Nỗi đau chung khó có thể bù đắp

Kinh tế suy giảm có thể tìm cách vực dậy; tiền của mất đi có thể đem sức lao động tạo dựng lại; nhưng những người đã ngã xuống sẽ không bao giờ tìm thấy trên cuộc đời này nữa.

20 giờ tối nay, dưới ánh trăng rằm, TP. HCM cùng nhiều tỉnh thành sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân đã tử vong vì Covid-19. Tiếng chuông giáo đường, ngôi chùa, tiếng còi tàu sẽ vang ngân; hoa đăng, ngọn nến sẽ thắp sáng để tưởng nhớ, tiễn biệt đồng bào đã ra đi.

Mất mát không thể bù đắp cho người ở lại

Chuẩn bị trang thờ, lễ vật chu đáo, anh N.D (ở Bình Thạnh) không kìm được xúc động, "vợ em mắc Covid-19 rồi đột ngột mất sau mấy ngày chuyển nặng, để lại 2 con nhỏ không kịp nhìn mặt mẹ lần cuối. Đi nhanh quá anh ạ".

Chị Thuận cùng 2 con thắp nén nhang lên trang thờ anh Luân.

Từ khi anh Lê Đức Luân tử vong vì Covid-19, chị Lương Thị Thuận (Bình Tân) như thất thần, không cảm xúc. Có lẽ, nỗi đau khi đột ngột mất chồng đã bóp nghẹn cả những cảm xúc bình thường nhất của chị. Tiếng con trẻ mỗi lần nhắc tên cha, làm lòng chị se lại.

Hay cậu bé 11 tuổi, con của anh Chính (một chiến sĩ cảnh sát hy sinh) mỗi ngày chỉ biết rúc đầu vào lòng nội khi bố mẹ và chị gái đột ngột ra đi không một lời từ biệt...

"Việt Nam đã có hơn 23.000 đồng bào tử vong vì Covid-19, họ là những người rất khác nhau, có người già yếu, neo đơn, có người còn trẻ tuổi, sung sức; có cả cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Sự ra đi đó không gì có thể bù đắp cho người ở lại. Sự mất mát này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự thật, hơi thở dài ngắn của một đời người", Đại đức Thích Thiện Châu, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q.3 (TP. HCM) chia sẻ.

Để tưởng nhớ, những ngày qua các ngôi chùa, đoàn thể, cơ quan MTTQ trên địa bàn TP. HCM đã tổ chức Lễ tưởng niệm - cầu siêu người mất vì Covid-19, tưởng nhớ người qua đời, sẻ chia nỗi đau với người ở lại, xoa dịu nỗi mất mát, đau thương sau đại dịch.

Trong hàng chục ngàn người tử nạn có những cán bộ, chiến sĩ; các bác sĩ, y tá, lương y; ... những người luôn sẵn sàng tham gia tuyến đầu phòng chống "giặc bệnh" vô hình, chấp nhận hy sinh tính mạng để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho cộng đồng, hạnh phúc cho nhân dân.

“Họ đã trút hơi thở cuối cùng, nhẹ gót ra đi trở về lòng đất mẹ, từ bỏ cuộc đời huyễn mộng, xa rời mái ấm gia đình, từ giã những người thân yêu và vĩnh biệt tất cả chúng ta… khi đang thực hiện nhiệm vụ cao cả của người con đất Việt. Họ là những người xứng đáng được vinh danh trên trang sử vàng son của nước Việt”, Thượng tọa Thích Quang Thạnh xúc động.

Nỗi đau chung của tất cả

Trước giờ TP. HCM tổ chức Lễ tưởng niệm, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã có chia sẻ với toàn thể nhân dân TP. HCM về "nỗi đau chung của tất cả chúng ta" thông qua báo chí.

Theo Chủ tịch TP. HCM, đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội vào mùa hè năm 2021 đã gây bao tổn thất và thiệt hại không thể nào kể xiết cho nhân dân, đặc biệt tại TP. HCM thân yêu.

Những hậu quả do đại dịch gây ra là hết sức nặng nề và to lớn. Nhưng nỗi đau to lớn nhất của TP. HCM không phải là sự suy thoái kinh tế mà là sự mất mát những con người.

Hàng ngàn đồng bào đã ra đi vì nhiễm virus Corona và biến thể Delta, hàng chục bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên, cán bộ cơ sở đã hy sinh trong cuộc chiến đấu dũng cảm, cam go với đại dịch Covid-19.

"Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách suy giảm chúng ta có thể tìm cách vực dậy; tiền của mất đi chúng ta có thể đem sức lao động tạo dựng lại; nhưng những người đã ngã xuống chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy nữa trên cuộc đời này", Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP. HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 với tất cả lòng thành kính và biết ơn.

TP. HCM là vùng đất tập hợp và hòa hợp người dân từ khắp mọi miền đất nước. Đồng bào chúng ta đã đến đây lập nghiệp, cùng chung tay xây dựng thành phố này. Những ngày thành phố đương đầu với đại dịch, đồng bào cả nước đã sẻ chia về tinh thần và vật chất, đã gửi những người con vào trợ giúp cho nhân dân thành phố. Trong những người ngã xuống có đồng bào trên mọi miền đất nước. Đây là nỗi đau chung của tất cả chúng ta.

Đại diện chính quyền TP. HCM cam kết sẽ thực thi hiệu quả chính sách chăm lo người già neo đơn, trẻ em mồ côi vì cha mẹ từ trần do đại dịch Covid-19, để các gia đình và các cháu được chăm sóc chu đáo và học hành đàng hoàng.

Hoàn thiện và sẽ tiếp tục cập nhật các phương án ứng phó với đại dịch; thường xuyên lắng nghe và tiếp thu với tinh thần cầu thị những ý kiến đóng góp xây dựng của các chuyên gia và mọi tầng lớp nhân dân để đưa ra những quyết sách và chủ trương sáng suốt, hợp lý hợp tình nhằm bảo vệ sức khỏe và lợi ích của nhân dân, xây dựng và phát triển thành phố.

"Chúng ta nguyện đoàn kết và cố gắng hết sức mình trong cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ với đại dịch Covid-19 cũng như trong sự nghiệp xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình - một thành phố đáng sống với những con người giàu lòng nhân ái và đức khoan dung", ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/noi-dau-chung-kho-co-the-bu-dap-post167646.html