Nỗi đau của Simon Bolivar

Thế giới đã phải tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi những chiến công lẫy lừng trong suốt cuộc đời hiển hách của ông – Simon Bolivar. Dưới ngọn cờ mà vị lãnh tụ giải phóng ấy phất lên, ách thống trị của đế quốc thực dân Tây Ban Nha đã bị lật nhào ở Nam Mỹ, để từ đó, sáu quốc gia hiện đại ra đời: Venezuela – quê hương ông, Bolivia, Colombia, Panama, Ecuador và Peru.

Song, người anh hùng xuất chúng ấy cũng vẫn phải nhắm mắt, mà không được thấy giấc mơ lớn nhất của mình trở thành hiện thực. Không chỉ vậy, ông còn phải chịu đựng nỗi đau, khi những “đứa con tinh thần” của mình lâm vào cảnh “huynh đệ tương tàn”.

“Liên Mỹ” - giấc mơ cháy bỏng

Simon Bolivar, sau khi đã trở thành lãnh tụ tối cao trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho những miền đất ở phía Bắc của châu lục Nam Mỹ, đã thực sự nghĩ đến một kế hoạch vĩ đại hơn gấp bội. Theo National Geographic, cũng như theo rất nhiều trang nghiên cứu uy tín khác, ông còn muốn “thống nhất toàn châu lục Nam Mỹ thành một quốc gia”.

Có lẽ ý tưởng này thoát thai từ sự ngưỡng mộ mà Bolivar dành cho George Washington và Thomas Jefferson, hay nguồn cảm hứng mà ông nhận được từ cuộc chiến tranh Cách mạng Mỹ chống lại đế quốc thực dân Anh. Mười ba bang thuộc địa Bắc Mỹ đã thống nhất với nhau thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và Bolivar cũng muốn thấy Nam Mỹ mang một kết cấu tương tự.

Bản thân ông cũng đã luôn thực hiện điều đó, trên mỗi bước hành quân chiến thắng. Minh chứng là đất nước vĩ đại mà ông sáng lập: Đại Colombia (Gran Colombia), với lãnh thổ bao gồm cả Venezuela, Colombia, Panama và Ecuador hiện đại. Những vùng đất ấy lần lượt được hợp nhất vào Gran Colombia, sau mỗi chiến thắng vang dội mà Simon Bolivar giành được trước quân đội thực dân Tây Ban Nha cũng như phe bảo hoàng ở Nam Mỹ.

Tiến trình này chỉ dừng lại, khi Bolivar tiến vào Peru, hội quân với lãnh tụ giải phóng ở phía Nam châu Mỹ Latin là Jose San Martin – người đã thực hiện những điều vĩ đại tương tự như cách Simon Bolivar khắc tên mình vào lịch sử ở phía Bắc lục địa.

Simon Bolivar ra đi với một giấc mơ dang dở.

Simon Bolivar ra đi với một giấc mơ dang dở.

Ngày 26-7-1822, nghĩa là cách đây tròn 200 năm, hai “Người giải phóng” gặp nhau tại thành phố cảng Guayaquil (Ecuador), trong sự kiện mang tên Hội nghị Guayaquil. Thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận của họ không được tiết lộ, nhưng có lẽ họ đã đề cập đến việc hoàn thành cuộc đấu tranh quân sự ở Peru và Thượng Peru, nơi quân đội hoàng gia Tây Ban Nha vẫn đang hiện hữu, cũng như tổ chức hình thái chính trị cho các vùng được giải phóng.

Theo Britanica, San Martín hẳn đã hiểu rằng chỉ mình Bolívar là có đủ khả năng kết hợp các nguồn lực toàn diện về quân sự, chính trị cũng như sự ủng hộ cần thiết từ dân chúng để giành được chiến thắng cuối cùng trước quân đội Tây Ban Nha hùng mạnh ở vùng cao nguyên. Do vậy, sau cuộc hội kiến, San Martin trở về đưa quân bản bộ của mình rời khỏi Lima, để Simon Bolivar được thật sự rảnh tay, trở thành người chỉ huy tối cao duy nhất của cuộc tranh đấu tại đây.

Và sau đó, năm 1826, khi đã hoàn toàn giải phóng Peru, Simon Bolivar viết: "Thế giới mới sẽ gồm các quốc gia độc lập gắn chặt với nhau bởi luật pháp chung quy định quan hệ đối ngoại của các nước và tạo cơ hội cho các nước đó, thông qua một cơ quan lập pháp chung, những phương thức để trường tồn... Mọi rào cản về xuất xứ, chủng tộc và màu da sẽ biến mất. Trong các thế kỷ tiếp theo, có thể tiến tới một chính phủ hợp nhất toàn thế giới như một liên bang".

Song, đáng tiếc, đó cũng chính là giai đoạn mà Simon Bolivar bắt đầu phải nhìn thành quả cả đời ông đắp xây rời ra thành từng mảnh.

Rào cản từ thực tế

Thực tế, ngay việc Simon Bolivar và Jose San Martin không thể cùng tiến quân với nhau chống lại Tây Ban Nha ở Peru dường như cũng đã chứng minh rằng “một rừng hai cọp” là điều cực kỳ khó khăn, ngay cả đối với những vĩ nhân. Và bởi vì không có nhiều con người xuất chúng như thế, hay vì do quá bận rộn với chinh chiến mà không có thời gian củng cố tình hình chính trị - xã hội ở “hậu phương”, Bolivar đã bị “đâm sau lưng” bởi sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích đầy tham vọng.

