Nơi ai cũng dùng nhưng ít được nhớ đến

Các chuyên gia nhận định nhà vệ sinh công cộng chưa được quan tâm đúng mức khi thiết kế và quy hoạch đô thị, dù là tiện ích công cộng cần thiết ngang với giao thông.

Nhiều người trên thế giới ắt hẳn đều đã trải qua cảm giác “đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh. Tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng không chỉ gây phiền phức do không đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, mà còn là khởi nguồn cho các vấn đề y tế nghiêm trọng.

Bloomberg dẫn câu chuyện từ ông Michael Osso - Giám đốc điều hành Tổ chức Crohn's & Colitis - cho biết nhiều bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa phải trải qua nỗi đau thể xác và lo lắng tột độ, thậm chí cả sự cố chấn thương tâm lý, vì không thể tìm thấy nhà vệ sinh lúc cần. Những trở ngại này có thể khiến họ hạn chế ra ngoài.

Bà Katherine Webber - nhà nghiên cứu quy hoạch xã hội người Australia - cho rằng nhà vệ sinh công cộng là cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ người dân sử dụng không gian công cộng.

 Bà Katherine Webber đã đi khắp thế giới vào năm 2018 để nghiên cứu về nhà vệ sinh. Ảnh: Winston Churchill Church.

Bà Katherine Webber đã đi khắp thế giới vào năm 2018 để nghiên cứu về nhà vệ sinh. Ảnh: Winston Churchill Church.

WC công cộng đặc biệt quan trọng với những người không thể tiếp cận nhà vệ sinh riêng trong thời gian dài hoặc cả ngày.

“Việc cung cấp nhà vệ sinh công cộng dễ tiếp cận, an toàn và sạch sẽ cũng góp phần phát triển kinh tế, bao gồm hoạt động kinh tế về đêm, hoạt động thể chất, du lịch, (nâng cao) sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ người sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, bà nói với Zing.

Khi nhà vệ sinh nhưng không “vệ sinh”

Theo bà Webber cho rằng tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng trong quy hoạch đô thị chưa được nhìn nhận đúng mức.

Vị chuyên gia dẫn ví dụ về Australia và Vương quốc Anh, nơi không yêu cầu giới hoạch định chính sách cần tính tới nhà vệ sinh trong không gian công cộng, khiến vấn đề này dễ bị bỏ qua trong quá trình quy hoạch, thiết kế và quản lý.

“Chính quyền coi nhà vệ sinh là không gian thiếu an toàn và ô uế, dễ dỡ bỏ hơn là sửa chữa hoặc bảo dưỡng (nếu đã được xây dựng)”, bà Katherine Webber nói.

Chuyên gia cho rằng tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng trong quy hoạch đô thị chưa được nhìn nhận đúng mức. Ảnh: Reuters.

Đồng quan điểm, ông Mitchel Kosny - giáo sư danh dự tại Khoa Dịch vụ Cộng đồng ở Trường Quy hoạch Vùng và Đô thị (Canada) - nhận thấy nhà vệ sinh công cộng thậm chí không được coi là “phần phụ” trong quy hoạch đô thị.

“Khi theo học và bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, theo ký ức của tôi, chúng tôi không thảo luận về loại cơ sở hạ tầng thiết yếu này. Tôi cho rằng tâm lý ấy bắt nguồn từ việc giới quy hoạch đô thị chưa thực sự coi nhà vệ sinh công cộng là phần không thể thiếu trong xây dựng thành phố thân thiện”, ông chia sẻ với Zing.

Ông cho rằng những nhà quy hoạch đô thị thường trẻ tuổi, nên họ không thực sự xét đến nhu cầu của trẻ nhỏ hoặc người già. Họ chỉ nghĩ cần có nhà vệ sinh công cộng trong công viên, quán cafe hay nhà hàng.

Vị giáo sư đến từ Canada nhận định vấn đề về nhà vệ sinh công cộng là cơn đau đầu ở cả những nước phát triển.

“Nhà vệ sinh công cộng - một nơi đáng ra phải sạch sẽ - lại bị gắn mác bẩn thỉu, không có hệ thống làm sạch phù hợp, mang tính chất tạm bợ, và là nơi lui tới của những ‘thành phần bất hảo’. Nhiều người dân không sử dụng nhà vệ sinh công cộng vì những nguyên nhân này”, ông nói.

Bà Katherine Webber lấy Australia làm ví dụ như quốc gia đã thiết lập các tiêu chuẩn xây dựng nhà vệ sinh, áp dụng với cơ sở tại không gian công cộng.

Nước này cũng có các dạng nhà vệ sinh khác nhau - như loại dành cho người khuyết tật (ambulant toilet, accessible toilet hay Changing Places toilet) - có đặc điểm thiết kế phù hợp với nhu cầu.

