Nồi bánh chưng ấm áp của ông nội

Nhiều năm trước, cứ 27, 28 Tết, chúng tôi lại háo hức ngồi quây quần xem ông nội gói bánh chưng. Ngay cả giờ đây, khi ông không còn nữa thì những ký ức đẹp đẽ, ấm áp ấy vẫn ở sâu trong trái tim chúng tôi.

Tranh minh họa: Hoàng Gia Linh

Tranh minh họa: Hoàng Gia Linh

Năm nào gia đình tôi cũng gói bánh chưng như một thông lệ truyền thống của gia đình. Dù gói ít hay nhiều thì ai cũng háo hức, cùng nhau chuẩn bị các nguyên liệu tốt nhất. Gạo nếp được ông giao cho cô tôi. Những hạt gạo do chính tay cô trồng lúc nào cũng chắc, mẩy, thơm lừng. Mẹ đảm nhận nhiệm vụ đi chợ mua lá dong, thịt, đỗ,… Lá dong mẹ chọn thường có tàu lá to rộng, màu xanh đậm. Cùng với đó là thịt ba chỉ tươi ngon, đỗ vàng ruộm,… Mẹ đặc biệt chọn nước mắm truyền thống vừa thơm, vừa đậm đà. Hạt tiêu miền Nam do bác tôi gửi ra được mẹ rang thơm phức và giã nhỏ.

Bà tôi được ông “phân công” khâu chẻ lạt. Ông lúc nào cũng hài lòng về những chiếc lạt vừa dài, độ dày vừa phải nhưng chắc chắn do bà làm. Còn khâu rửa và lau lá dong thì chị em chúng tôi “tranh nhau” làm. Bố tôi được ông phân công gập lá dong và cắt những đoạn thừa. Ai cũng muốn đóng góp công sức của mình vào việc tạo nên những chiếc bánh chưng. Không chỉ “chịu trách nhiệm” khâu gói bánh, ông còn được mọi người tin tưởng khâu nêm nếm gia vị. Hương vị những chiếc bánh chưng của gia đình tôi vì thế lúc nào cũng đậm đà, chuẩn vị thơm truyền thống.

Tính ông làm việc gì cũng nhanh nhẹn nhưng khi gói bánh chưng, ông lại luôn cẩn thận, tỉ mỉ từng chút một. Không cần khuôn nhưng những chiếc bánh do ông gói lúc nào cũng vuông vắn, đẹp mắt. Ngày nhỏ, mỗi khi gói, ông lại kể cho chúng tôi nghe về sự tích bánh chưng, bánh dày. Chúng tôi vừa xem ông gói, vừa nghe câu chuyện ông kể một cách háo hức. Ông còn gói cho mỗi cháu một chiếc bánh chưng nhỏ xinh, cùng lời dặn dò: “Bánh chưng làm ra để cúng dịp Tết, thể hiện sự hiếu thảo, tưởng nhớ tổ tiên nên cần gửi gắm vào đó những tình cảm chân thành”.

Khâu luộc bánh cũng rất quan trọng. Ông là người xếp từng chiếc bánh vào nồi, sau đó đổ mức nước phù hợp. Bố mẹ và cô tôi cùng bắc nồi lên bếp lửa đã chờ sẵn trước đó. Cả gia đình quây quần bên bếp lửa, chờ vớt bánh, sẻ chia về những việc mình đã làm được và chưa làm được trong năm cũ. Ông luôn động viên con cháu, dù làm gì, ở đâu thì điều quan trọng nhất chính là làm một người tử tế, đặc biệt phải biết yêu thương, trân quý tình cảm thiêng liêng của gia đình. Ngôi nhà của chúng tôi vì thế tràn ngập sự ấm áp, bình yên. Cho dù lớn lên, con đường đi của chúng tôi có những gập ghềnh, chông gai thì chỉ cần về nhà, mọi mệt mỏi, áp lực dường như tan biến. Bởi nơi đó, mỗi thành viên của gia đình đều thắp lên ngọn lửa yêu thương, sự lạc quan, tin tưởng, cổ vũ nhau cùng vươn lên.

Nhờ ông, chúng tôi hiểu hơn về những giá trị đẹp đẽ của văn hóa truyền thống dân tộc, để rồi, giờ đây, giữa sự phát triển chóng mặt của cuộc sống hiện đại, chúng tôi vẫn luôn giữ gìn nét đẹp ấy như cách gìn giữ hạnh phúc của chính mình.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/noi-banh-chung-am-ap-cua-ong-noi-319728.html