Nơi đặc biệt cầu siêu cho chó mèo tại Hà Nội

Những ngày tháng 7 âm lịch, nhiều người yêu động vật đã đổ về chùa Tề Đồng Vật Ngã (Trương Định, Hà Nội) cầu siêu, bởi đó là nơi 'an nghỉ' của chó, mèo - vật nuôi đã từng là người thân, người bạn của họ.

Chùa Tề Đồng Vật Ngã do nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh thành lập. Nói về lý do hình thành nơi này, ông Sinh cho biết ý tưởng thành lập một nghĩa trang dành riêng cho vật nuôi đã được ông ấp ủ từ khi còn bé. Khi còn nhỏ, chứng kiến nhiều con vật qua đời ông đã từng tự tay chôn cất chúng. Đến nay khi đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu về tâm linh của con người lại càng lớn. Tề Đồng Vật Ngã được hiểu theo giáo lý nhà Phật, nghĩa là triết lý luân hồi, người và vật đều bình đẳng.

Chùa Tề Đồng Vật Ngã, nơi an nghỉ của hàng ngàn con chó, mèo

Chùa Tề Đồng Vật Ngã, nơi an nghỉ của hàng ngàn con chó, mèo

Khuôn viên của chùa vốn không lớn được xây dựng nhiều năm nay trở thành nơi an nghỉ của hàng ngàn con chó, mèo. Khu chôn cất chó mèo nằm men theo hồ nước nhỏ, dưới mặt hồ có thả hoa súng. Những hàng mộ được xây bằng gạch tổ ong, giữa các hàng là lối đi lát gạch tương đối sạch sẽ.

Hiện nay, chùa có 2 hình thức an táng cho chó mèo là địa táng và hỏa táng. Những con vật sau khi chết chủ nhân muốn hỏa táng sẽ được đưa vào “đài hóa thân hoàn vũ” ở góc vườn bên trái. Tro cốt, ảnh của chúng sẽ được đặt lên một giá thờ bằng kính. Số lượng phần mộ ở đây tăng qua mỗi năm đồng nghĩa với việc lượng người đến đây cầu siêu hằng năm càng lớn.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Bảo Sinh, thông thường tháng 7 âm lịch là thời điểm nhiều người yêu động vật đến để thăm lại thú cưng của họ, trung bình có khoảng 1.000 người ghé thăm trong tháng này. Đặc biệt dịp rằm tháng 7 vừa qua, chùa tổ chức lễ cầu siêu cho vật nuôi đã thu hút không nhỏ lượng người đến tham dự buổi lễ.

Đông đảo người tham dự lễ cầu siêu cho chó, mèo.

Trước giờ làm lễ, chủ nhân của các con vật đến từ rất sớm, họ chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo. Thậm chí, có những người còn chuẩn bị món ăn mà thú cưng của họ khi còn sống ưa thích nhất như bim bim, trứng... Nhà chùa cũng tất bật sắp xếp các vật dụng cần thiết như chuông, lá cờ, hương hoa…để thực hiện nghi lễ. Khi mọi thứ được sắp đặt ngay ngắn, ông chủ Nguyễn Bảo Sinh tiến hành đọc kinh cầu cho linh hồn con vật được siêu sinh tịnh độ.

Bạn Nguyễn Khánh Linh (Đống Đa, Hà Nội) có một chú chó được chôn cất tại đây, nhắc về người bạn của mình Linh không khỏi xúc động: “Lu ở nhà em được 5 năm từ khi còn bé xíu nên được xem như người thân trong gia đình vậy. Không may Lu bị ốm nặng không chữa được, em không đành lòng nhìn nó bị vứt vất vưởng nên đem về đây. Ít nhất mỗi năm có thể ra đây thăm để Lu biết mọi người trong nhà luôn nhớ đến nó. Lúc trước nó thích ăn nhất là bim bim nên hôm nay em cũng mang đến”.

Cũng tương tự như Linh, chị Trần Thanh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) có đến 2 chú mèo ở đây nên thỉnh thoảng chị lại ghé qua trò chuyện với chúng. Trước nhiều lời ác ý về hành động của mình, giọng chị trùng xuống: “Mình đã từng nghe nhiều lời nói những việc mình làm với 2 con mèo là thái quá, nhưng đó là tình yêu mình dành cho chúng. Chỉ khi bạn thực sự coi chúng là bạn là người thân thì mới hiểu cảm giác mất chúng đau buồn như thế nào”.

Những giọt nước mắt xúc động khi "gặp lại" vật nuôi từng sống trong gia đình.

Trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ cầu siêu, chủ nhân của vật nuôi luôn cúi đầu thành tâm lắng nghe, đôi mắt họ ánh lên những giọt nước mắt. Khi kết thúc, nhiều gia đình cố ở lại đợi cho tuần hương cháy hết mới ra về cùng lời hẹn sẽ trở lại.

Bài và ảnh: Phương Ngân - Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-dac-biet-cau-sieu-cho-cho-meo-tai-ha-noi-79225.html