Nơi dòng sông 'đổi vị'

Những ngày mùa đông bình yên, dường như tất cả những dòng sông đều trở nên lặng lẽ. Dòng sông Nghèn nơi chúng tôi vừa mới đi qua cũng mang dáng vẻ ấy. Nếu chỉ đơn thuần lại qua trên những chiếc cầu bắc ngang đôi bờ, ít ai biết rằng, đó là một con sông đã được 'đổi vị', chịu trách nhiệm tắm táp cho hơn 16 nghìn ha ruộng đồng, bờ bãi suốt gần trọn một thập kỷ nay...

Cá lồng bè được nuôi trên sông Nghèn

Lặng lẽ hơn trong thâm nâu mái ngói cũ kỹ là nhà làm việc của BQL công trình bara Đò Điệm. Từ phía sau chỗ chúng tôi đứng bỗng có tiềng rề rề của chiếc xe Honda 82 cũ kỹ. Điều khiển nó là một người đàn ông nom cũng “cũ kỹ” không kém. Ông dừng xe và ân cần hỏi: “- Các cháu tìm ai?” – “Dạ, chúng cháu tìm người vận hành bara lâu năm nhất ạ”. Ông mỉm cười hiền lành: “- Là bác, bác ở đây đã hơn 1 thập kỷ”. Rồi ông chỉ tay ra bara và bảo: “Chờ bác cất xe đã nhé”. Tôi nhìn theo bóng ông nhỏ bé chạy xe vào sân và thầm kêu lên “người đổi vị”.

“Người đổi vị” tên thật là Nguyễn Văn Tiếp được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh điều về đây từ dạo công trình đang dang dở. Năm 2008, khi công trình đi vào hoạt động, ông đảm nhận nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt cho sông Nghèn. Men theo những bậc thang đã hoen gỉ, chúng tôi lên tầng cao nhất bara Đò Điệm. Từ đây, nhìn xuôi về Nam là những làng mạc im lìm và nhấp nhô lồng bè nuôi trồng thủy sản. Nhìn ngược về phương Bắc là mênh mang, trù mật những ruộng nương ven bờ Đông, Tây. Trong dáng vẻ hiền hòa của sông Nghèn hôm nay, tôi cảm nhận rất rõ sự ôm ấp, nuôi dưỡng của con nước với ruộng đồng, bờ bãi các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh.

Bản đồ Hà Tĩnh cho thấy, sông Nghèn bắt đầu từ sông La, qua cống Trung Lương (Đức Thọ) chạy quanh gần 30 km qua Hồng Lĩnh, Can Lộc, Lộc Hà rồi xuôi về ngã ba Đò Điệm (Thạch Hà) ra Cửa Sót, hòa vào biển Đông. Vốn dĩ, nước ở con sông này bị nhiễm mặn do thủy triều biển dâng lên từ Cửa Sót nên việc sản xuất nông nghiệp của các làng xã hai bên bờ luôn gặp khó khăn. Một thời, đời sống người nông dân một số xã vô cùng cực khổ. Dự án ngọt hóa sông Nghèn tại ngã ba sông Đò Điệm và hệ thống kênh trục sông Nghèn nhằm hóa giải khó khăn đó.

Trong mênh mang sông nước, “người đổi vị” không khỏi ngậm ngùi nhớ về buổi đầu gian nan. Khi ngăn dòng chảy để đổ bê tông bản đáy, nhiều lần, hàng chục tấn bê tông cốt thép vừa đổ chưa kịp khô đã bị nước cuốn trôi ra biển. Sau một thời gian nỗ lực thi công, tháng 3/2008, công trình bara Đò Điệm hoàn thành. Cả dòng sông nước lợ nay nước ngọt đầy ắp. Nhiều ruộng lúa sản xuất 1 vụ, 1 giống đã sản xuất 2 vụ với nhiều loại giống mới, hàng nghìn ha hồ đập được khai hoang, nuôi trồng thủy sản. Công trình với sự điều tiết nước hợp lý đã cứu hàng chục ngôi làng thoát khỏi cảnh ngập úng trong mùa lũ.

