Nội dung, chương trình phù hợp, sát đối tượng

QĐND - Được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ “tiên phong” thực hiện đào tạo cán bộ quân sự cấp xã, ngành quân sự cơ sở trình độ đại học, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn đã phát huy bề dày truyền thống, kinh nghiệm, sự nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, thực hiện có chất lượng, hiệu quả từ khóa đào tạo đầu tiên…

QĐND - Được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ “tiên phong” thực hiện đào tạo cán bộ quân sự cấp xã, ngành quân sự cơ sở trình độ đại học, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn đã phát huy bề dày truyền thống, kinh nghiệm, sự nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, thực hiện có chất lượng, hiệu quả từ khóa đào tạo đầu tiên…

Chú trọng chất lượng từ khóa đầu

Những năm gần đây, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ mới: Đào tạo cao học, đào tạo cán bộ huyện, thị xã và cán bộ quân sự cấp xã… Để bảo đảm chất lượng đào tạo cán bộ quân sự cấp xã theo Đề án 799 của Thủ tướng Chính phủ, nhà trường có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo. Đại tá Đỗ Thanh Minh, Phó trưởng Phòng Đào tạo cho biết:

- Đào tạo cán bộ quân sự cấp xã là ngành học mới, nên ngay từ khi thực hiện đào tạo thí điểm, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chuẩn bị chu đáo, toàn diện; đặc biệt chú trọng xây dựng nội dung, chương trình sát với đối tượng, bởi đây là đối tượng mới, đào tạo theo địa chỉ, sau khi tốt nghiệp về cơ sở thực hiện công tác quân sự địa phương. Nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên về các địa phương, đơn vị, ở thành thị, nông thôn, miền núi... để nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo.

Hội đồng khoa học các cấp của nhà trường tiến hành hội thảo, thông qua từng bài giảng, môn học; xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo đại học; liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học và gần 50 tài liệu phục vụ giảng dạy. Các cán bộ, giảng viên nhiều kinh nghiệm được giao quản lý, giảng dạy; nhà trường thường xuyên rút kinh nghiệm với các khoa và đơn vị. Kết quả thí điểm góp phần để đề án sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện trong các trường toàn quân….

Việc xây dựng nội, dung chương trình sát đối tượng được cụ thể ở từng môn học. Đại tá Dương Tô Hoài, Chủ nhiệm Bộ môn Quân sự địa phương (Khoa Chiến thuật) chia sẻ: Trong từng bài giảng, khoa mục huấn luyện, ở các hình thức chiến thuật khác nhau, chúng tôi đều chú trọng xây dựng tưởng định, chọn địa hình, xác định đối tượng tác chiến trong thế trận khu vực phòng thủ của các vùng, miền; phối hợp với bộ đội chủ lực và còn tính đến sự phát triển của vũ khí trang bị, đối tượng tác chiến trong tương lai…, bảo đảm sát cương vị, chức trách người học.

Tại phòng học chuyên dùng môn học Công binh, đang giờ giải lao, các học viên, cán bộ quân sự cơ sở vẫn say sưa nghiên cứu đồ dùng huấn luyện, vật chất trưng bày. Chỉ vào những chiếc bàn chông, cạm bẫy, học viên Nguyễn Văn Nam, ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 chia sẻ: “Là cán bộ quân sự địa phương, nhưng khi vào đây học tâp chúng tôi mới thêm hiểu tác dụng, cách làm, bố trí các loại vật cản này. Đây là những nội dung rất bổ ích, cần thiết, đặc biệt là với cán bộ địa phương.

Học viên đào tạo cán bộ quân sự cấp xã tại Tiểu đoàn 3 luyện tập Điều lệnh đội ngũ. Ảnh: Ngọc Huyền

Với nội dung, chương trình đào tạo “chuẩn hóa” ngay từ đầu, góp phần để học viên đào tạo cán bộ quân sự cấp xã hăng say học tập. Đại tá Nguyễn Văn Chấn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 cho biết: Kết thúc năm học thứ hai, kết quả học tập của học viên đã khá hơn nhiều so với năm thứ nhất. Cụ thể, năm thứ nhất chỉ có 30% học viên học lực khá, giỏi thì hiện nay tỷ lệ này là gần 70%. Học viên chấp hành nghiêm kỷ luật, tự giác, nghiêm túc. Khóa 2 và 3, tuy mới vào học, nhưng các học viên đều xác định tốt, có ý thức tu dưỡng, rèn luyện

Đổi mới phương pháp, tiếp cận phù hợp

Thấy chúng tôi băn khoăn việc học viên đào tạo cán bộ quân sự cấp xã phần lớn là cử tuyển, trình độ nhận thức không đồng đều, một số đồng chí tuổi đã khá cao, nhiều đồng chí có gia đình…, liệu anh em có an tâm học tập, rèn luyện? Đại tá Nguyễn Văn Chấn vui vẻ giải thích: Công tác quản lý, giáo dục đối tượng học viên này vất vả, khó khăn hơn so với học viên đào tạo cơ bản. Nhiều học viên khi mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ, phương pháp học tập, tiếp thu kiến thức hạn chế. Nắm được đặc điểm đối tượng, đơn vị đi sâu giáo dục, định hướng nghề nghiệp, phân tích cho học viên thấy thuận lợi, khó khăn, quyền lợi trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp ra trường. Cán bộ đơn vị làm tốt vai trò trợ giáo, hướng dẫn học viên học tập; chú trọng thực hành, làm động tác mẫu để học viên làm theo. Việc quản lý, rèn luyện thực hiện cơ bản như các đối tượng khác; nhìn chung học viên tự giác rèn luyện, chấp hành nghiêm nền nếp, chế độ quy định.

Để học viên tiếp thu kiến thức nhanh, hiệu quả, các giảng viên của nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Kinh nghiệm của giảng viên Bộ môn Quân sự địa phương là trên cơ sở nắm chắc đối tượng, phương pháp giảng dạy để điều chỉnh phù hợp ở từng cấp chiến thuật; chú trọng động tác mẫu, chia nhỏ tập nhiều, sửa sai, uốn nắn cho học viên trong quá trình luyện tập.

Theo Đề án 799 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 toàn quốc phấn đấu có từ 70 đến 75% chỉ huy trưởng, chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn chủ động liên kết, giúp đỡ các trường quân sự quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiến hành đào tạo cao đẳng, liên thông cao đẳng. Từ kết quả kinh nghiệm ban đầu, nhà trường tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình ngày càng hoàn thiện, sát đối tượng đào tạo. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn của các địa phương với nhà trường trong quá trình tổ chức đào tạo cán bộ quân sự cấp xã trình độ đại học.

Vũ Xuân Dân

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/40/40/167111/Default.aspx