Nơi cuộc sống căng thẳng nhất châu Á

Trong 3 năm liên tiếp, Hong Kong đứng chót về mức độ hạnh phúc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều người mệt mỏi vì mất định hướng tương lai và áp lực tiền bạc. Ảnh: Shutterstock.

Steve (sống tại Hong Kong) áp lực, căng thẳng vì phải duy trì công ty trong đại dịch. Thời gian đó, anh phải đối mặt với những vấn đề về nhân sự, chi phí leo thang và không có sự hỗ trợ từ gia đình.

Mọi khó khăn ập đến với Steve vào mùa hè năm 2022 khiến anh kiệt sức, thậm chí không thể rời khỏi giường. Steve bắt đầu uống rượu trước khi ngủ. Điều này khiến anh mệt mỏi khi thức dậy vào sáng hôm sau, kéo theo đó tâm trạng cũng tệ dần đi. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại cho đến khi Steve kiệt sức.

"Tôi làm việc hàng giờ liền và ngủ không ngon. Tôi không thể suy nghĩ và bắt đầu nghi ngờ bản thân về những quyết định của mình, dù là những điều nhỏ nhất", Steve nói với SCMP.

Steve không phải trường hợp duy nhất gặp tình trạng như vậy. Tại Hong Kong, mức độ căng thẳng gia tăng trong nhiều năm qua do những tác động liên quan sự bất ổn xã hội năm 2019, sau đó là đại dịch Covid-19.

Vừa qua, công ty Cigna đã thực hiện một khảo sát về mức độ hạnh phúc và xếp Hong Kong ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp sau đó là Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore.

Trong số 1.000 người ở Hong Kong làm khảo sát với Cigna, 87% người nói rằng họ cảm thấy căng thẳng, 19% cho biết thêm họ không kiểm soát được căng thẳng.

Nguyên nhân gây căng thẳng hàng đầu là không chắc chắn về tương lai (40%), trong khi khoảng 34% lo lắng về vấn đề tài chính cá nhân. 22% người khác nói rằng khối lượng công việc quá nặng là nguyên nhân chính khiến họ căng thẳng.

Tiến sĩ, nhà tâm lý học Cindy Chan cũng nhận thấy lượng khách bị căng thẳng và kiệt sức gia tăng trong thời gian gần đây. Những người tìm đến bà để hỗ trợ phần lớn là người cầu toàn và đặt nhiều kỳ vọng vào bản thân.

Đối mặt với tình trạng kiệt sức, họ có thể bỏ việc hoặc xin nghỉ phép, nhưng vẫn không thể tự trút bỏ áp lực.

Burnout (kiệt sức) là một hội chứng phát sinh từ tình trạng căng thẳng mạn tính ở nơi làm việc. Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất là luôn cảm thấy mệt mỏi kể cả những ngày cuối tuần, mất động lực tận hưởng niềm vui.

Những người bị burnout thường dễ ốm, đau đầu không rõ nguyên nhân, đau lưng hoặc gặp các vấn đề về dạ dày. Nếu bị burnout, bạn cũng có thể thấy quá tải, bất lực, chán nản hoặc bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình.

Bà Cindy Chan nói thêm những người này cũng hay trì hoãn, bỏ bê deadline, làm việc kém năng suất hơn và bất cẩn trong công việc. Họ cũng rời xa cuộc sống và né tránh trả lời tin nhắn, hoặc trở nên cáu kỉnh, nóng tính.

"Tôi gặp những khách hàng bắt đầu hoảng loạn khi đọc email, dù chỉ là những email đơn giản", bà Chan thông tin, đồng thời nói thêm những người bị burnout thường có xu hướng đối phó với căng thẳng bằng cách ăn uống vô độ, lạm dụng chất kích thích và nghiện mua sắm.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-cuoc-song-cang-thang-nhat-chau-a-post1377819.html