“Người đổi vị” còn chỉ cho chúng tôi về 17 khoang của bara. Ngoài 1 khoang âu thuyền, bara có 4 khoang cánh cửa cung bố trí hai bên dùng để điều tiết nước phục vụ nhu cầu sản xuất; ở giữa là 12 cánh cửa cung, khi rút chốt có thể tự đóng mở cửa theo thủy triều. Bạn đồng nghiệp đi cùng tôi lúc này mới lên tiếng hỏi ông về những khó khăn trong công việc.

Ông Tiếp nói, tất cả đều được vận hành bằng máy móc, công nhân ở đây chỉ có quan trắc mực nước để điều tiết. Bây giờ, chúng tôi làm việc bằng kinh nghiệm nên dễ, cái gian khổ chỉ diễn ra trong những hoàn cảnh bão lũ thôi. Như đợt bão số 10 vừa qua, mực nước dâng cao ở mức lịch sử với 2,7m khiến cả 13 nhân viên phải túc trực liên tục không kể ngày đêm. Nhưng cũng chưa thấm gì so với thời kỳ đầu. Khi hệ thống kênh mương tưới tiêu của các huyện chưa được xây dựng đồng bộ, việc vận hành nước bị thất thoát rất nhiều. Hơn nữa, nhiều khu vực cần tưới lại nằm ở vị trí cao nên rất khó điều tiết nước vào ruộng. Sau đó, công ty quyết định điều chỉnh mức cốt và phối hợp với các hồ chứa nước lớn như hồ Vực Trống, Đồng Hố, Cu Lây, Cửa Thờ - Trại Tiểu để vừa tưới, vừa dự trữ nước thì tình hình mới khả quan hơn.

Cống bara Đò Điệm giúp nước ngọt chảy về xuôi

Hồi bấy giờ, BQL cũng phải cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và bà con nông dân đứng dọc các tuyến kênh huy động máy bơm bơm nước vào ruộng, nhất định không để xảy ra tình trạng bơm kiệt nước tại các hồ hay tranh chấp giữa xã này với xã khác, thôn này với thôn khác. Cứ thế, hàng triệu m3 nước từ sông Nghèn đã lần lượt tắm táp cho ruộng đồng, bờ bãi. Từ đó, cảnh hạn hán, mất mùa trên những cánh đồng thượng lưu cũng đã chấm dứt.

Tôi chợt nhìn ra phía xa đằng Đông kia và nghĩ tới cuộc trò chuyện hôm nào với Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) Võ Tá Hữu. Thạch Mỹ là vùng tử địa, ruộng chỉ sản xuất 1 vụ, nhiều thôn như Hữu Ninh, Tây Giang hầu như đất bị bỏ hoang. Sau dự án ngọt hóa sông Nghèn, Thạch Mỹ có thêm 40 ha mặt nước được khai thác nuôi trồng thủy sản, lúa sản xuất 2 vụ, riêng vụ hè thu từ chỗ chỉ sản xuất 100 ha đã dần tăng lên 300 ha, cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Mấy năm trước, tôi cũng từng đến một vùng đất vốn trước đây bị bỏ hoang của xã Ích Hậu (Lộc Hà) - vùng Nam Hà, Hạ Lội (ven đê tả ngạn sông Nghèn). Trước đây, vùng này bỏ hoang hóa do nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Khi dự án ngọt hóa sông Nghèn thành công, cùng với chủ trương di dân của xã, vùng đất này trở thành làng mới và được người dân cải tạo, xây dựng hồ đập để nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, cùng với 30 hộ nuôi thủy sản nước ngọt quy mô nhỏ, vùng này còn có dự án xây dựng trung tâm giống cá nước ngọt lớn nhất Bắc Trung Bộ với diện tích hơn 50 ha.

Gần trọn 1 thập kỷ được dựng lên ở ngã ba sông nước, bara Đò Điệm vẫn đang trong hành trình thực hiện nhiệm vụ của mình với ruộng đồng, bờ bãi. Và những thế hệ công nhân ở đây vẫn đang đêm ngày miệt mài, tận tâm, tận lực để hiện thực hóa những mục tiêu của công trình.

Hà Tĩnh, tháng 10/2017

Hoài Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/kinh-te/noi-dong-song-doi-vi/144193.htm