Nơi bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc học

Sau Bảo tàng Hồ Chí Minh, điểm thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước khu vực Hà Nội phải kể đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN). Sức hấp dẫn, thu hút của Bảo tàng không phải ở khung cảnh đẹp của khuôn viên, ở tòa nhà cánh diều hoành tráng mà là cách sắp xếp trưng bày mang tính khoa học và nghệ thuật. Bảo tàng DTHVN đang phấn đấu tiếp cận và hội nhập giới bảo tàng tiên tiến trên thế giới.

Các em nhỏ tham gia trò chơi dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tôi ghé thăm Bảo tàng DTHVN nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo hướng dẫn của một cán bộ phòng truyền thông, tôi đi từ khu trưng bày về các dân tộc Việt Nam, qua khu trưng bày văn hóa các nước Đông -Nam Á, rồi vòng ra khu trưng bày ngoài trời, với những kiểu nhà theo kiến trúc của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Ê Đê, Ba Na... Vì là ngày thường nên khách tham quan phần lớn là người nước ngoài.

Tôi đến bên một du khách hỏi chuyện, ông tự giới thiệu mình là người Ô-xtrây-li-a do đọc được nhận xét tốt về bảo tàng trên trang web có uy tín là TripAdvisor nên khi sang Việt Nam, ông đã rủ mấy người bạn tìm đến đây...

Giám đốc Bảo tàng DTHVN, PGS, TS Võ Quang Trọng cho biết: Hằng năm, Bảo tàng đón 400 - 500 nghìn lượt khách đến tham quan, nếu tính sau 15 năm hoạt động thì số lượng khách năm 2013 đã gấp hơn 12 lần so năm 1998 (hơn 3,5 triệu lượt người). Và gần đây nhất, trong hai ngày Tết Giáp Ngọ (mồng 9 và 10 tháng Giêng 2014), với chương trình vui xuân, bao gồm nhiều tiết mục nghệ thuật dân gian của người Cống, Khơ Mú, Si La, các món ăn truyền thống của người Mường (Hòa Bình)... đã thu hút khoảng 40 nghìn lượt du khách. Vượt lên những khó khăn, nhiều đợt sưu tầm, điều tra được thực hiện tới các bản làng xa xôi của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... đã từng bước làm phong phú thêm hiện vật và đời sống sinh hoạt văn hóa của các dân tộc từ bắc chí nam, từ đồng bằng lên miền núi. Nhờ đó đến nay, Bảo tàng DTHVN đã có hơn 27 nghìn hiện vật, trong đó có hơn 23 nghìn 900 hiện vật về 54 dân tộc anh em, gần 2.200 hiện vật về các cư dân khu vực Đông - Nam Á, và khoảng 1.500 hiện vật về các dân tộc khác trên thế giới.

Đồng thời, Bảo tàng có khối lượng khá lớn tư liệu nghe -nhìn, với khoảng 130 nghìn ảnh các loại, hơn 2.600 băng, đĩa ghi hình... phản ánh sinh hoạt văn hóa không chỉ của hơn 50 dân tộc trong nước mà còn của một số dân tộc khác trên thế giới. Những chuyến đi sưu tầm, nghiên cứu tại mười nước Đông -Nam Á thông qua Dự án "Điều tra, sưu tầm, nghiên cứu hiện vật dân tộc học các nước Đông - Nam Á" (giai đoạn 2006 - 2010), đã giúp Bảo tàng DTHVN có hơn năm nghìn hình ảnh và hiện vật để cuối tháng 11-2013 vừa qua đã khai mạc sự kiện "Khu trưng bày về Đông - Nam Á" trước sự chứng kiến của đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.

Không dừng lại ở việc lưu giữ, bảo tồn các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, Bảo tàng DTHVN còn là một trung tâm giới thiệu và giáo dục rộng rãi về đời sống mọi mặt của các dân tộc Việt Nam. Hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng chủ yếu là hiện vật gốc (rất hạn chế sử dụng mô hình), là vật dụng hằng ngày của người dân các dân tộc nơi làng, bản, phum, sóc nhưng bằng các thủ pháp trưng bày mang tính khoa học và nghệ thuật đã giúp người xem có những hiểu biết về đời sống kinh tế cũng như sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó. Vượt lên sự đơn điệu, thiếu hấp dẫn, khách tham quan lâu nay của hệ thống bảo tàng trong cả nước, Bảo tàng DTHVN đã có những cách làm mới. Chẳng hạn, đơn vị đã mời người dân các dân tộc từ các vùng quê khác nhau đến trình diễn nghề thủ công hay thể hiện các bài ca, điệu múa cổ truyền của dân tộc mình.

Khách tham quan trực tiếp được quan sát, giao lưu với các nghệ nhân hát chèo tàu của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội); cách dệt vải thổ cẩm, tạo hoa văn của người Mông (Lào Cai); nghệ thuật cồng chiêng của người Ba Na; nghề làm gốm Bàu Trúc của người Chăm (Ninh Thuận); Ngày hội rèn đúc của người Nùng, người Việt và người Mông... Bảo tàng có các chương trình hoạt động giáo dục sinh động và hấp dẫn dành cho học sinh, sinh viên gắn với các cuộc trưng bày chuyên đề và trình diễn.

Từ các hình thức học mà chơi, chơi mà học cho đối tượng học sinh tiểu học, thông qua các buổi tham quan dã ngoại.

Bảo tàng DTHVN tuy nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia nhưng trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cho nên hoạt động nghiên cứu khoa học về dân tộc học và văn hóa các dân tộc là công tác thường xuyên của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây. Công tác bảo tàng và việc nghiên cứu không tách rời nhau, bởi vậy bảo tàng phải dựa trên những thành tựu dân tộc học, về thực tiễn phát triển của các tộc người Việt Nam và trong xu thế hội nhập từng bước tiếp cận các cư dân ngoài biên giới. Những kết quả nghiên cứu của Bảo tàng đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học đúng đắn cho việc xây dựng chính sách đối với dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Để giữ vững và phát huy "là một trong những bảo tàng dân tộc học hấp dẫn nhất, ấn tượng nhất" như nhận xét của Hội đồng Văn hóa châu Á (Hoa Kỳ), Bảo tàng DTHVN không ngừng coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn giũa về chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu, trưng bày, bảo quản và giáo dục, truyền thông để ngày càng tiếp cận và hội nhập với giới bảo tàng và nhân học tiên tiến trên thế giới.

NGUYỄN KHÔI

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/item/23436302-noi-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-dan-toc-hoc.html