Nỗi đau dịch bệnh và niềm tin chiến thắng

Với một tình yêu lớn dành cho tổ quốc, với tất cả sự tuân thủ nghiêm ngặt, chấp hành tốt mọi yêu cầu của chính phủ, bằng những trái tim nhân hậu, đầy ắp tình người và sự sẻ chia ngọt bùi, chúng ta sẽ chiến thắng dịch SARS-CoV-2 một lần nữa.

Sau hơn 3 tháng không có ca dịch SARS-CoV- 2 nào ngoài cộng đồng, tưởng chừng mọi thứ đã bình yên. Mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ, du lịch, thương mại đều trở lại với guồng quay vốn có. Người dân cả nước hân hoan, vui mừng với thành quả ấy.

Năm học cũng được kết thúc, học sinh, giáo viên có được kì nghỉ hè, dù ít thời gian nghỉ ít hơn.

Rồi những chuyến du lịch gia đình, cá nhân, tập thể tăng mạnh. Ai chẳng muốn tranh thủ những ngày hè ngắn ngủi để tận hưởng những thú vị của cuộc sống. Du lịch còn là một mũi nhọn kinh tế để kích cầu tiêu thụ đặc biệt, góp phần làm lưu thông dòng chảy kinh tế thương mại, vốn bị ngưng trệ do dịch bệnh từ cuối năm 2019.

Nhưng rồi, mọi thứ đã đảo lộn. Dịch bất ngờ bùng phát trở lại. Oái ăm là bùng phát dịch lại rơi vào điểm trung tâm nghỉ dưỡng Đà Nẵng. Nơi tập trung và phân chia các tuyến du lịch xuyên suốt cho những hành trình duyên hải Miền Trung.

Hàng ngàn tour du lịch bị hủy. Mọi thứ như đứng lại, thiệt hại không thể đong đếm được.

Nhưng, thiệt hại về kinh tế, nỗi đau về dịch bệnh không đáng sợ bằng những sự kì thị, sự xét nét, soi mói từ trong cộng đồng dành cho những người đi du lịch về từ Đà Nẵng và các vùng có dịch trở về. Họ có tội tình gì? Dịch bệnh đâu phải do họ tạo ra? Tại sao phải cay cú, hằn học và ích kỷ đến vậy?

Hôm qua, tình cờ đọc bài viết "NGƯỜI TRỞ VỀ TỪ ĐÀ NẴNG KHÔNG PHẢI LÀ TỘI ĐỒ" của tác giả Văn Dân trên mạng xã hội. Bài viết ngắn thôi, nhưng nó lại lột tả sự hai mặt, cái cay đắng do dịch bệnh tạo nên. Dẫu biết rằng tâm lý ai cũng lo, cũng sợ bệnh tật. Nhưng lo sợ không có nghĩa là có quyền kì thị, hay xúc phạm người khác.

Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo và yêu cầu bắt buộc rồi. Những người đi về từ vùng dịch phải khai báo y tế. Tự cách ly 14 ngày. Họ đã làm đúng, họ tuân thủ theo yêu cầu thì chúng ta phải cảm ơn họ vì điều đó.

Chính những sự soi mói ấy, vô hình tạo nên những bức tường tâm lý, khiến nhiều người sợ và không dám khai báo y tế, đó là điều nguy hiểm nhất.

Ngoài những khuyến cáo và biện pháp mạnh của chính quyền, sự can thiệp của ngành y tế thì sự sẻ chia, đồng cảm và tương trợ của cộng đồng, chính là liều Vaccine hữu hiệu nhất để đẩy lùi dịch bệnh.

Vì thế, hãy xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực, hằn học dành cho những người mới trở về từ vùng có dịch. Hãy động viên họ, nếu được thì hãy giúp đỡ họ nhiều hơn.

Không ai bị bỏ rơi, và cũng chẳng ai có quyền để bỏ rơi ai cả. Vì thế, nếu ai còn giữ những thái độ xấu xa ấy thì phải bỏ ngay. Đừng để bị cộng đồng, xã hội lên án cho thói ích kỷ và suy nghĩ tiêu cực của mình.

Và trong những ngày này, chúng ta hãy dành tất cả tình cảm yêu thương, đóng góp vật chất, nhân lực hướng về nơi có dịch. Hãy chia sẻ với bệnh nhân, với các thiên thần áo trắng đang làm việc nơi ấy, bởi tuyến đầu nhiều lắm những mất mát, âu lo.

Quan trọng nhất là hãy giữ vững niềm tin, mang niềm tin đến với mọi người. Tất cả chúng ta phải truyền đi một thông điệp lạc quan, yêu đời như tiếng hát của một bác sĩ đang cất lên từ trong bệnh viện C Đà Nẵng. Ca khúc "Đà Nẵng ngày bão giông" được Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ nhạc từ bài thơ của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Huyền như một lời hứa, lời tự tình và cũng là quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Với một tình yêu lớn dành cho tổ quốc, với tất cả sự tuân thủ nghiêm ngặt, chấp hành tốt mọi yêu cầu của chính phủ, bằng những trái tim nhân hậu, đầy ắp tình người và sự sẻ chia ngọt bùi, chúng ta sẽ chiến thắng dịch SARS-CoV-2 một lần nữa.

Không gì có thể khuất phục được dân tộc này! Một khi đã đoàn kết, đồng lòng, chúng ta sẽ chiến thắng. Và nụ cười, niềm tin, tình yêu và tất cả lại trở về như chưa hề xảy ra dịch bệnh!

NDHA - Phương Nam - 01.08.2020

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/noi-dau-dich-benh-va-niem-tin-chien-thang-78438