'Nơi Bác về nguồn nước mới sinh'

Từ Tây Nguyên, chúng tôi vượt hàng ngàn cây số đến Cao Bằng, vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc. Trong tim tôi trào dâng xúc cảm 'Ai đã đến, ai chưa đến đó/Có hòn núi Mác, suối Lênin/Hãy về thăm quê ta Pác Bó/Nơi Bác về nguồn nước mới sinh' (Theo chân Bác-Tố Hữu). Tôi mong quãng đường gần lại để nhanh đến Pác Bó, nơi hơn 80 năm trước, Bác Hồ đã về khơi nguồn nước cách mạng cho dân tộc, mở ra thời đại Hồ Chí Minh.Bác về lửa ấm thắp sáng lòng dân Hôm đó, ngay khi chớm đến đất Cao Bằng, đoàn chúng tôi đã được đồng nghiệp Báo Cao Bằng đón tiếp nồng hậu như những người anh em lâu năm mới gặp lại. Hôm sau, bạn đồng nghiệp chuẩn bị chu đáo, đưa đoàn chúng tôi đi tiếp chặng đường 50 km từ TP. Cao Bằng lên Pác Bó.

Suối Lênin. Ảnh nguồn internet

Xe chạy trên những cung đường uốn lượn dưới chân núi đá cao sừng sững, thấp thoáng bản làng mới trù mật. Gió mát nhè nhẹ luồn qua cửa ô tô, tôi đã gần thêm Pác Bó. Đặt bước chân đến suối Lênin, núi Các Mác, chúng tôi được hòa mình vào cảnh thiên nhiên hùng vĩ đẹp như tranh ngọc bích. Suối Lênin uốn lượn như một dải lụa mềm, nước trong xanh nhìn rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội. Núi Các Mác uy nghiêm cao sừng sững như bức trường thành. Tiếng suối reo hòa cùng tiếng chim hót véo von trên rừng cây lan xa khi nắng vừa lên cao. Tôi dang tay hít thật sâu không khí trong lành giữa cảnh đẹp non nước hùng vĩ, nghe như trong gió núi rì rào kể: “Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về im lặng con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ” (Bác ơi!-Tố Hữu). Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã trở về nước, chọn Pác Bó làm nơi dừng chân để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.

Chị Hoàng Thị Hồng Xiêm-phóng viên Báo Cao Bằng giới thiệu với chúng tôi: “Pác Bó được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào tháng 5-2012. Hiện nay, Nhà nước đầu tư các hạng mục quan trọng như Đền thờ Bác, khu trung tâm trưng bày, khu vực các gian hàng bán đồ lưu niệm. Từ điểm khởi phát con đường Hồ Chí Minh này đã góp phần thêm dấu ấn lịch sử nơi bắt đầu một huyền thoại”.

Từ Đền thờ Bác, chúng tôi tiếp tục leo núi hơn 1 km đến hang Cốc Bó. Nơi đây, khi trở về Tổ quốc, Bác đã làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn với “bàn đá chông chênh”, cuộc sống sinh hoạt, ăn uống kham khổ với “cháo bẹ, rau măng”. Tối đến, Bác ngủ trên 2 tấm ván được gác đơn sơ trong góc hang núi, nơi Người đã hiện thực hóa con đường đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Đứng bên tấm ván mà Bác kê làm giường ngủ trong hang tối Cốc Bó, tôi càng thấy mình nhỏ bé như một đứa trẻ “ngủ trong giường chiếu hẹp”. Từ hang tối này, một nhân cách lớn, một trái tim vĩ đại đã thắp lên ngọn lửa cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam. “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai” (Người đi tìm hình của nước-Chế Lan Viên).

Tinh thần lạc quan cách mạng

Chúng tôi bước vào hang Cốc Bó dù đã quá trưa nhưng vẫn cảm thấy hơi sương lạnh phả vào người. Đứng bên tấm ván nhỏ nơi Người kê làm giường ngủ, bên cạnh thanh củi bếp còn đó… ai cũng xúc động, cảm phục ý chí kiên cường của Bác. “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/Ai hay ngọn lửa trong hang đá/Mà sáng muôn lòng vạn kiếp sau” (Bác ơi!-Tố Hữu).

Tác giả bên chiếc giường Bác Hồ nghỉ và làm việc. Ảnh: Lê Văn Nhung

Từ hang Cốc Bó, chúng tôi tiếp tục xuống núi. Lối mòn giờ đã được Khu di tích chăm chút rất nhiều thế mà nhiều người bước đi cũng thấy vất vả. Người để lại cho chúng ta một hình ảnh vô cùng giản dị là làm việc trên một chiếc bàn kê bằng những tảng đá gồ ghề nhưng đầy lạc quan cách mạng: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Nhà báo Hồng Xiêm cho chúng tôi biết: Nơi đầu nguồn Pác Bó, Người trực tiếp mở lớp huấn luyện cán bộ, dạy chữ, giảng bài về đạo đức, con đường cách mạng cho dân bản, viết báo tuyên truyền cách mạng; vận động dân bản đi học chữ, tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Cũng ở Pác Bó, tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương 8, Mặt trận Việt Minh đã ra đời nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… cùng thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Chị Xiêm chia sẻ với chúng tôi là đã nhiều lần lên thăm Pác Bó, mỗi lần đến là một lần chị thêm hiểu về những bài học của Bác, nhất là về tinh thần lạc quan. “Tinh thần lạc quan là tài sản không thể thiếu với tất cả mọi người. Ai cũng cần có niềm tin, lúc nào cần có niềm tin. Bởi vậy, mỗi người cùng xây dựng cho mình tinh thần lạc quan trên đường đi tới. Khi lạc quan yêu đời, chúng ta sẽ hăng hái làm việc và có năng suất, hiệu quả cao”-chị Xiêm tâm sự.

Hôm nay, sau 47 năm đất nước hòa bình thống nhất, chúng ta càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường mà Bác đã lựa chọn. Đến Pác Bó, chúng ta càng hiểu thêm về cuộc đời dâng hiến của Bác, về trái tim bao la của Người đối với dân tộc. Đất nước trọn niềm vui hôm nay, ta càng biết ơn Người. “Cả cuộc đời rất thanh tao không gợn chút riêng tư/Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam/Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh/Bác đem mùa xuân về dâng hoa đẹp cho đời” (Bác Hồ một tình yêu bao la-Thuận Yến). Trái tim lớn tận hiến tất cả vì Tổ quốc, vì đồng bào của Người đã khơi nguồn dòng thác cách mạng, mãi là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ trên con đường kiến quốc. Cũng từ Pác Bó, Người khơi nguồn dòng thác cách mạng, mở ra thời đại Hồ Chí Minh để trong tôi và muôn triệu trái tim Việt Nam luôn có Người thắp sáng niềm tin.

HUỲNH LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202202/noi-bac-ve-nguon-nuoc-moi-sinh-5765347/