Nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả chiến tranh để lại vẫn âm ỉ và dai dẳng. Đó là cuộc sống khổ cực như 'địa ngục trần gian' của hơn 3 triệu nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã có nhiều chính sách quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời, nhằm xoa dịu nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải gánh chịu.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh tặng quà nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hằng

Cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh tặng quà nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hằng

Chất độc da cam/dioxin, tên tiếng Anh là “Agent Orange”, là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin, loại chất diệt cỏ được xếp vào nhóm độc tố nguy hiểm nhất thế giới, bởi không chỉ gây ra cái chết, mà còn hậu quả là những di chứng để lại cho nhiều đời sau. Chất độc này được quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand, một phần của chiến tranh hóa học của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Mục đích quân sự chính thức của chất độc da cam là làm rụng lá cây rừng để quân đội du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không còn nơi ẩn náu.

Ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam với quy mô lớn xuống nhiều vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là từ vĩ tuyến 17 tới tận mũi Cà Mau, tập trung ở khu vực hàng rào điện tử Mac Namara (thuộc tỉnh Quảng Trị), A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Sa Thầy (tỉnh Kon Tum)... khiến cho môi trường những nơi này bị ô nhiễm dioxin. Đến năm 1971, quân đội Mỹ ngừng rải chất độc da cam xuống lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề và thảm khốc nhất trên thế giới. Đây cũng là cuộc chiến tranh hủy diệt môi trường, hủy diệt hệ sinh thái và con người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại dioxin là một chất gây ung thư ở người, có thể phá hỏng các hệ thống như nội tiết, miễn dịch và thần kinh trong cơ thể. Chỉ cần một liều lượng nhỏ 80g dioxin cho vào hệ thống cấp nước là đủ để tiêu diệt toàn bộ dân số của một thành phố lớn có quy mô khoảng 6-7 triệu dân.

Các nghiên cứu cho thấy, chất độc da cam/dioxin là chất độc nhất trong các loại chất độc mà con người biết đến, làm hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật ở những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư... Nạn nhân của chất độc da cam bị tước đi quyền con người cơ bản nhất, trước hết là quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Phụ nữ bị mất quyền làm mẹ và rất nhiều trẻ em ra đời bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do dioxin. Đặc biệt, dioxin còn gây tác hại đến hệ di truyền và thực tế Việt Nam đã xuất hiện nạn nhân ở thế hệ thứ tư.

Qua 58 năm, thảm họa dioxin ở Việt Nam gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và lâu dài. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), hiện nay, trên cả nước có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam, 3 triệu người là nạn nhân. Trong đó, nhiều nạn nhân là trẻ em đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh... Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba.

Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 vụ phun, rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần 26.000 thôn, bản của Việt Nam với tổng diện tích 3,06 triệu ha. Trong đó, có 61% là chất da cam có chứa 366kg dioxin đã bị phun, rải trên 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ. Hậu quả, đã có 4,8 triệu người dân Việt Nam bị rải trực tiếp chất độc da cam/dioxin, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Không những chỉ người Việt Nam mà các lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... từng tham chiến ở Việt Nam cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam. Theo nguyên Tư lệnh Các lực lượng Hải quân - Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968-1970, ít nhất 2,6 triệu lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó, 20.000 người đã chết. Nước Mỹ sau chiến tranh còn phải đối mặt với “Hội chứng da cam” đeo đẳng toàn xã hội.

Nỗi đau từ thảm họa da cam vẫn còn dai dẳng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn thông cảm, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Các tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được thành lập ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thu hút hàng vạn cựu chiến binh tình nguyện làm công tác hội, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam/dioxin khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đều tổ chức nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.

Tuấn Khang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-dau-da-cam-van-con-dai-dang/