Nối dài những mạch nguồn truyền thống

Hà Nội từ lâu được biết đến là mảnh đất có nhiều nghề, phố nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng, do các yếu tố khác nhau nên nhiều làng nghề thủ công đã bị mai một hoặc mất dần theo thời gian. Dù khó khăn song thực tế còn rất nhiều người, bằng nhiều cách khác nhau vẫn âm thầm giữ gìn nghề truyền thống để dòng chảy văn hóa được nối dài.

Lưu giữ hồn cốt quê hương

Mong muốn giữ nghề, tạo công ăn việc làm cho đồng đội ở địa phương, bà Nguyễn Thị Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) đã khởi nghiệp với nghề làm quạt khi bước sang tuổi 50.

Dưới bàn tay khéo léo của người dân, các sản phẩm quạt Chàng Sơn ngày càng có mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Từ sản phẩm quạt giấy truyền thống, với công dụng chính là làm mát, bà Nguyễn Thị Tuấn đã mày mò, nghiên cứu và đầu tư cải tiến sản phẩm. Bà dành thời gian tìm hiểu và thử nghiệm từng công đoạn từ chặt, chẻ nan tre, đến nghiên cứu cách xử lý mùi, mốc và màu sắc cho nan tre, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất mới, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Qua bàn tay chăm chút và ý tưởng sáng tạo của nữ cựu thanh niên xung phong, những chiếc quạt đơn sơ đã được nâng tầm lên trở thành sản phẩm trang trí, hay thiệp cưới, quà lưu niệm tại các sự kiện, tờ rơi giới thiệu sản phẩm, phụ kiện thời trang…

Chia sẻ về hành trình gìn giữ nghề truyền thống, bà Tuấn cho hay: “Ai cũng biết, xã Chàng Sơn có nghề làm quạt giấy truyền thống nhưng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm quạt lưu niệm nhập từ Trung Quốc. Không đành lòng nhìn sản phẩm gắn bó với mình từ bé đang dần mai một, tôi luôn nung nấu ý tưởng đưa quạt giấy quê hương đến với nhiều du khách quốc tế bởi tôi tin mình và những nghệ nhân trong làng có thể sáng tạo ra các sản phẩm đẹp, tinh tế và có giá thành cao hơn những loại quạt đang bán trên thị trường”.

Bà Nguyễn Thị Tám vẫn luôn gắn bó với nghề sản xuất chè lam.

Rời xã Chàng Sơn, về xã Thạch Xá, nơi có sản phẩm bánh chè lam nổi tiếng. Theo các vị cao niên trong xã, thời xưa xuất phát từ tấm lòng thành kính, người dân đã làm ra một thứ bánh thơm dẻo để dâng lễ. Cứ vậy, cho đến tận ngày nay, người dân trong làng vẫn gìn giữ, lưu truyền thứ bánh ấy.

Trong số những gia đình còn gắn bó với nghề không thể không nhắc đến gia đình bà Nguyễn Thị Tám (chủ cơ sở sản xuất chè lam Tám Độ). Với mong muốn phát triển nghề truyền thống, đưa sản phẩm của làng vươn ra thị trường các tỉnh, thành trong nước, bà Tám cùng các con vẫn ngày ngày đỏ lửa gìn giữ nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh, làng Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) là một trong số ít những người đã gắn bó, duy trì và phát triển nghề tò he truyền thống của quê hương.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh, có những thời điểm nghề tò he điêu đứng, sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn, trong khi lớp trẻ chọn nhiều nghề có thu nhập cao để làm giàu và bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian.

Không chịu khoanh tay đứng nhìn làng nghề ngày càng mai một, những nghệ nhân và những người tâm huyết với nghề tò he Xuân La luôn ý thức được giá trị văn hóa tinh thần của những con tò he, đã tìm mọi cách để khôi phục lại nghề cổ của làng. Bằng sự nỗ lực đáng kể, hơn 20 năm trở lại đây, tò he Xuân La được phục dựng và từng bước tìm được chỗ đứng trong đồ chơi Việt. Việc Câu lạc bộ nghệ nhân tò he Xuân La ra đời cũng là bước ngoặt góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề.

Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều cuộc thi nặn tò he, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thường xuyên phối hợp biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, tại các lễ hội, triển lãm, đón tiếp các đoàn khách thăm quan du lịch làng nghề, liên kết giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he tại trường học giúp học sinh và sinh viên hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống…

Đến nay, mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng ông Đĩnh vẫn tham gia làm tò he tại một số các sự kiện, triển lãm. Với những câu chuyện của mình, ông đã giới thiệu cho du khách biết đến và yêu hơn món đồ chơi truyền thống của địa phương.

Tạo được dấu ấn từ sản phẩm truyền thống

Cùng chung sự quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống như bà Tuấn, ông Đĩnh nhưng thế hệ trẻ ở làng nghề lại chọn cho bản thân lối đi riêng biệt hơn với hoài bão đưa sản phẩm truyền thống vươn xa hơn ở thị trường quốc tế. Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề gốm sứ khi mới 25 tuổi là tấm gương điển hình.

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh dù còn trẻ nhưng luôn nặng lòng với nghề truyền thống

Sinh ra ở làng nghề, trong gia đình nhiều đời gắn bó với nghề sản xuất đồ gốm, Minh đã “bén duyên” với nghề ngay từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ của Minh là những ngày làm bạn với đất. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai trẻ quyết định theo nghề truyền thống của gia đình.

Sau hai năm làm việc, Minh nhận thấy các sản phẩm làm ra giống những sản phẩm đại trà của làng nghề nên không tạo được dấu ấn riêng, khó thu hút khách hàng. Trăn trở gắn bó, phát triển nghề của gia đình, của làng, Minh quyết định theo học tại khoa gốm, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm làm nghề. Vừa học tại trường, Minh vừa tìm tòi, học hỏi nghề từ những người thầy đi trước. Dần dần thế giới quan của chàng trai trẻ được thay đổi, những tác phẩm tạo ra mang tính nghệ thuật cao hơn.

Trong hành trình theo nghề, Minh đã chọn hướng đi cho riêng mình. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng toàn bộ sản phẩm đều được làm thủ công, vuốt bằng tay, kết hợp các đường nét của nghệ thuật điêu khắc, đã cho ra những sản phẩm gốm mang đậm nét truyền thống xen lẫn nét độc đáo, hiện đại.

Với lòng yêu nghề, Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhận được sự đánh giá cao của các nghệ nhân gốm cũng như của khách hàng. Tiêu biểu trong số đó là tác phẩm “Đôi bình vuốt tay men rạn cổ”; “Đôi chóe men rạn đắp rồng” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Chùa Kim Trúc Tự (làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Năm 2021, từ sự tích “Cá chép vượt vũ môn hóa Rồng”, Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh cho ra sản phẩm “Khát vọng”. Hiện nay sản phẩm đang được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng huyện Gia Lâm). Các tác phẩm: “Đôi chân đèn màu lam sẫm”; “Đôi lộc bình đắp tứ linh”, “Đôi chóe men rạn vẽ rồng màu chàm cổ” hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Chùa Tiêu Dao (làng Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Câu chuyện của những nghệ nhân là minh chứng rõ nhất về sự tiếp nối những mạch nguồn truyền thống. Ở họ dù độ tuổi khác nhau nhưng đều chung quyết tâm không để nghề cha ông mai một theo thời gian.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/noi-dai-nhung-mach-nguon-truyen-thong-158165.html