Nơi con người bị đem đấu giá rẻ mạt vài trăm USD

Không phải ô tô qua sử dụng, không phải là mảnh đất hay đồ đạc xuất hiện trong cuộc đấu giá mà chính là 2 người đàn ông da màu.

“800”, người đấu giá lên tiếng. “900 … 1000 … 1100 …”, bán. 1200 Dinar Libya tương đương với 800 USD.

Không phải ô tô qua sử dụng, không phải là một mảnh đất hay đồ đạc xuất hiện trong cuộc đấu giá mà chính là 2 người đàn ông da màu. Họ bị đem ra rao bán với cái giá rất rẻ mạt.
Một trong 2 người xuất hiện trong clip bí mật do đài CNN thực hiện là công dân Nigeria, khoảng 20 tuổi, mặc áo phông bạc màu và quần nỉ.

Theo những người tham gia cuộc đấu giá, anh này thuộc nhóm “những người khỏe mạnh làm việc đồng áng”, được đưa ra “trao đổi”.

Đó chỉ là một vài trường hợp mà các nhà điều tra đã phát hiện hồi tháng 10. Hằng năm, có hàng chục nghìn người chạy qua biên giới Libya, họ là những người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột hay khủng hoảng kinh tế, tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn ở các nước Châu Âu.

Bất chấp tất cả để ra đi

Hầu hết người tị nạn nghèo khổ đã bán đi tất cả mọi thứ có trong tay trên cuộc hành trình tốn kém từ Libya tới vùng biển và những nơi dẫn tới Địa Trung Hải.

Tuy nhiên việc kiểm tra và ngăn chặn đột xuất của lực lượng tuần tra bờ biển Libya khiến cho nhiều tàu trở người tị nạn không thể ra khơi. Điều này vô tình khiến những kẻ buôn lậu nghiễm nhiên nắm trong tay số phận của những người mà chúng đã nhận tiền để giúp họ vượt biên. Những kẻ buôn lậu trở thành “ông chủ” còn người tị nạn và di cư trở thành “nô lệ”.

Trung úy Naser Hazam của Cơ quan chống di cư bất hợp pháp ở thành phố Tripoli, Libya nói với CNN, mặc dù ông chưa từng tận mắt chứng kiến một buổi đấu giá nô lệ, ông nhận thức được các nhóm tội phạm có tổ chức đang điều hành hoạt động buôn người trái phép ngay trong nước.

“Bọn chúng nhét khoảng 100 người lên một tàu, những người này có thể sống sót hoặc không. Những tên này (kẻ buôn lậu) không quan tâm đến việc đó, miễn là chúng có tiền, và những người tị nạn có thể đến được Châu Âu hoặc có thể chết trên biển”, Hazam nói.

Trở về từ Tripoli hồi tháng 4, Mohammed Abdiker, giám đốc chiến dịch và khẩn cấp của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) nói:” Tình hình buôn bán nô lệ rất là kinh khủng. Một số báo cáo thật sự kinh hoàng và những báo cáo mới nhất về ‘thị trường nô lệ’ có thể khiến dư luận phẫn nộ”.

Đáng chú ý, những cuộc đấu giá diễn ra công khai trên một con phố tưởng chừng là bình thường ở Libya với trẻ con chơi đùa, mọi người đi lại làm việc, trò chuyện và nấu ăn như bao nơi khác.

Nhưng khi bước vào trong các cuộc đấu giá, người tham dự như có cảm tưởng quay lại quá khứ. Điều duy nhất khác biệt so với thời nô lệ ngày xưa là những người được đem ra bán đấu giá không bị còng tay chân.

Hành trình của hy vọng và trắng tay trở về

Không những bị kẻ buôn người thu sạch tiền, những người tị nạn còn bị lạm dụng, theo Anes Alazabi, giám sát viên tại trung tâm quản thúc người di cư tại thành phố Tripoli. Anh đã được nghe kể rất nhiều vụ việc người tị nạn bị áp bức, lạm dụng.

“Tôi cảm thấy đau khổ cho họ. Những gì tôi được nhìn thấy tại đây hằng ngày, tin tôi đi, nó khiến tôi cảm thấy đau đớn cho họ. Mỗi ngày tôi lại được nghe một câu chuyện mới từ họ. Bạn phải nghe tất cả. Lên tiếng là quyền chính đáng của họ”, Anes Alazabi nói.

Victory - một người trong trung tâm - cho biết vì quá mệt mỏi với cảnh tham nhũng thối nát ở Edo, Nigeria, anh đã bỏ đi, dành hết số tiền kiếm được cùng khoảng thời gian 1 năm 4 tháng để tìm cách sang Châu Âu.

Tưởng rằng đến được trời Âu, nhưng Victory chỉ đặt chân đến được Libya, tại đây anh cùng nhiều người khác phải sống trong điều kiện tàn nhẫn, thiếu thực phẩm, bị lạm dụng và ngược đãi bởi những người bắt giam.

“Nhìn vào những người ở đây, nếu bạn kiểm tra người họ, bạn sẽ thấy những dấu vết. Họ bị đánh đập và bạo hành”.

Khi tiền dự trữ hết, Victory buộc phải “bán thân” làm việc chân tay cho kẻ giúp anh sang Châu Âu, tuy nhiên sau một tuần làm việc, anh chàng 21 tuổi được thông báo là số tiền mà anh kiếm được không đủ để giảm nợ. Thế là Victory phải chấp nhận “bán lại” nhiều lần nữa. Những kẻ buôn người còn yêu cầu tiền chuộc đối với gia đình Victory trước khi thả tự do cho anh.

Trong khi tuyến đường di cư qua Bắc Phi ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, nhiều kẻ nuôi mộng đổi đời nhờ di cư đã phải từ bỏ giấc mơ đặt chân đến Châu Âu. Tính đến thời điểm này của năm, đã có hơn 8800 người đã lựa chọn tình nguyện quay trở về quê nhà qua chuyến bay do IOM hỗ trợ.

Còn đối với Victory, trong khi nhiều bạn bè của anh đã tới được Châu Âu, anh lại từ chối tiếp tục cuộc hành trình và quay trở về nhà với bàn tay trắng.

“Tôi không thể làm được, nhưng tôi cảm ơn Chúa vì đã giúp những người bạn của tôi tới đích. Tôi không vui. Tôi quay về và bắt đầu lại từ đầu. Đau lắm. Đau đớn vô cùng”.

Minh Kiên (Theo Tin Tức)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/noi-con-nguoi-bi-dem-dau-gia-re-mat-vai-tram-usd-1793657.html