Nơi đồng tiền được chi tiêu đúng cách

Khác với sự giàu xổi của bóng đá Trung Quốc những năm gần đây, nền bóng đá Saudi Arabia đang phát triển mạnh mẽ và bền vững nhờ những đồng tiền được chi tiêu đúng cách. Đó là một trong những lý do tại sao Saudi Arabia là đội bóng mạnh duy nhất tại châu Âu sử dụng 100% nội binh ở vòng loại World Cup 2022 cuối cùng khu vực châu Á.

Xét về độ giàu có, Saudi Arabia hoàn toàn không thua kém Qatar hay UAE, những quốc gia làm náo loạn bóng đá châu Âu suốt một thập kỷ qua thông qua việc sở hữu Paris SG và Man City. Hoàng gia Saudi Arabia cũng từng hỏi mua lại Man Utd nhưng không thành công. Năm ngoái, họ đạt thỏa thuận mua Newcastle, nhưng thương vụ này đổ bể vào phút chót vì những rắc rối liên quan đến bản quyền truyền hình.

Saudi Arabia không có ngôi sao tầm cỡ quốc tế, nhưng vẫn có các đội tuyển quốc gia rất mạnh.

Sự giàu có của Saudi Arabia giúp họ tạo ra giải vô địch quốc gia được xem là mạnh và đặc biệt nhất châu Á hiện nay. Ít ai biết bóng đá Saudi Arabia chỉ chính thức chuyên nghiệp hóa từ năm 2007, tức là sau cả V.League. Giải đấu cao nhất của họ hiện tại - Saudi Professional League (SPL) cũng từng có giai đoạn liên tục đổi tên cho đến khi nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.

Tháng 11/2016, Chính phủ Saudi Arabia phê duyệt kế hoạch chuyển các CLB thể thao nhà nước thành công ty tư nhất. Dòng tiền của các tỷ phú bắt đầu được rót nhiều hơn vào SPL và biến giải đấu này trở thành điểm dừng chân mong ước của nhiều cầu thủ.

Khi giải bóng đá Trung Quốc nổi lên vào những năm 2016, 2017, Saudi Arabia cũng tham gia vào cuộc đua. Tuy nhiên, thay vì vung tiền vô tội vạ như các CLB Trung Quốc, người Saudi Arabia lại tập trung nhiều vào đầu tư bóng đá trong nước, giữ chân tài năng và phát triển bóng đá toàn diện. Họ không chỉ quan tâm đến đào tạo trẻ, mà thậm chí mở rộng phát triển cả bóng đá nữ, điều rất đặc biệt ở các quốc gia Hồi giáo.

Năm 2018, người đứng đầu Tổng cục Thể thao Saudi Arabia thời điểm đó - Turki Al-Sheikh từng tự tin tuyên bố đưa SPL trở thành một trong 7 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới, đồng nghĩa với việc “chung mâm” cùng các tên tuổi lớn ở châu Âu như Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga… vào năm 2020. Điều này không trở thành hiện thực vì ảnh hưởng của đại dịch, nhưng lãnh đạo Saudi Arabia vẫn đang giữ đúng lời hứa sau gói tài trợ 340 triệu đô la của Thái tử Mohammed bin Salman.

Saudi Arabia từ chỗ là điểm xuất phát của 20% đơn cầu thủ, HLV kiện đòi lương thưởng gửi lên FIFA hàng năm, đang dần trở thành giải đấu thu hút được cả các ngôi sao từ châu Âu. Mùa hè này, Al-Hilal của Riyadh đã gây bất ngờ khi vượt qua một loạt CLB ở Anh, Tây Ban Nha cũng như Italia để giành tiền vệ tấn công người Brazil, Matheus Pereira từ West Brom. Pereira đến Al-Hilal để thay thế ngôi sao một thời của bóng đá Italia, Sebastian Giovinco.

Trước đó, Talisca - người từng sống trong bóng đá giàu sang của Super League Trung Quốc và từng được Man Utd theo đuổi cũng dứt áo CLB Quảng Châu để gia nhập Al-Nassr. Chia sẻ trong ngày ký hợp đồng, Talisca nói: “Tôi rất vui khi có mặt ở đây. Có nhiều cầu thủ xuất sắc đang đến đây và giải đấu có tiềm năng tuyệt vời để phát triển. Khoảng thời gian tới chắc chắn sẽ rất thú vị”.

Chỗ hay của các CLB Saudi Arabia là họ không khuyếch trương sức mạnh tài chính hay lạm dụng tiền bạc để bóp méo các giá trị căn bản của bóng đá. Al-Hilal chỉ mất 18 triệu euro mua Pereira, số tiền còn thấp hơn những CLB khác trả cho West Brom. Ngoài ra, họ cũng tìm kiếm những lựa chọn phù hợp thay vì cố gắng chơi trội để mang về những ngôi sao ở đẳng cấp quá cao so với các cầu thủ nội.

Bạn có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào danh sách các tân binh cập bến SPL trong mùa hè 2021. Rất nhiều tên tuổi quen thuộc như Paulinho, Ezgjan Alioski, Vincent Aboubakar, Moussa Marega… đều đến theo dạng chuyển nhượng tự do. Talisca từng lên tuyển Brazil cũng chỉ có giá 8 triệu euro.

Tương tự như vậy, không ít HLV xuất sắc cũng về với SPL từ lâu, như cựu HLV Monaco Leonardo Jardim, cựu HLV tuyển Brazil Mano Menezes hay các ngôi sao trẻ trong giới HLV như Yannick Ferrera (Bỉ), Carlos Inarejos (Tây Ban Nha), Nenad Lalatovic (Serbia)… Tất cả tạo ra sức hút lớn cho SPL, nhưng cũng vừa đủ giúp các cầu thủ Saudi Arabia cạnh tranh, phát triển bản thân.

Nhờ chính sách và lựa chọn thoạt nhìn bình thường đó, Saudi Arabia đang liên tục sản sinh ra các thế hệ tài năng mới và phát triển họ ngay trong nước. Khác với các nền bóng đá mạnh khác ở châu Á, Saudi Arabia có quyền tự hào khi 100% tuyển thủ tham dự vòng loại World Cup 2022 sắp tới của họ đến từ giải quốc nội.

Hiện tại, Chính phủ Saudi Arabia thậm chí đã đưa ra định hướng phát triển bóng đá đến năm 2030, với tham vọng trở thành nước chủ nhà của một kỳ World Cup trong tương lai.

Simon Chadwick, giáo sư môn thể thao Á-Âu tại Trường Kinh doanh Emlyon nói với Associated Press: “Giải bóng đá Saudi Arabia vững mạnh hơn các giải đấu thiên về tiền bạc khác nhờ truyền thống mạnh mẽ của các CLB cũng như các ĐTQG. Họ đã 5 lần dự World Cup cho dù không có ngôi sao tầm cỡ nào xuất ngoại.

Niềm đam mê của quốc gia này với bóng đá cũng giúp giải đấu của họ thu hút các tài năng từ bên ngoài. Ngoài ra, Chính phủ luôn rõ ràng với các CLB, yêu cầu họ tuân theo thị trường, chịu áp lực tài chính để trở nên kỷ luật và phát triển bền vững hơn. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để lạc quan vào sự phát triển của bóng đá Saudi Arabia trong những năm tới”.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/noi-dong-tien-duoc-chi-tieu-dung-cach-i626192/