Nỗi ân hận lớn nhất trong đời NSƯT Thanh Sang

Trên sân khấu, các nhân vật của NSƯT Thanh Sang thường có tính khẳng khái, quyết liệt. Ở đời thực, tính cách của ông cũng thế.

Lúc sinh thời, nghệ sĩ Thanh Sang nói rằng nhân vật ông thích không phải những vai nam chính trong những vở cải lương lừng danh, quen thuộc với công chúng như Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh, Lục Vân Tiên trong Kiều Nguyệt Nga… Ông nói rất thích vai thầy Khanh trong vở cải lương video Mưa rừng.

“Tôi đứng về lẽ phải”

Thanh Sang lý giải ông thích thầy Khanh vì đó là nhân vật lãng tử, lãng mạn, đa tình nhưng đầy mạnh mẽ, khẳng khái. Khi con trai chủ đồn điền nơi thầy Khanh làm cai xấc xược trách mắng thầy Khanh vì ông bảo vệ cho quyền lợi của phu đồn điền với câu nói: “Tôi mướn thầy, thầy đứng về phía tôi hay đứng về bên phu”, thầy Khanh nói nhẹ hều: “Tôi đứng về lẽ phải”.

Từ thời mới vào nghề, nghệ sĩ Thanh Sang nói ông chịu rất nhiều những bất công của một nghệ sĩ nghèo, nghệ sĩ “dàn dưới”. Đoạt giải Thanh Tâm, nổi tiếng rồi ông cũng chỉ đóng vai thứ chính với nhiều thiệt thòi. Có cô đào nổi tiếng đương thời khi ông được đôn lên vai chính, dù diễn đôi với ông nhưng tỏ vẻ khinh khi ông. Do đó, sau này khi đã vững vàng ở vai kép chính, tên tuổi được yêu mến, đóng đôi với những cô đào bậc nhất như Thanh Nga, Bạch Tuyết, ông không bao giờ tỏ vẻ làm cao với ai.

Có lần được giao dựng lại vở Tiếng trống Mê Linh, ông mạnh dạn đề xuất ngay một nữ nghệ sĩ trẻ dựa trên năng lực diễn xuất chứ không dựa vào độ ăn khách của tên tuổi vào vai Trưng Trắc. Ông nói nên nâng đỡ nghệ sĩ trẻ, vì họ mới chính là tương lai của cải lương. Ông không muốn những người trẻ có cảm giác bị khinh khi như chính ông từng bị.

NSƯT Thanh Sang vào vai Trần Minh trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa. Ảnh: HB

Ai không hiểu Thanh Sang sẽ nói ông chặt chẽ về tiền bạc. Song ông là người thẳng tính và bộc trực. Nếu đã hứa với bầu show rồi thì dù cực khổ, khó khăn thế nào ông cũng giữ lời. Nhưng đã giao kèo với ông như thế nào về tiền bạc hay việc gì thì phải giữ cho đúng, không được tráo trở. Với những đồng nghiệp trong nghề, ông không ngại góp ý thẳng thắn những gì được hay không được. Với những chuyện trái tai gai mắt như nạn kiểm duyệt kịch bản vô lý, nạn chạy show không tập tuồng, nạn hát nhép, nạn cắt gọt vở diễn tùy tiện… ông lên tiếng mà không sợ mích lòng.

Nói được làm được. Những suất diễn cuối cùng vào năm 2016, dù không mặc nổi chiếc áo, không đứng nổi trên sân khấu, ông vẫn không hát nhép, vẫn hoàn thành vai trò một cách trọn vẹn. Ông nói: “Tôi có hơi bao nhiêu hát bấy nhiêu, hát thật mới có cảm xúc, khán giả biết mình hát thật họ không trách mình. Hát nhép giống như mình lừa khán giả”.

Nỗi ân hận lớn nhất đời

Nghệ sĩ Thanh Sang có tuổi thơ và tuổi trẻ vô cùng vất vả, cực khổ. Cha mất năm ông bảy tuổi. Tám tuổi ông đã vất vả ra biển giúp mẹ kiếm sống.

Ông bảy lần lập gia đình, cuộc sống vẫn vô cùng vất vả. Người vợ sau cùng gắn bó với ông mấy chục năm cho đến ngày hôm nay là con của bầu gánh. Cưới xong, ông gom tiền cưới trả mẹ vợ, chở vợ về nhà bằng chiếc xe Vespa. Ngoài đi hát, vợ chồng ông bán cà phê, cơm tấm, cho thuê băng đĩa, mua xe hơi cũ về làm đồng bán lại… Ngay cả khi ông tích tụ được một số nhà, đất có thể sống thong thả nhưng vợ chồng ông vẫn sống chừng mực.

Khi đã vượt qua thời khó khăn, ông rưng rưng tâm sự: “Điều tôi ân hận nhất trong đời là tôi đã từ chối một ước muốn của mẹ mình. Lúc mẹ tôi già yếu muốn về quê giúp đỡ người thân, tôi chỉ còn trong tay một chỉ vàng để làm ăn. Tôi nói với mẹ tôi để từ từ, không bao lâu sau thì mẹ tôi mất…”. Với những người vợ trước, ông bày tỏ nỗi tiếc nuối là đã không lo cho họ tốt hơn, không bớt nóng tính để giữ hạnh phúc.

Song dù có như thế nào đi nữa, NSƯT Thanh Sang vẫn là người sống thẳng, sống thật suốt cuộc đời mình, để lại những vai diễn tài hoa, chân thật trên sân khấu khiến người xem tin vào nhân vật, nhớ mãi.

Biết là quy luật nhưng tôi vẫn đau lòng khi cuộc sống mất đi một con người trung thực, sân khấu mất đi một nghệ sĩ tài hoa như anh Thanh Sang. Tôi với anh gắn bó với nhau trên sân khấu từ thời trẻ ở đoàn Dạ Lý Hương đến bây giờ. Ai nói Thanh Sang nóng tính nhưng anh không bao giờ nổi nóng với tôi. Anh là người có sao nói vậy chứ không nói méo mó cho người khác vui lòng. Anh mà nói bộ đồ này Bạch Tuyết mặc không đẹp là tôi biết mình cần coi lại ngay. Anh cũng là người nói một là một, hai là hai chứ không bao giờ khi vầy, khi khác. Trong nghề nghiệp, anh và tôi diễn ăn ý khó thay vai bởi đã tập luyện là anh miệt mài, nghiêm túc. Anh đặc biệt không bỏ qua những chi tiết nhỏ. Tôi rất kính trọng anh về sự tài hoa. Dù đã lâu anh không xuất hiện trên sân khấu nhưng việc khán giả vẫn hết lòng yêu mến anh cho thấy vị trí đặc biệt của anh trong cải lương.

NSND BẠCH TUYẾT

Tôi và anh Thanh Sang không đứng chung trên sân khấu trước lẫn sau năm 1975 mà chỉ thu chung băng đĩa. Mấy năm gần đây chúng tôi hay uống cà phê cùng nhau, trao đổi về chuyện sức khỏe. Đêm diễn chung Nửa đời hương phấn vào năm 2016, anh cố hoài mà không mặc được chiếc áo vest, tôi phải hỗ trợ mà thấy thương anh quá!

NSƯT MINH VƯƠNG

HÒA BÌNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/nsut-thanh-sang-khang-khai-tu-san-khau-den-cuoc-doi-697243.html