Nỗi buồn trong những căn nhà trống

Trong khoảng một thập niên vừa qua, tình trạng di cư của người dân ĐBSCL về TP.HCM và miền Đông Nam Bộ trở nên đáng báo động. 1,3 triệu người di cư ngược từ miền Tây lên miền Đông đồng nghĩa với hàng triệu ước mơ được thoát ly ruộng đất, thoát cảnh vất vả bằng cách trở thành công nhân.

Căn nhà trống trải của ông Hạt và bà Út

Căn nhà trống trải của ông Hạt và bà Út

Nhưng thấm thoắt 10-20 năm, đến tuổi trung niên, họ bước chân ra khỏi nhà máy và bơ vơ giữa phố thị, đi không được, ở chẳng xong, co cụm trong những căn nhà tạm bợ.

Còn ở quê nhà miền Tây là bức tranh có phần buồn thương. Bên cạnh những ngôi nhà lầu mái ngói đỏ thì vẫn còn đâu đó những căn nhà hở trước, trống sau, gió lộng tứ bề.

Một buổi trưa trung tuần tháng 2, chúng tôi len lỏi giữa những đám thanh long chín đỏ, băng qua những bờ ranh quanh co khúc khuỷu mà bề rộng chỉ vừa đủ một người đi để tìm đến nhà của ông Huỳnh Tấn Hạt và bà Nguyễn Thị Út, ngụ tại ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Ông Hạt và bà Út kết hôn với nhau đã gần 50 năm, có với nhau 8 mặt con. Gia đình có 10 nhân khẩu nhưng chỉ có vỏn vẹn 1 công 7 đất - vừa đủ để cất 1 ngôi nhà đơn sơ và chặn nuôi lặt vặt.

Do không có đất canh tác, nên những người con của ông Hạt bà Út cũng lần lượt rời quê, bỏ lại 2 vợ chồng già đã ngoài 70, nay ốm, mai đau mà vẫn phải làm lụng vất vả, chạy vạy miếng ăn từng ngày. Không những thế, ông Hạt và bà Út còn phải cưu mang thêm 2 đứa cháu nội khi các em chưa tròn thôi nôi. Vài năm gần đây, số lần về nhà của các con ông bà thưa dần, rồi bặt vô âm tín.

Tiếp chuyện với chúng tôi bà Út nói: "Cô đi bán vé số, 1 ngày bán được tám chín chục hoặc 1 trăm ngàn à. Đi bán mới có mà ăn với để uống thuốc, rồi cho cháu đi học. Con nó đi làm nhưng cũng bấp bênh, nó mần hồ nhưng hông biết ở xứ nào ở đâu, không có liên hệ gì hết.

Lâu lâu thì điện được, nếu nó cần cô thì nó điện hỏi thăm một chút còn không thì thôi, cô điện nó cũng không được”.

Ông Huỳnh Tấn Hạt thì chua chát nói: “Giờ thì cũng không mần gì nhiều nhưng cứ lụt đụt vậy đó, ai kêu gì làm nấy. Từ hồi đi tới bây giờ hổng có về một bữa nào hết. Chồng thì theo vợ, khi thì mần hồ, khi thì mần gì cũng không biết luôn bởi vì nó có về đâu mà biết.

Lâu lâu, mấy tháng trời nó mới chạy về rồi cũng đi. Nó về cũng không có cho tụi tui đồng bạc nào nhưng nó có cho con nó đi học vài ba trăm ngàn, hai ba trăm cho con nó vậy là rồi đó”.

Nỗi buồn của 2 ông bà khi con cháu không thường xuyên về thăm nhà

Tình trạng chuyển dịch lao động không chỉ xảy ra ở xã Quơn Long của huyện Chợ Gạo mà hầu như trên khắp địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ông Huỳnh Văn Thơm – Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước nói về những thách thức: “Nói chung là thanh niên bỏ đi từ 75 đến 80%, đi hết trơn! Muốn họp hay muốn tâp hợp thanh niên hoặc muốn tổ chức gì đó thi phải để cuối tuần, khi đó nó (thanh thiếu niên) mới về mà có tháng về tháng không nữa, cũng khó gom lắm. Chính quyền cũng giới thiệu việc làm, đào tạo học nghề, nếu còn ở tại địa phương thì sẽ có công ăn việc làm hết. Ví dụ như theo các máy cắt, máy xới, máy bay xịt thuốc, chặt khóm, hái sen. Trong năm chỉ dựa vào 3 mùa lúa thì sống không nổi”.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy có tới gần 62% người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ. Các chuyên gia cũng nhận định, chất lượng lao động đang là điểm yếu cốt lõi của ĐBSCL. Hình ảnh ĐBSCL có lợi thế về nguồn lao động dồi dào và giá rẻ nay đã không còn.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) khuyến nghị: “Các chính sách an sinh xã hội cũng cần tính đến các yếu tố di cư và hỗ trợ người di cư ở các địa phương. Trong đó có cả các chính sách về tiếp cận nhà ở, giáo dục (đặc biệt cho trẻ em di cư), việc làm (đặc biệt cho các phụ nữ di cư), và chăm sóc sức khỏe.

Các chính sách xã hội cũng cần phải chú trọng đến người già là cha mẹ của người di cư bị bỏ lại ở địa phương. Những chính sách như vậy cần phải được xây dựng dựa trên bằng chứng và dữ liệu di cư, những dữ liệu cần phải được thường xuyên thu thập và phân tích sâu hơn”.

Xen giữa những vườn thanh long bạt ngàn là những căn nhà hở trước, trống sau, gió lộng tứ bề

Câu chuyện làm thế nào để người lao động nói chung và thanh thiếu niên ở các vùng nông thôn nói riêng “ly nông bất ly hương” có sinh kế bền vững ngay chính trên quê hương của mình là một bài toán khó.

Đối với ĐBSCL – nơi từ lâu luôn được coi là “vựa lúa” của cả nước cần tháo gỡ những nút thắt trong nông nghiệp và tìm kiếm động lực phát triển mới để thu hút lao động./.

Hồng Lĩnh - Xuân Quang/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/noi-buon-trong-nhung-can-nha-trong-post1004097.vov