavu của Congo. Bệnh viện này được ông mở ra vào năm 1999, nơi đã tiếp nhận hàng ngàn phụ nữ mỗi năm đến chữa trị, nhiều người trong số họ được bệnh viện phẫu thuật trị các vết thương do bạo lực tình dục gây ra.

Hai người đoạt giải Nobel Hòa bình: Murad (trái) và bác sĩ Denis Mukwege - Ảnh: Reuters

Trong khi đó Murad là một nhà hoạt động tích cực cho cộng đồng sắc dân thiểu số Yazidi ở Iraq, cho quyền được tị nạn tránh chiến tranh và quyền của phụ nữ nói chung. Cô từng bị IS bắt và cưỡng hiếp ở Mosul năm 2014.

Là một nhân chứng sống của bạo lực tình dục do xung đột vũ trang gây ra, Murad đã dùng câu chuyện của mình để thức tỉnh cộng đồng về vấn nạn này.

Câu chuyện của Murad

Khi Murad vừa tròn 21 tuổi là khi các tay súng IS tấn công vào làng cô ở và lớn lên ở miền bắc Iraq. Chúng sát hại tất cả những ai từ chối bỏ đạo để chuyển sang đạo Hồi, bao gồm 6 người là anh em của cô cùng với mẹ cô.

Murad là một trong số những cô gái trẻ khác trong làng bị bọn chúng bắt đi và bán trao tay nhiều lần qua các thủ lĩnh của những nhóm quân trong tổ chức này để làm nô lệ tình dục.

Sau những chuỗi ngày sống trong địa ngục, Murad trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của một gia đình theo Hồi giáo dòng Sunni ở Mosul. Từ đó cô trở thành nhà hoạt động tích cực cho phong trào nữ quyền chống bạo lực tình dục trên toàn cầu.

Câu chuyện của Murad khiến cộng đồng quốc tế chú ý hơn đến cộng đồng người Yazidi ở miền bắc Iraq bị IS diệt chủng.

Giải Nobel hòa bình sẽ được trao tại Oslo (Na Uy) vào hôm 10-12, kỷ niệm ngày mất của nhà sáng chế công nghiệp người Thụy Điển Alfred Nobel, người đã dùng tài sản của mình để tạo ra quỹ trao thưởng cho giải thưởng danh giá mang tên ông.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/nobel-hoa-binh-trao-cho-cac-nha-hoat-dong-chong-bao-luc-va-no-le-tinh-duc_63026.html