Giáo sư Mitchel Kosny quan tâm tới các vấn đề của thành phố, quản trị và lĩnh vực dịch vụ con người. Ông từng là chủ tịch Hội đồng Quy hoạch Xã hội Toronto và chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quy hoạch Thành phố Toronto. Ảnh: Tomorrow City.

Ambulant toilet là nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật không cần sử dụng xe lăn, người bị đau xương khớp hoặc cần dùng khung tập đi, do đó cần thiết kế tay vịn và cửa mở ra ngoài.

Accessible toilet phục vụ người dùng xe lăn, hỗ trợ chuyển từ xe lăn sang bồn cầu, với gương và chậu rửa mặt ở thấp. Changing Places toilet là nơi dành cho những người không thể tự đi vệ sinh và cần có người trợ giúp.

“Tuy nhiên, các tiêu chuẩn (tại Australia) chưa nêu rõ cần có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng hoặc cần đặt tại những địa điểm nào. Bồn cầu cũng là thiết bị đắt tiền và hầu hết thiết kế hiện nay đều yêu cầu đấu nối cấp thoát nước. Sau khi xây dựng, nhà vệ sinh phải được làm sạch và bảo dưỡng liên tục”, bà nói.

“Do đó, nếu không có quy định pháp lý liên quan tới nhà vệ sinh công cộng, việc tháo dỡ nhà vệ sinh công cộng trở nên dễ dàng nếu chúng quá đắt hoặc khó bảo trì”, bà nói thêm.

Theo ông Jack Sim - nhà sáng lập và Giám đốc Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới, chính phủ các nước cần hiểu nhà vệ sinh công cộng cũng quan trọng không kém như xe buýt hay các dịch vụ công khác.

Khi tình hình giao thông tồi tệ, chính phủ phải nhận những lời phàn nàn, nhưng nhà vệ sinh xuống cấp thì không. Do đó, nếu công chúng lên tiếng yêu cầu cải thiện nhà vệ sinh công cộng, họ sẽ lắng nghe và đáp ứng.

Ngoài ra, với các chủ sở hữu tòa nhà, ông Sim cho rằng họ cần hiểu nhà vệ sinh là dịch vụ thiết yếu như thang máy. Khi thang máy hoặc nhà vệ sinh không hoạt động, tòa nhà cũng không thể cho thuê.

“Vì vậy, việc xây dựng nhà vệ sinh tốt sẽ giúp tăng giá thuê cho các trung tâm mua sắm, văn phòng, nhà hàng, chợ và điểm du lịch”, ông nói với Zing.

Việc để khu vực tư nhân hay chính phủ xây dựng và quản lý không gian này vẫn là bài toán khó với nhiều quốc gia. Ảnh: AP.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Việc để khu vực tư nhân hay chính phủ xây dựng và quản lý không gian này vẫn là bài toán khó với nhiều quốc gia.

Theo bà Webber, nếu chính quyền quản lý, người dân có thể tiếp cận mạng lưới nhà vệ sinh trên toàn khu vực một cách bình đẳng.

“Chính phủ Anh chi tiền để người dân được sử dụng nhà vệ sinh miễn phí tại các cơ sở của doanh nghiệp. Khoản tiền này bù vào chi phí dọn dẹp, mua giấy vệ sinh hay tiền nước...”, bà Webber cho hay.

Trong khi đó, ông Jack Sim cho rằng chính quyền chỉ nên đóng vai trò là người ban hành quy định yêu cầu các cơ sở dịch vụ nhất định cho phép dùng nhà vệ sinh miễn phí, chẳng hạn siêu thị, chợ, nơi ăn uống (nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm), trung tâm hội nghị...

Ông Jack Sim nổi tiếng toàn cầu với biệt danh "Mr. Toilet" nhờ nỗ lực vận động các chính trị gia, chính phủ, người nổi tiếng và các quỹ đưa nhà vệ sinh vào chương trình nghị sự. Ảnh: Asian Scientist.

“Singapore có 30.000 nhà vệ sinh công cộng mở cửa miễn phí và 90% trong số đó thuộc sở hữu tư nhân”, ông Sim nói. “Chúng tôi quy định cơ sở dịch vụ phải cho phép công chúng sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Nếu những không gian này không sạch sẽ, chủ sở hữu sẽ bị phạt”.

Vị chuyên gia từ Trường Chính sách Công Singapore cũng khẳng định nếu khu vực tư nhân quản lý nhà vệ sinh công cộng, họ sẽ duy trì tốt hơn so với chính phủ.

Giáo sư Kosny lại cho rằng không nên để khu vực tư nhân xây dựng, vận hành và/hoặc kiểm soát nhà vệ sinh công cộng.

"Nếu làm vậy, (tiện ích này) sẽ chỉ được đặt ở những nơi hái ra tiền, và các khu vực khác trong thành phố sẽ bị lãng quên”, ông nói. “Nhà vệ sinh công cộng là quyền và không phải nhu cầu xa xỉ”.

Phương Linh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-ai-cung-dung-nhung-it-duoc-nho-den-post1421610.html