Đến đây, ta có thể điểm lại sơ qua các điểm chủ chốt trong sự nghiệp cầm quân oanh oanh liệt liệt ấy. Trở về Venezuela từ châu Âu năm 1807, khi Joseph Bonaparte được Napoleon Bonaparte hỗ trợ làm vua Tây Ban Nha và các thuộc địa, Bolivar tham gia quân đội kháng chiến Nam Mỹ. Ngày 19-4-1810, Caracas (thủ đô Venezuela) tuyên bố độc lập, và Simon Bolivar trở thành Đại sứ tại Anh. Năm 1811, Bolivar gia nhập quân đội, khi đã là một nhà tư tưởng đầy uy tín. Năm 1812, quân Tây Ban Nha tái chiếm Venezuela. Năm 1813, dẫn đầu một đạo quân nhỏ, Bolivar vượt sông, bắt đầu chiến dịch giải phóng quê nhà.

Tháng 10 năm ấy, tiến vào Caracas, Bolivar tuyên bố thành lập Nền cộng hòa thứ hai, nhận danh hiệu “Người giải phóng”. Tuy nhiên, nền cộng hòa ấy nhanh chóng sụp đổ, trước sức mạnh vượt trội của các lực lượng bảo hoàng. Bolivar tránh sang Nueva Granada, chỉ huy quân đội Colombia tiến vào Bogota năm 1814. Tuy nhiên, sau một số xung đột về lợi ích chính trị, Bolivar từ bỏ binh quyền.

Nhưng trong lịch sử, tên tuổi ông vẫn chói lọi như một bậc vĩ nhân.

Từ năm 1815 đến năm 1818, Simon Bolivar vất vả xuôi ngược tìm kiếm các nguồn lực nhằm giải phóng Venezuela một lần nữa. Không ít phen, các kế hoạch của ông bị phá hủy bởi những mâu thuẫn nội bộ, và ông buộc phải làm lại từ đầu.

Năm 1819, Bolivar mở chiến dịch giải phóng Nueva Granada, và giành chiến thắng quyết định trong trận Boyaca (ngày 7-8-1819). Tháng 12-1819, Nueva Granada đổi tên thành Gran Colombia, khai sinh một quốc gia mới. Năm 1821, Bolivar mang quân trở về giải phóng thành phố quê hương Caracas, qua đó giành độc lập cho Venezuela. Năm 1822, đến lượt Ecuador được giải phóng và sáp nhập vào Gran Colombia. Sau đó là Peru, và là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Jose San Martin. Tướng Sucre, cánh tay phải của Bolivar giành chiến thắng cuối cùng trước quân đội bảo hoàng vào ngày 9-12-1824. Nhưng ở đây, Bolivar bắt đầu cảm thấy có quá nhiều trở lực ngăn cản những ý tưởng thống nhất Nam Mỹ của mình. Tháng 2-1825, ông từ bỏ danh vị Tổng tài cùng quyền lực tuyệt đối, để tiến sang Thượng Peru, và thành lập nước cộng hòa mang tên mình: Cộng hòa Bolivar – tức Bolivia hiện đại.

Vấn đề là, ngay trong năm 1826 đó, xuất hiện một cuộc nổi dậy mang tên La Cosiata do tướng Jose Antonio Paez cầm đầu, chống chính quyền trung ương Gran Colombia. Bolivar buộc phải nhanh chóng trở về Caracas, để tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Cộng hòa Gran Colombia.

Tháng 4-1828, một hội nghị lập pháp giải tán mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào giữa các phe đối lập. Ngày 25-9-1828, Bolivar bị ám sát nhưng thoát chết. Năm 1829, ông phải tìm mọi cách ngăn cản xung đột quân sự giữa các “sứ quân” Peru và Ecuador. Năm 1830, đến lượt Venezuela công khai đòi tách ra trở thành quốc gia độc lập khỏi Gran Colombia.

Bolivar dần suy sụp, đặc biệt là sau khi người bạn chiến đấu thân thiết – tướng Sucre – bị ám sát. Và đột ngột, Simon Bolivar cũng an nghỉ ngày 17-12-1830, khi đã từ bỏ mọi quyền lực, và đang dự định sang châu Âu “dưỡng già”.

Cho đến thời điểm ấy, Đại Colombia cũng như giấc mơ Liên Mỹ của ông đều đã rạn vỡ. Ý chí của một cá nhân, cho dù là một cá nhân siêu việt, một vị lãnh tụ, một “Người giải phóng”, một bậc “Thượng phụ lập quốc” như ông, cuối cùng, cũng không khỏa lấp được những khoảng cách, dung hòa được những mâu thuẫn, hàn gắn được những khác biệt, trên một vùng lãnh thổ sơ khai quá rộng lớn, và tồn tại quá nhiều vấn đề phức tạp cũng như các lợi ích chồng chéo.

Có lẽ đây là khiếm khuyết chính, cũng là điều mà Simon Bolivar không có được, khi so sánh với một bộ khung vững chãi gồm rất nhiều danh nhân ở 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ, sau khi giành được độc lập từ tay Đế quốc thực dân Anh.

Thiên Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/noi-dau-cua-simon-bolivar-i660294/