Nỗi đau từ các vụ tai nạn lao động do bất cẩn

Hậu quả từ các vụ tai nạn lao động rất nặng nề vì nó không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nạn nhân mà còn tạo ra gánh nặng, nỗi lo cho người thân.

Suýt mất tay, mất chân vì chủ quan

Mấy tuần gần đây, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tiếp nhận gần chục bệnh nhân bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc như sử dụng máy cưa gỗ, máy ép phế liệu, dao chặt cây… thậm chí, có bệnh nhân còn bị đứt lìa cùng lúc nhiều ngón tay.

Dù đã được các bác sĩ phẫu thuật, nối thành công 3 ngón tay bị đứt lìa nhưng nghĩ lại khoảnh khắc bị tai nạn lao động, ông T.T.B (tổ dân phố 2, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn còn ám ảnh.

Ngoài 50 tuổi, đang là lao động chính của gia đình thì tai nạn lao động xảy ra với ông B. Đó là vào giữa tháng 5/2023, trong lúc đang sử dụng máy cưa gỗ, bất cẩn, ông bị cuốn bàn tay trái theo chiều quay của máy cưa, hậu quả khiến 3 ngón tay bị đứt lìa.

May mắn, ông được người thân khẩn trương sơ cứu và đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh cấp cứu và chuyển tiến lên Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa để phẫu thuật nối các ngón tay.

Ông T.T.B (tổ dân phố 2, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) suýt mất 3 ngón tay do tai nạn lao động do bất cẩn.

Ông T.T.B (tổ dân phố 2, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) suýt mất 3 ngón tay do tai nạn lao động do bất cẩn.

Giống như ông T.T.B, nỗi lo của gia đình anh Nguyễn Văn H. (ở Ninh Xuân, Ninh Hòa, Khánh Hòa) như chồng chất thêm sau vụ tai nạn lao động xảy ra với anh từ cuối năm 2022. Anh H. bộc bạch, trước đây dù không khá giả nhưng vì chịu khó lao động anh cũng đủ trang trải đời sống, mỗi tháng tiết kiệm được từ 3 đến 5 triệu đồng. Song từ ngày dùng cưa máy cưa cây keo lá tràm, không may bị lưỡi cưa phập vào chân, vết thương hoại tử phải tháo mất hai ngón chân thì kinh tế gia đình sụt giảm hẳn. Gia đình tốn kém tiền bạc để thuốc men, chữa trị cho anh, đến giờ bản thân anh lao động cũng không còn hiệu quả như trước nữa. Đặc biệt, vào những ngày trở trời, chỗ vết thương lại trở nên đau nhức, không làm được việc gì.

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, do bất cẩn trong lúc vận hành máy ép phế liệu, tay phải của anh C.X.D (xã Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa) bị máy cuốn vào làm đứt lìa cổ tay. Sau khi được phẫu thuật và nối lại cổ tay, đến nay vết thương đang dần lành trở lại nhưng vẫn còn phải dưỡng thương nhiều ngày nữa mới có thể lao động.

"Thời gian điều trị ở bệnh viện, cả gia đình không còn nguồn thu nhập vì tôi là lao động chính, thêm vào đó là gánh nặng tiền thuốc thang, tiền ăn uống để nhanh chóng hồi phục vết thương, chỉ vì bất cẩn nhỏ mà thành vết thương và nỗi lo lớn", anh D. buồn rầu chia sẻ.

Các bác sĩ cứu chữa nạn nhân bị tai nạn lao động.

Các bác sĩ cứu chữa nạn nhân bị tai nạn lao động.

Dù làm việc tại nhà, tại vườn cũng cần chú ý đến an toàn lao động

Theo các bác sĩ, dù được điều trị tích cực nhưng không ít nạn nhân của các vụ tai nạn lao động lâm vào cảnh tàn tật suốt đời. Một số bệnh nhân được phẫu thuật, chữa trị kịp thời nhưng vết thương dù có lành đến đâu cũng không thể phục hồi như trước.

Trong khi đó, nhiều người chủ quan cho rằng sử dụng dao, cưa máy, cưa tay… và các dụng cụ khác làm việc tại nhà, tại vườn, rẫy thì không cần chú ý đến vấn đề bảo hộ lao động, điều này tiềm ẩn nguy cơ cao với tai nạn lao động.

BS. Phạm Đình Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình – Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) khuyến cáo, tai nạn lao động có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nếu như công tác phòng ngừa không được chú ý. Vậy nên người lao động, dù làm việc ở đâu cũng nên trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động. Khi sử dụng máy móc, cưa... cần hết sức cẩn trọng, chú ý đến yếu tố an toàn để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-dau-tu-cac-vu-tai-nan-lao-dong-do-bat-can-169230524173638304.htm