Nỗi buồn của cổ đông ngân hàng

Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nỗi buồn lớn nhất của các cổ đông ngân hàng là cổ tức. Rất nhiều ngân hàng không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu, do áp lực tăng vốn và nợ xấu.

Là ngân hàng tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) muộn, nhưng có lẽ HDBank là cái tên gây nhiều bất ngờ nhất khi quyết định chia 10% cổ tức bằng tiền mặt. HDBank là một trong những ngân hàng hiếm hoi làm việc này trong bối cảnh phần lớn các ngân hàng thương mại quyết định không chia cổ tức.

“Ông lớn” nói không với cổ tức

Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2016 của Vietinbank nêu rõ: “Vietinbank không chia cổ tức năm 2015 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của Vietinbank, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng nhà nước và thông lệ quốc tế”.

Năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank lên đến 7.345 tỷ đồng – thuộc nhóm các “ông lớn” có lợi nhuận cao nhất hệ thống. Toàn bộ khoản lợi nhuận hợp nhất được để lại sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ là 3.660 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn tự có. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, Vietinbank nói không với cổ tức của cổ đông.

Một ông lớn khác – BIDV – tại Đại hội cổ đông năm nay cũng quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt cho cổ đông. Rất nhiều cổ đông của BIDV đã bị bất ngờ khi kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này năm 2015 rất khả quan, lợi nhuận thuần cao hàng đầu trong hệ thống, nhưng cổ đông lại chỉ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 8,5% – thấp hơn dự kiến ban đầu…

Theo lãnh đạo BIDV, nếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ thêm 9.400 tỷ đồng trong năm nay để tăng năng lực tài chính cho ngân hàng.

Năm 2016, theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ tiêu tài chính nên phương án chia cổ tức của từng ngân hàng thương mại sẽ được Ngân hàng nhà nước cân nhắc và quyết định tùy thuộc vào tình hình tài chính của từng đơn vị. Đồng thời, việc trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (kể cả các khoản nợ đã bán cho VAMC – Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam) cũng là nguyên nhân khiến cổ tức không được chia như mong đợi.

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức cao để xử lý nợ xấu cũng là một lý do khiến nhiều ngân hàng quyết định không chia cổ tức

Nợ xấu vẫn “ngáng đường”

Mới đây, tại Đại hội cổ đông một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, nhiều cổ đông thắc mắc rằng, trong khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng khả quan và lợi nhuận giữ lại từ những năm trước còn khá nhiều, nhưng ngân hàng chia cổ tức chỉ 3,9% bằng tiền mặt và 10,9% còn lại được chia bằng cổ phiếu thưởng.

Dù là ngân hàng quy mô nhỏ, nhưng năm ngoái, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 770,9 tỷ đồng. Có điều, sau khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận trước thuế chỉ còn vỏn vẹn 107 tỷ đồng!

Một thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng này lý giải, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2015 đặt ra là 300 tỷ đồng trong điều kiện tỷ lệ trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC là 10%, nhưng Ngân hàng nhà nước yêu cầu phải trích lập 20%, khiến tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng trái phiếu VAMC trong năm ngoái lên đến 663,2 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này xuống còn 107,7 tỷ đồng.

Bài liên quan:

Nhân sự ngân hàng tiếp tục biến động mạnh sau mùa đại hội cổ đông
Công bố ngân hàng đủ điều kiện bảo lãnh bất động sản: Quan ngại niềm tin thị trường
“Khóc – cười” với mùa Đại hội cổ đông

Phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức cao để xử lý nợ xấu cũng là một lý do khiến nhiều ngân hàng quyết định không chia cổ tức.

Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế của Maritime Bank năm 2015 chỉ đạt 158 tỷ đồng, giảm 2,45% so với năm trước mà nguyên nhân được lãnh đạo ngân hàng này giải thích chủ yếu do tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước để đảm bảo tài chính ổn định trong những năm tiếp theo.

Chỉ tính trong năm ngoái, Maritime Bank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 549 tỷ đồng, bán nợ xấu cho VAMC lên hơn 7.069 tỷ đồng nhằm kéo tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 2,16%. Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước – chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh nhìn nhận, có 2 lý do khiến các ngân hàng thương mại không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu là do phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý triệt để nợ xấu và các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ tiêu tài chính, tăng năng lực cạnh tranh. Dù nợ xấu đã được ngành ngân hàng tăng cường xử lý và đưa về dưới 3% đến cuối năm ngoái, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng vẫn rất lớn.

Do đó ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị BIDV cho rằng, cần sớm có thị trường mua bán nợ để xử lý triệt để vấn đề nợ xấu. Bởi theo Quỹ tiền tệ quốc tế, số nợ có vấn đề của Việt Nam hiện nay hơn 12%, còn số liệu trong nước tổng nợ có vấn đề cần phải xử lý (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ cơ cấu lại theo quyết định 780 của Ngân hàng nhà nước và nợ bán cho VAMC) khoảng 11% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Để xử lý triệt để nợ xấu, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính cần đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ và tài sản theo hướng gỡ bỏ tối đa các rào cản, tạo điều kiện thu hút các tổ chức cá nhân có thể tham gia vào thị trường này.

Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù cho VAMC như cơ chế riêng tiến hành các thủ tục pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm; được hợp thức hóa các tài sản chưa rõ ràng về pháp lý để xử lý, chuyển nhượng, tạo thanh khoản và cho phép VAMC được bán nợ, bán tài sản cho nước ngoài, các đơn vị, cá nhân không có chức năng mua bán nợ.

Thị trường mua bán nợ

Từ tháng 2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thành lập thị trường mua bán nợ nhằm góp phần xử lý triệt để nợ xấu, nhưng sau hơn 3 năm, đến nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ và tài sản.

Phương Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/noi-buon-cua-co-dong-ngan-hang.html