Nỗi ám ảnh 'kẻ thất bại' nếu thấp hơn 1,80 m của đàn ông Hàn Quốc

Ám ảnh về chiều cao lý tưởng, nhiều bậc phụ huynh Hàn Quốc đổ xô cho con uống thuốc, tiêm hormone tăng trưởng từ khi còn nhỏ.

“Tôi (nữ) 12 tuổi, cao 1,58 m trong khi tất cả bạn bè đều cao trên 1,60 m. Mục tiêu của tôi là có thể cao 1,80 m. Xin hãy tư vấn cho tôi cách để phát triển chiều cao”.

Đó là bài viết nặc danh được đăng tải trên cổng thông tin lớn nhất Hàn Quốc Naver. Những người tham gia bình luận vào bài viết hầu hết là phụ huynh hoặc học sinh. Tất cả đều chung một mục tiêu: đạt được chiều cao mơ ước.

Chiều cao trung bình của người Hàn Quốc là 1,70 m với nam và 1,57 m với nữ giới, theo báo cáo của cơ quan thống kê quốc gia vào tháng 1/2019. Tùy theo nhóm tuổi, con số này có thể thay đổi. Với những người trong độ tuổi 20-30, chiều cao trung bình với nam là 1,73 m và nữ là 1,61 m.

 Phát biểu nam giới cao dưới 1,80 m là "kẻ thất bại" gây tranh cãi tại Hàn Quốc. Ảnh: Merry Yoon.

Phát biểu nam giới cao dưới 1,80 m là "kẻ thất bại" gây tranh cãi tại Hàn Quốc. Ảnh: Merry Yoon.

Tuy nhiên, giống tác giả của bài viết nặc danh nêu trên, người Hàn Quốc ngày nay không chỉ cần đạt mức trung bình mà muốn cao vượt trội so với những người cùng độ tuổi.

Sự ám ảnh đối với số đo chiều cao có xu hướng ngày càng tăng khi nhiều người cho rằng nó là yếu tố ngoại hình quan trọng sẽ quyết định cuộc sống, công việc của mình cũng như con cái sau này.

Thấp bé đồng nghĩa với thất bại

Năm 2009, trong chương trình Global Talk Show, nữ sinh đại học Lee Do-kyong gây tranh cãi khi đưa ra bình luận đàn ông thấp dưới 1,80 m là những “kẻ thất bại”. “Chiều cao đồng nghĩa với sức mạnh. Người nào cao hơn, người đó có lợi thế. Những người thấp bé chỉ là kẻ thất bại”.

Nhận xét của cô gái trẻ vấp phải sự phản đối của nhiều người song cho đến nay đã trở thành một trò đùa khiếm nhã quen thuộc với những người dưới 1,80 m.

Với nhiều bậc cha mẹ ở Hàn Quốc, chiều cao được coi là một lợi thế xã hội. Phụ huynh luôn ao ước con mình sẽ cao hơn bạn bè đồng trang lứa để có nhiều cơ hội hơn trong công việc và cuộc sống.

Kim Eun-joo, một bà mẹ có con 6 tuổi, nói rằng cô rất lo lắng khi mình và chồng đều thấp hơn mức trung bình và sợ rằng con trai sẽ thừa hưởng chiều cao khiếm tốn đó.

“Chúng tôi lên kế hoạch, làm mọi thứ có thể để giúp con phát triển chiều cao. Tôi không muốn con phải khổ sở vì bị phân biệt đối xử trong tương lai”, bà mẹ người Hàn nói.

Các ca sĩ Kpop có chiều cao nổi bật. Ảnh: MBC.

Nỗi ám ảnh và phân biệt đối xử liên quan đến chiều cao tồn tại ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng Hàn Quốc.

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng cao lớn phụ thuộc nhiều vào gen và chủng tộc, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng chiều cao trung bình ngày càng tăng ở các nền kinh tế châu Á mới nổi trong khi gần như không thay đổi ở các nước phương Tây.

Năm 2016, Tổ chức sức khỏe Risk Factor Collaboration (RISC) công bố kết quả khảo sát về sự cải thiện chiều cao của những người 18 tuổi ở các nước trong giai đoạn 1914-2014. Kết quả cho thấy phụ nữ Hàn Quốc đứng đầu trong việc cải thiện tầm vóc.

Những cô gái Hàn Quốc 18 tuổi vào năm 2014 cao hơn thế hệ trước 7,94 inches (khoảng 20 cm). Với nam giới 18 tuổi, người Hàn cũng cao lên đáng kể khi tăng từ 1,59 m chiều cao trung bình vào năm 1914 lên 1,75 m năm 2014.

Đổ xô cho con tiêm hormone tăng trưởng

Mong muốn con cái ngày càng cao lớn của phụ huynh Hàn Quốc đã tạo ra một thị trường rộng lớn cho hormone tăng trưởng, thuốc và thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em.

Thị trường thuốc, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em tăng vọt từ 6,7 tỷ won (5,8 triệu USD) trong năm 2017 lên 20,7 tỷ won (17,8 triệu USD) trong năm 2018, theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm.

Đối với trẻ em có dấu hiệu tăng trưởng chậm - thấp hơn chiều cao trung bình của độ tuổi 10 cm và tăng dưới 5 cm mỗi năm - các bác sĩ thường sử dụng phương pháp điều trị tiêm hormone.

Cha mẹ Hàn Quốc tìm mọi cách để cải thiện chiều cao cho con. Ảnh: 123rf.

Quy mô thị trường điều trị hormone tăng trưởng theo toa ở Hàn Quốc là khoảng 100 tỷ won (86 triệu USD), theo Dong-A. Những mũi tiêm được thực hiện hàng tuần trong khoảng một năm. Đó là khoản đầu tư không hề nhỏ của các bậc phụ huynh để cải thiện chiều cao con cái. Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng được như mong muốn.

Lim Jae-seon nhớ năm 13 tuổi, cô đã nhận các mũi tiêm vào phần bụng mỗi tuần. Tuy nhiên, hiện tại, ở tuổi 25, cô chỉ cao 1,53 m dù bố mẹ đều cao trên mức trung bình. Dù hài lòng với chiều cao của mình, Lim đôi khi tự hỏi liệu cuộc sống có thực sự tốt hơn nếu cô cao hơn như mọi người vẫn nói hay không.

Khác với hormone theo toa, các chất bổ sung dinh dưỡng không kê đơn thường rẻ và dễ kiếm hơn nhưng lại khó kiểm soát chất lượng và quản lý trên thị trường.

Tháng 10/2019, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm đã xác định 5 trường hợp chất bổ sung dinh dưỡng quảng cáo sai về công dụng kích thích tăng trưởng chiều cao cho trẻ.

Nhiều sản phẩm đã thử nghiệm các tính năng tăng trưởng trên động vật hoặc tế bào - không phải con người. Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm xác định rằng các thử nghiệm này là không đủ căn cứ khoa học để chứng minh công dụng giúp trẻ phát triển chiều cao như quảng cáo.

Cũng có những sản phẩm được nhiều người tin tưởng sử dụng thông qua quảng cáo truyền miệng hoặc mạng xã hội.

Một số blogger Hàn Quốc thường xuyên quảng cáo viên canxi rong biển Nhật Bản có tác dụng phát triển chiều cao. Nhưng những sản phẩm này vẫn chưa được Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm kiểm tra về tính an toàn, hiệu quả.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/noi-am-anh-ke-that-bai-neu-thap-hon-1-80-m-cua-dan-ong-han-quoc-post1037427.html