Nỗi buồn đẹp trong thơ của Nguyễn Việt Chiến

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952 ở Thạch Thất, Hà Nội là cây bút sung sức, cá tính...

Ảnh minh họa: ITN.

Nguyễn Việt Chiến

Mưa tháng Giêng

Tháng Giêng mưa ngoài phố

Mưa như là sương thôi

Những bóng cây dáng khói

Như mộng du bên trời

Tháng Giêng ngày mỏng quá

Nỗi buồn nghe cũ rồi

Mà bên kia tờ lịch

Nỗi niềm mưa xót rơi

Tháng Giêng mưa trên tóc

Những người đi lễ chùa

Theo giọt mưa cầu phúc

Tiếng chuông từ bi mơ

Tháng Giêng mưa dưới bến

Mỏng mai cô lái đò

Mắt mưa em lúng liếng

Trói tôi bằng vu vơ

Tháng Giêng mưa như cỏ

Non xanh đến tận trời

Trước vô cùng năm tháng

Thơ mình - sương khói thôi.

(Rút trong tập “Hoa hồng không vỡ”, Nxb Phụ nữ, 2015)

Bên cạnh những bài thơ tràn đầy cảm hứng đậm chất sử thi về Tổ quốc, anh còn viết nhiều về thiên nhiên, quê hương và con người, trong đó có thi phẩm “Mưa tháng Giêng” được bạn đọc đặc biệt yêu thích.

Ra đời tháng 1 năm 1992, in trên báo Văn nghệ, bài thơ là tiếng nói cảm xúc bồi hồi, xao xuyến của người thơ trước không gian bảng lảng sương khói rất đặc trưng của tháng Giêng ở miền Bắc.

Mở đầu, thi nhân đưa người đọc đến với không gian Xuân rất tự nhiên và dung dị. Những câu thơ nhẹ như hơi thở của đất “trời: “Tháng Giêng mưa ngoài phố/Mưa như là sương thôi/Những bóng cây dáng khói/Như mộng du bên trời” đã tái hiện cảnh mưa bụi giăng khắp phố phường.

Phép so sánh “Mưa như là sương thôi” giúp người đọc hình dung cụ thể hơn mưa Xuân nhẹ như sương giăng, cảnh vật huyền ảo, thơ mộng lạ thường. Bài thơ như một sự tiếp nối với Mưa xuân” rất nổi tiếng của Nguyễn Bính. Có điều, không gian mưa của Nguyễn Bính ở làng quê, còn mưa của Nguyễn Việt Chiến ở nơi phố thị. Thể thơ Nguyễn Bính dùng là thất ngôn, còn Nguyễn Việt Chiến dùng thể thơ ngũ ngôn.

Mưa Xuân trong hai áng thơ đều như vô vàn hạt bụi rắc. “Những bóng cây dáng khói” là hình ảnh so sánh mới mẻ, gợi tả những cây cao trong màn mưa bụi trông như những cây khói lam trong màn sương mờ ảo.

Với cái nhìn tinh tế, thi nhân tiếp tục miêu tả làn mưa: “Tháng Giêng mưa trên tóc/Những người đi lễ chùa/Theo giọt mưa cầu phúc/Tiếng chuông từ bi mơ”. Mưa trên cao, mưa dưới thấp, khắp ngõ gần, phố xa nhưng rất nhẹ khiến người ta không cần đội mũ, mưa rơi và đậu trên tóc người đi lễ chùa - một mỹ tục của người Việt mong cầu may mắn và bình an. Cảnh vật như có hồn, đến cả tiếng chuông chùa cũng như biết từ bi, mơ mộng.

Đang đắm mình trong bảng lảng mưa Xuân, chủ thể trữ tình chợt nhận ra “Tháng Giêng ngày mỏng quá”, ngày Xuân trôi thật nhanh. Trước mênh mông của vũ trụ, cái vô hạn của thời gian, thi nhân buông xả mọi sân si và nhận ra nỗi buồn trở nên “cũ rồi”.

Khổ thơ áp cuối gây ấn tượng nhiều nhất cho bạn đọc: “Tháng Giêng mưa dưới bến/Mỏng mai cô lái đò”. Hình ảnh mùa Xuân với mưa tháng Giêng được kết tinh lại ở cô lái đò với “Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ”. Từ láy “lúng liếng” gợi tả ánh mắt sắc sảo, linh hoạt của người con gái được mưa Xuân cộng hưởng càng trở nên duyên dáng và tình tứ.

Ảnh minh họa: ITN.

Cô gái thanh tân trong thi phẩm chính là hiện thân vẻ đẹp của đất trời, của mùa Xuân và tuổi trẻ: “Tháng Giêng mưa như cỏ/ Non xanh đến tận trời/Trước vô cùng năm tháng/Thơ mình - sương khói thôi”. Được mùa Xuân thanh lọc tâm trí, nhà thơ nhận thấy cái hữu hạn của cuộc đời và của thơ mình. Điều đáng chú ý trong bài là điệp ngữ “Tháng Giêng mưa” (3 lần) đều ở đầu các khổ thơ và hình tượng mưa có sự vận động từ: “Tháng Giêng mưa ngoài phố/Mưa như là sương thôi” tả đặc trưng mưa Xuân xứ Bắc; đến “Nỗi niềm mưa xót rơi” gợi tả nỗi niềm riêng có những lúc đắng xót của thi nhân. Tiếp sau là hình ảnh “mưa trên tóc” rồi “Theo giọt mưa cầu phúc” và “Mắt mưa em lúng liếng” đến hình ảnh so sánh “Tháng Giêng mưa như cỏ”. Tất cả hòa quyện như một bản nhạc nhẹ du dương giúp người đọc cảm nhận được là nét đặc trưng không nơi nào có được của mưa tháng Giêng xứ Bắc Việt Nam.

Bài thơ là một nỗi buồn đẹp của một tâm hồn mơ mộng, là tiếng lòng thi nhân thiết tha với mưa tháng Giêng đã lan tỏa và truyền đến chúng ta tình yêu cuộc đời, con người và quê hương đất nước. Chính vì thế, thi phẩm đã được phổ nhạc, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện ca khúc kết hợp với vũ đạo và phát sóng trên truyền hình cả nước trong chương trình chào Xuân 2023.

Nguyễn Thị Thiện (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-buon-dep-trong-tho-cua-nguyen-viet-chien-post626777.html