Nỗi ân hận của một người cha khoác áo phạm nhân

Linh cảm người cha mách bảo khi nhiều lần hỏi chuyện về con trai đều thấy vợ lảng tránh. Chu Văn Cường, SN 1970 ở Đại Đồng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) cảm giác có điều gì đó không ổn. Khi biết con trai không thể học ĐH vì gây tai nạn chết người, phải đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ thì Cường chỉ biết đấm ngực than trời.

Cả nể hay tham lam?

“Tất cả đều vì sự cả nể của tôi mà cả gia đình phải chịu liên lụy. Vợ tôi là giáo viên mà ra đường không thể ngẩng mặt nhìn ai. Còn đứa con trai duy nhất của tôi thì thiếu thốn tình cảm, vắng sự chăm sóc, nương tựa của người cha”, Cường tâm sự. Nét mặt đau khổ, Cường cho biết từ hôm nhận được tin là từ tháng 8 đến nay, không đêm nào ông ta được ngon giấc bởi mỗi khi trên đường đi lao động, chỉ vô tình bắt gặp một gương mặt phạm nhân trẻ tuổi nào là lại chạnh lòng nghĩ tới con trai mình.

“Nếu nói vì túng quá làm liều thì hoàn toàn không phải vì cả tôi và vợ đều là những người có thu nhập. Vợ tôi làm giáo viên còn tôi đi buôn gỗ, không thể nói là không có tiền được. Nhưng vì cái gì mà tôi lại nhận lời cùng người ta mang 1 bánh ma túy qua biên giới thì đến giờ tôi vẫn không sao lý giải nổi. Cả nể vì ông ấy là chỗ quen biết hay vì lời hứa được chia cho một ít tiền… có lẽ là cả hai lý do ấy cộng lại”, Chu Văn Cường bộc bạch về “sự cố” đi tù của mình. Hiện người đàn ông này đang khoác áo phạm nhân, cải tạo bản án 19 năm tù tại phân trại 2 trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an.

Cường là con trai thứ trong một gia đình đông anh em, nhà ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn. Sau khi tốt nghiệp THPT, Cường đi bộ đội và có một thời gian dài phục vụ trong quân ngũ. Tuy nhiên, do làm mất súng nên Cường bị cho ra quân và trở về địa phương sống bằng nghề làm ruộng. Ngoài thời gian nông vụ ra, Cường đi buôn bán để có thêm thu nhập. Quá trình đi lại, Cường nắm bắt được nhu cầu người dân xây dựng nhà nhiều nên đã chuyển nghề sang buôn gỗ, chủ yếu là gỗ xây dựng. Theo lời người đàn ông này thì ông ta không chỉ tìm đến nhà những người bà con để hỏi mua gỗ mà cả những người Trung Quốc sống ở giáp đường biên giới cũng tìm đến Cường để đặt vấn đề bán gỗ.

“Người Trung Quốc bán gỗ cây cho tôi là bởi tiện thôi bởi muốn mang về nước họ thì xa, chi phí vận chuyển tốn kém hơn chứ không phải vì họ quí mến gì tôi cả”, Cường kể. Thế nên để cạnh tranh được với những thương lái khác, Cường phải có một số vốn nhất định để đặt trước cho những gia đình có rừng đến thời gian thu hoạch. Đó là chưa kể số tiền còn nợ đọng trong những người mua gỗ của Cường.

“Tôi đi như thế này coi như tiền của cũng tan tác theo. Tiền hàng đồng nợ, đồng chịu coi như nằm chết đó, vợ không đòi được. Mọi chuyện đành phải đợi tôi về giải quyết thôi”, Cường kể.

Theo bản án, khoảng 11g30 ngày 4-2-2010, tại thôn Nà Pùng, xã Tân Minh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) khi Chu Văn Cường đang cùng Nguyễn Văn Hoan, người cùng xã vận chuyển 1 bánh heroin đi bán thì bị tổ công tác CA huyện Tràng Định bắt quả tang. Bánh ma túy này, theo lời khai của Cường và Hoan là do Hoan bỏ tiền ra mua sau đó nhờ Cường giới thiệu nơi tiêu thụ. Vì hay qua lại vùng biên giới nên Cường khá thông thạo địa bàn và có nhiều mối quan hệ nên đã đồng ý dẫn Hoan đi bán nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt giữ. Với hành vi này, Cường bị kết án 19 năm tù giam còn Hoan thì được xác định là kẻ chủ mưu nên bị phạt nặng hơn. Sau khi có án, Cường về trại giam Ninh Khánh cải tạo từ đó đến nay còn Hoan cải tạo ở đâu, Cường không biết.

