Nỗi đau sau cuộc chiến

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng với những người lính từng tham gia chiến đấu trên các chiến trường không may bị nhiễm chất độc hóa học thì nỗi đau sau cuộc chiến mãi vẫn còn. Đáng nói hơn, nỗi đau ấy không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của họ mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những thế hệ sau này.

Năm 1974, ông Đào Xuân Kế ở thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) đi bộ đội, tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Trong quá trình chiến đấu, ông đã sống trong vùng bị địch rải chất độc hóa học, nên khi về đời thường ông mang trong mình nhiều bệnh khác nhau. Mỗi khi trái gió trở trời, cơ thể ông đau nhức, nửa người bị tê mỏi, có lúc không thể cử động được. Năm 1982, vợ chồng ông sinh đứa con gái đầu, nhưng không may do sức khỏe yếu, cơ thể phát triển không bình thường, nên đến năm 9 tuổi thì qua đời.

Những năm sau đó, vợ chồng ông sinh thêm một đứa con trai, may mắn khỏe mạnh hơn đứa trước, nhưng về trí tuệ vẫn không bằng như những đứa trẻ khác. Năm 1991, vợ chồng ông lại sinh thêm một con gái nữa để “có anh có em” nhưng thật đáng buồn, bé gái khi sinh ra cơ thể ốm yếu, đầu to, lớn lên một chút thì mắt lúc nào cũng trợn ngược, dãi chảy liên tục không dứt, tay khèo không cầm nắm được gì…

Gần 30 tuổi nhưng Hoa (bên phải) con gái ông Đào Xuân Kế chỉ như đứa trẻ lên 3.

Thế nhưng, bằng tình thương của cha mẹ, ông bà luôn nghĩ, tay chân còn có “đốt dài đốt ngắn”, thế nên cứ cố gắng chăm sóc con. Năm nay, người con gái tên Hoa đã gần 30 tuổi, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân đều phải mẹ phụ giúp, cũng đồng nghĩa với việc gia đình mất đi một lao động chính. Ông Kế cho biết: “Gia đình cũng chạy vạy, đưa cháu đi khắp nơi để chữa bệnh, nhưng không cải thiện được gì. Đến đâu, bác sĩ cũng lắc đầu bảo cháu bị thiểu năng, bại não… Sau này, các bác sĩ có khuyên chúng tôi đưa cháu đi xét nghiệm và cháu được kết luận là bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 81%”.

Gần 30 tuổi rồi, nhưng Hoa chỉ như một đứa trẻ đặt đâu ngồi đấy, cho gì ăn nấy, thấy ai cũng chỉ một biểu cảm cười vu vơ, mắt trợn lên nhìn rồi ú ớ không nói ra câu. Ngày xưa, còn nhỏ, vợ ông Kế còn bế ẵm để làm các sinh hoạt cá nhân, nhưng bây giờ lớn, không thể ẵm bồng nên những việc này cũng rất khó, mất rất nhiều thời gian. Mặc dù đã được 3 lần cấp xe lăn, xe lắc, nhưng do tay khèo, không thể di chuyển được nên gia đình đều trả lại để cho các trường hợp khác. Tuổi già đến gần, nhìn con gái, ông Kế không khỏi xót xa.

Ông Kế ngậm ngùi: “Gia đình tôi biết con bị vậy xót xa lắm, nhưng nghĩ lại nhiều gia đình khác lại mất mát hơn mình khi không có đứa con nào lành lặn để làm điểm tựa tinh thần. Vì vậy, chúng tôi động viên nhau mà sống để chăm cho con được ngày nào hay ngày ấy. Kinh tế khó mấy rồi cũng chịu được, chỉ cần có miếng ăn hàng ngày, tôi chỉ sợ mai này tuổi già mất đi, con lại như vậy thì không biết sẽ như thế nào?”.

Chất độc da cam cũng chính là nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời bà Huỳnh Thị Xuân ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức. Bởi bà Xuân đã bị nhiễm chất độc da cam khi đi tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Định trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trở về cuộc sống đời thường, mang trong mình nhiều bệnh tật, cộng với tay bị co quắp, bà Xuân không có khả năng lao động. Trước đây, bà Xuân cũng lấy chồng như bao người khác, nhưng do bị nhiễm chất độc da cam, không thể sinh con, nên chẳng mấy năm bà chia tay với chồng. Bây giờ khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu, bà Xuân sống nương tựa cùng với người chị gái trong căn nhà mới được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đắk R’lấp hỗ trợ xây dựng.

Bài, ảnh: Hoàng Bảo

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/noi-dau-sau-cuoc-chien-74552.html