Nỗi đau của một nhà thơ xứ Đoài đón người lính hy sinh giữa thời bình về với đất mẹ

Đến xứ Đoài, không ít người lại không biết nhà thơ Quốc Toản, bởi vì anh như một gã 'ăn mày', suốt ngày lang thang cùng chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của đời sống thiên nhiên và con người đang diễn ra hàng ngày. Và nếu được trò chuyện với anh sẽ thấy ở người lính này còn có nhiều dự định và mong muốn đóng góp cho cộng đồng…

Nhà thơ Quốc Toản

Lang thang “nhặt” ảnh, góp gạo để lên đường

Vốn là giảng viên kỹ thuật ở trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô (thuộc Bộ Quốc phòng), nhưng khi chưa đến tuổi về hưu, Thượng tá Quốc Toản làm đơn xin nghỉ trước vài năm, anh bảo: “Mình xin về sớm, tranh thủ khi còn sức khỏe để có thời gian sáng tác”. Đi nhiều, gặp nhiều, chứng kiến nhiều hoàn cảnh còn gặp khó khăn ở những miền đất xa xôi, nhà thơ Quốc Toản tự thấy những vần thơ hay những bức ảnh không đủ để giúp cho đời sống của họ bớt đi phần cơ cực.

Sau mỗi chuyến đi, bao giờ anh cũng ghi chép đầy đủ tên tuổi, hoàn cảnh của từng người ở vùng đất đó, và quay trở về với những kế hoạch giúp đỡ những số phận không may mắn. Anh cùng một số bạn bè của mình lặng lẽ đóng góp một phần trong khoản lương hưu và đi xin những bộ quần áo cũ, chăn màn, đồ dùng cũ nhưng còn tốt để gom lại cho đủ một chuyến “ngược ngàn”. Việc làm âm thầm của anh trong nhiều năm đã được nhiều người biết đến, họ cũng chung tay góp gạo, góp tiền và ủy quyền cho anh làm đại diện đến chia sẻ với bà con dân tộc.

Nhà thơ không ồn ào tuyên bố điều gì, anh cũng không bao giờ chụp những tấm ảnh người dân đứng xếp hàng ngang để nhận quà từ thiện, bởi theo anh, làm như thế là tổn thương họ và mất đi sự ấm áp thành thực trong tấm lòng của người chia sẻ.

Những ngày không lang thang trên đường “nhặt ảnh” (anh hay gọi cách vừa đi vừa chụp ảnh của mình như thế), nhà thơ lại quanh quẩn trong lòng thị xã Sơn Tây, gặp gỡ những cựu chiến binh thời chống Mỹ. Những câu chuyện xung quanh đời sống của người lính thời bình luôn chứa đầy trăn trở, nhiều cựu binh vẫn đang phải vất vả mưu sinh bằng nghề cắt tóc, nghề đánh cá ven sông, người còn sức khỏe thì đi làm bảo vệ cho trường tiểu học...

Nhà thơ viết về họ bằng tất cả sự thấu hiểu giữa những người lính đã từng qua chiến trận nay lại căng mình “chiến đấu” với áo cơm hàng ngày. Không chỉ làm thơ, có những khi nhà thơ Quốc Toản còn phải ngồi viết đơn trình bày giúp cho những cựu binh còn thiệt thòi hoặc bị quên lãng gửi đến các cơ quan chức năng để kịp thời có sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức.

Nhà thơ Quốc Toản không ngờ một lần nữa phải đón nhận nỗi đau thương về những người lính trẻ hy sinh, lần này chính là cháu của ông, Thượng tá Khuất Mạnh Trí

Người lính già đón liệt sĩ trẻ giữa thời bình

Trong lúc đang bận rộn với các kế hoạch giúp đỡ những người cựu binh, Quốc Toản không thể ngờ anh lại một lần nữa đón nhận nỗi đau thương về những người lính trẻ hy sinh. Lần này là trường hợp của hai sỹ quan không quân gặp tai nạn trong lúc đang làm nhiệm vụ diễn tập. Một trong hai liệt sĩ đó là người con của “xứ Đoài mây trắng”.

Nhà thơ Quốc Toản ở cùng phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) với gia đình Thượng tá Khuất Mạnh Trí và cũng là một người em thân thiết với mẹ của liệt sĩ. Xót xa và cảm thương với nỗi đau gia đình liệt sỹ, nhà thơ đã có mặt ngay sau khi nghe tin xấu để đứng ra lo liệu công việc đón người cháu của mình trở về với quê hương.

Công việc hậu sự xong xuôi, nhà thơ Quốc Toản muốn lưu lại đôi dòng suy nghĩ về sự hy sinh của những người lính trong thời bình. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, những câu thơ cứ nghẹn đắng lại. Lần đầu tiên viết về những người lính, nhà thơ Quốc Toản đã không thể cất lên những câu thơ, mà anh đã nghẹn ngào ghi lên cuốn sổ của mình và cầu mong cho linh hồn liệt sỹ Khuất Mạnh Trí và Phạm Giang Nam sẽ là đôi hạc trắng vút bay trên bầu trời xanh thẳm. Và trong những ngày tháng đau thương này, anh sẽ hoãn lại các kế hoạch dang dở của mình để dành thời gian bên gia đình liệt sỹ Khuất Mạnh Trí, động viên và giúp đỡ thân nhân vượt qua nỗi đau mất mát.

Trong lúc đang bận rộn với các kế hoạch giúp đỡ những người cựu binh, Quốc Toản không thể ngờ anh lại một lần nữa đón nhận nỗi đau thương về những người lính trẻ hy sinh. Lần này là trường hợp của hai sỹ quan không quân gặp tai nạn trong lúc đang làm nhiệm vụ diễn tập. Một trong hai liệt sĩ đó là người con của “xứ Đoài mây trắng”.

PHONG LAN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/noi-dau-cua-mot-nha-tho-xu-doai-don-nguoi-linh-hy-sinh-giua-thoi-binh-ve-voi-dat-me/777415.antd