“Thời gian tạm giam, chúng tôi cũng mỗi người một chỗ, đến khi hầu tòa mới gặp mặt nhau nên cũng không nói chuyện được gì nhiều. Anh ấy có lần cũng nói xin lỗi tôi nhưng tôi gạt đi. Tôi không muốn anh ấy phải lăn tăn, suy nghĩ bởi dù có nói gì đi nữa thì chuyện cũng xảy ra rồi”, Chu Văn Cường chia sẻ.

Phạm nhân Chu Văn Cường trong trại giam. Ảnh: N.Vũ

Ân hận vì con trai dang dở học hành

Thời điểm Cường bị bắt, đứa con trai duy nhất của ông ta mới lên 9 tuổi. Cường bảo do lấy vợ muộn nên hai vợ chồng mới có được một đứa con. Lý giải vì sao con trai đã 9 tuổi rồi mà không có thêm con nữa, người đàn ông này tư lự: “Giá mà biết được mình có số đi tù thì đẻ luôn thêm vài đứa nữa cho vợ chăm. Cũng chỉ vì thời gian đó cuộc sống còn khó khăn, tôi cũng mải làm ăn và vợ cũng muốn phấn đấu nên mới bàn nhau từ từ hãy sinh thêm con để làm kinh tế đã, ai dè…”, Cường bỏ dở câu nói, đôi mắt xa xăm buồn bã.

Nhớ lại ngày bị bắt, Cường bảo khi đó không riêng gì vợ mà cả gia đình đều bàng hoàng vì không tin đó là sự thật.

“Khi tôi bị bắt, con trai tôi mới học lớp 3. Mọi việc nuôi dạy con đều trông cả vào vợ. Cháu ngoan và học hành khá, ai ngờ việc học hành của nó thế mà lại dang dở”, Cường kể.

Theo lời ông ta thì dịp tháng 5 vừa qua, trong một lần đi ôn thi, con trai Cường xô xe máy vào một người đi đường, khiến nạn nhân thiệt mạng. Phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu đồng cho người xấu số, vợ Cường đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Không muốn để mẹ khổ vì món nợ do mình gây nên, con trai Cường quyết định đi làm thuê để lấy tiền trả nợ.

“Tôi đã khóc rất nhiều vì không tin chuyện đen đủi lại xảy ra với con mình. Nó đã chịu thiệt thòi vì những gì do tôi gây ra, không ngờ số phận vẫn còn thử thách nó. Nếu như tôi không đi tù thì nó đâu phải tự mình lái xe đi học để rồi gây ra tai nạn. Chỉ tại tôi mà tương lai của nó bị ảnh hưởng”, Cường tâm sự.

Người đàn ông này bảo, mặc dù đêm mất ngủ vì chuyện gia đình nhưng vẫn luôn xác định được mục tiêu để mà phấn đấu bởi “chẳng còn con đường nào khác ngoài việc cải tạo thật tốt” như lời Cường vẫn từng nhắn nhủ bản thân.

“Tôi biết dù có đau khổ đến không ăn không ngủ thì với hoàn cảnh hiện nay của tôi cũng chẳng làm gì cải thiện tình hình cho gia đình được. Mà đã xác định là lực bất tòng tâm thì chỉ có việc làm tốt công việc mà mình đang phải hoàn thành là cách tốt nhất mà thôi”, Cường bộc bạch.

Cường bảo sau khi biết chuyện gia đình, ông ta đã chủ động gọi cho vợ, động viên và khuyên vợ đừng nghĩ nhiều nữa, cũng không phải vào thăm chồng bởi trong này ông ta không thiếu thốn gì.

“Khi tôi nói điều đó, vợ tôi rất ngạc nhiên vì không hiểu làm sao tôi lại biết được chuyện ấy. Cô ấy không biết rằng chính sự ấp úng và lảnh tránh của cô ấy khi nói về con trai đã khiến tôi nhận ra sự bất thường. Tôi không hỏi vợ nữa mà gọi về cho anh trai thì biết được sự thật”, Cường kể.

Hỏi Cường có trách vợ không, người đàn ông này thẳng thắn: “Tôi không trách vợ, chẳng có lý do gì để trách cả. Trái lại tôi còn thấy thương cô ấy hơn. Gần chục năm đằng đẵng một mình nuôi con, chịu bao áp lực nhưng vẫn chung thủy chờ chồng. Chỉ riêng điều ấy thôi đã khiến tôi phải nhìn nhận lại mình để mà phấn đấu”.

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo từ năm 2011, đến nay Cường đã 4 lần được xét giảm án. Ngày về đang dần hiện ra trước mắt và với Cường đó là mục tiêu để ông ta phấn đấu để sớm trở về trả nghĩa với vợ, con.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/noi-an-han-cua-mot-nguoi-cha-khoac-ao-pham-nhan-175104.html