Nỗi buồn của Chủ tịch VCCI trước thềm VBF 2018

Tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ VBF 2018 được tổ chức chiều 3/7, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, câu chuyện liên kết giữa DN trong nước và nước ngoài đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi Việt Nam được xếp vào nhóm 'ngôi sao sáng' trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng sau 30 năm, chất lượng của dòng vốn FDI chưa cao, tính lan tỏa của dự án còn hạn chế, chuỗi giá trị vẫn chưa hình thành…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VBF tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ VBF 2018 được tổ chức chiều 3/7. Ảnh: H.Anh.

Để FDI không là "ốc đảo"

Chia sẻ về nội dung diễn đàn VBF ngày 4/7 ông Vũ Tiến Lộc cho biết, năm nay diễn đàn tập trung chủ đề liên kết DN trong nước và nước ngoài – Hợp tác hướng tới lợi ích chung… Đây không phải là chủ đề mới, bởi trước đó chúng ta đã nhiều lần nói đến chủ đền này. Nguyên nhân là vì thời gian qua khu vực FDI được coi như “ốc đảo”, DN trong nước chưa “kết hôn” được với DN FDI…

Bên cạnh đó, năm nay Việt Nam chuẩn bị tổ chức tổng kết 30 năm thu hút FDI, từ đó chỉ ra những thành công và hạn chế của khu vực này.

Tại Diễn đàn, 16 Hiệp hội DN sẽ có những kiến nghị gửi tới các cơ quan c hức năng. Đây là những kiến nghị liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, về những quy định pháp luật gây vướng mắc đang tồn tại trong các luật và thông tư, nghị định liên quan…

“Chúng ta đã có nhiều biện pháp gỡ vướng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, có nhiều cách giải thích khác nhau hoặc cùng có những quy định mà một cơ quan những cũng có những cách giải thích khác nhau, gây khó khăn cho DN”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, chia sẻ thêm về vấn đề thu hút DN FDI, ông Tomaso Andreatta, đại diện Euro Cham, đồng chủ tịch Diễn đàn cho biết, để thu hút các DN FDI đầu tư vào Việt Nam thì cơ sở hạ tầng cần được cải thiện hơn nữa. Nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng sẽ dựa vào thị trường tài chính quốc tế vì nguồn vốn ODA hay vốn từ ngân sách hạn chế, do đó cần làm thế nào để các nhà đầu tư vốn của quốc tế quan tâm vào thị trường Việt Nam. Muốn vậy, phải làm cho các nhà đầu tư biết khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được bảo vệ.

Ông Tomaso Andreatta cũng cho biết, có nhiều khó khăn trong việc kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp khó khăn khi mở rộng quy mô do không có nguồn nhân lực chất lượng. Người lao động Việt Nam cần tư duy độc lập trong xử lý công việc.

Điều này chỉ có thể có khi được gieo hạt ngay khi còn ngồi ở ghế nhà trường thông qua các kênh đào tạo chính thống và phi chính thống về chuyển giao kiến thức liên quan tới kỹ năng quản lý, công nghệ. Liên kết với các doanh nghiệp FDI chính là một trong những giải pháp để giải quyết hạn chế này.

Làm sao để DN nội lớn mạnh hơn?

Dẫn câu chuyện từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Nguyên vừa được tổ chức, ông Lộc cho biết, Công ty Samsung tới đây có ý định đưa 200 nhà cung ứng nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng linh kiện cho Samsung.

Đây là tin vui nhưng cũng là nỗi buồn, vui vì ta thu hút thêm được các nhà cung ứng cho các DN lớn. Nhưng buồn vì giá như 200 DN này là 200 DN Việt. Tiếc là các DN Việt Nam không vươn lên được để trở thành nhà cung ứng cho Samsung. Câu hỏi đặt ra làm làm sao để DN Việt lớn lên, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, làm sao để kết nối được với các DN FDI lớn.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, tại hội nghị tổng kết 30 năm DFI câu chuyện kết nối này sẽ được bàn bạc. Làm sao để DN nội vươn lên trở thành nhà cung ứng cho Samsung cũng như các DN FDI khác đang có cơ sở đầu tư tại Việt Nam, cần hình thành mô hình liên kết mẫu, theo đó đây sẽ là trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia nhận đầu tư trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là ý tưởng cho sự gắn kết giữa DN FDI và DN Việt Nam, với chuỗi cung ứng này, các DN FDI sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các DNNVV của Việt Nam vươn lên.

FDI là khu vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng đóng góp bền vững nhất là hỗ trợ thúc đẩy phát triển DNVVN cùng với sự phát triển của DN FDI, đây là trách nhiệm mà DN FDI nên gắn vào chứ không nên chỉ là tạo công ăn việc làm.

“Cần có liên minh giữa DN FDI và DN Việt Nam cho từng ngành hàng, theo đó sẽ chọn đối tượng là những DN tiềm năng nhất để hỗ trợ họ. Nếu được sự hỗ trợ từ các liên minh này, tôi tin DN Việt sẽ làm được. Đây là cách thức phát triển bền vững nhất. Ví dụ, chọn tại mỗi địa bàn một số DNNVV có tiềm năng, và DN FDI sẽ đào tạo cho các ND này vươn lên”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 vào Thứ Tư, ngày 4/7/2018. Với chủ đề “Liên kết Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – Hợp tác hướng tới lợi ích chung”, Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 phiên thảo luận: Tiến tới chuỗi giá trị, Giải quyết những thách thức về công nghệ và Tăng trưởng tài chính bền vững.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/noi-buon-cua-chu-tich-vcci-truoc-them-vbf-2018.aspx