Nơi chim nhạn bay về

Từ Thổ Chu, chỉ có thể tiếp cận Hòn Nhạn bằng tàu đánh cá với thời gian cắt sóng chừng 1 tiếng đồng hồ, nếu trời yên biển lặng. Xa xôi là thế, nhưng Hòn Nhạn có sức hấp dẫn đặc biệt bởi trên đảo có mốc chủ quyền đánh dấu điểm A1 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

Mốc chủ quyền quốc gia ghi tọa độ điểm A1 trên Hòn Nhạn được khánh thành năm 2017

Tham gia đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 tổ chức vừa qua, chúng tôi đã có dịp được đặt chân lên Hòn Nhạn, một đảo nhỏ, có diện tích 2.000m2 với điểm cao nhất là 40m so với mực nước biển, là 1 trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu.

Trong quần đảo này, đảo Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, cách đất liền hơn 220km về phía Đông; là nơi có đồn biên phòng xa thứ nhì so với đất liền (sau Đồn biên phòng Trường Sa thuộc lực lượng biên phòng tỉnh Khánh Hòa). Từ Thổ Chu, chỉ có thể tiếp cận Hòn Nhạn bằng tàu đánh cá với thời gian cắt sóng chừng 1 tiếng đồng hồ, nếu trời yên biển lặng.

Đảo đá Hòn Nhạn là 1 trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu

Xa xôi là thế, nhưng Hòn Nhạn có sức hấp dẫn đặc biệt bởi trên đảo có mốc chủ quyền đánh dấu điểm A1 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo các chiến sĩ hải quân, đảo đá Hòn Nhạn có điểm cao nhất khoảng 40m so với mực nước biển, với những phiến đá trắng xếp chồng lên nhau, kẽ đá là nơi ưa thích để chim nhạn bay về làm tổ, đẻ trứng. Chính vì thế mà đảo đá có cái tên nên thơ Hòn Nhạn. Nhưng đó là vào mùa hè, khoảng tháng 5, tháng 6.

Dịp này, cuối năm âm lịch, đảo đang mùa khô. Rẽ những đám cỏ cao đã ngả màu nâu nhạt, chúng tôi thận trọng dò bước qua những hòn đá lớn lô nhô để tiếp cận mốc chủ quyền.

Một góc Hòn Nhạn

Triền đảo phía Đông - Đông Bắc trơ trụi đá khô khốc, song vẫn có vài cây bàng vuông, cây phong ba, cây tra tán xòe rộng, tạo ra những điểm dừng nghỉ lý tưởng cho khách tham quan đang lử lả vì sóng biển và cái nắng gay gắt.

Chúng không tự nhiên mọc ở đó. Đây là những cây xanh do bộ đội Trung đoàn 152 (Quân khu 9) trồng từ rất lâu và mỗi khi có dịp ra đảo, các chiến sĩ biên phòng đều tranh thủ trồng cây mới, chắt chiu từng chút nước ngọt để chăm sóc cây cũ.

Những tảng đá trắng trên Hòn Nhạn gợi nhớ đến Hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long

Ngày 12-11-1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, với 11 điểm chuẩn, trong đó Hòn Nhạn là điểm A1, điểm đầu tiên. Năm 2017, sau hơn 1 năm xây dựng, mốc chủ quyền quốc gia, ghi tọa độ điểm A1 trên Hòn Nhạn được khánh thành và bàn giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang quản lý, bảo vệ.

Các điểm chuẩn còn lại gồm: A2 (Hòn Đá Lẻ, Cà Mau), A3 (Hòn Tài Lớn, Bà Rịa -Vũng Tàu), A4 (Hòn Bông Lang, Bà Rịa - Vũng Tàu), A5 (Hòn Bảy Cạnh, Bà Rịa -Vũng Tàu), A6 (Hòn Hải, Bình Thuận), A7 (Hòn Đôi, Khánh Hòa), A8 (Mũi Đại Lãnh, Phú Yên), A9 (Hòn Ông Căn, Bình Định), A10 (Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi); A11 (đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị).

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/noi-chim-nhan-bay-ve-post724236.html